T5, 29/06/2023 09:36

Châu Âu: Cao điểm du lịch hè, thị trường thủy sản nóng dần

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Các công ty tại Nam Âu đang ráo riết chuẩn bị nguồn cung thủy, hải sản cho các tháng hè, dự kiến mức tiêu thụ cao do lượng khách du lịch tăng sau 3 năm hạn chế bởi COVID-19. Giá các loại thủy sản cao cấp như mực, bạch tuộc và tôm đồng loạt tăng.

Cá đáy trầm lắng

Lạm phát tại châu Âu bắt đầu giảm, nhưng nhìn chung giá các mặt hàng thực phẩm vẫn tăng 10%, riêng giá nhiều sản phẩm thủy sản đang cao hơn năm trước khoảng 30%. Tuy nhiên, trong báo cáo giá thủy sản tháng 5/2023 tại châu Âu, FAO ghi nhận đây là lần đầu tiên trong lịch sử tình trạng giá giảm kéo dài hơn thời gian tăng giá. Điển hình, tại Tây Ban Nha, giá thủy sản, chủ yếu là các loài cá nổi nhỏ, cùng một số cá đáy truyền thống liên tục duy trì đà giảm.

Giá cá tuyết trắng Thái Bình Dương (fillet PBO và xay) đã giảm 0,7 USD/kg sau khi đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái. Các công ty kinh doanh cá tuyết chật vật vì lượng hàng tồn kho chất đống mua từ năm 2022 với giá tương đối cao. Do đó, tiêu thụ mặt hàng này ngày càng đình trệ hơn. Người tiêu dùng tại châu Âu cũng đang thận trọng theo dõi diễn biến thị trường trước mỗi quyết định mua hàng. Sau khi các nguồn cung hạ giá cá tuyết Thái Bình Dương, các nhà sản xuất Namibia cũng vội vàng giảm giá 0,1 USD/kg.

Ảnh: Getty Images

Tại thị trường Nam Âu, nguồn cung fillet cá tuyết ướp muối chế biến từ cá đông lạnh (Gadus macrocephalus) và fillet cá tuyết (Gadus morhua) chế biến từ cá tươi nguồn gốc đảo Faroe và Iceland vẫn dồi dào do hàng tồn kho vẫn chất cao như núi. Do đó, các hãng sản xuất luôn thực hiện chính sách “chờ đợi và quan sát” trước khi tiến hành nhập khẩu các lô hàng mới. Tuy nhiên, giá cá tuyết có nhiều khả năng sẽ giảm do chi phí năng lượng và chi phí sản xuất đang dần hạ nhiệt, tạo hiệu ứng dây chuyền kéo nhu cầu tiêu thụ cá tuyết ướp muối tăng lên mặc dù tháng 6 không phải là mùa tiêu điểm với dạng sản phẩm này tại thị trường châu Âu.

Trái ngược với cá đáy, giá cá ngừ tại châu Âu lại tăng cao. Tình hình khai thác cá ngừ tại Trung Tây Thái Bình Dương vẫn ảm đạm. Sản lượng cá ngừ ở Thái Lan vẫn duy trì mức thấp dù đã được bổ sung thêm nguồn cung từ Ấn Độ Dương. Tại thị trường châu Âu, giá cá ngừ tăng nhưng hiện sức mua vẫn chưa có nhiều đột biến.

Hoạt động khai thác cá ngừ tại Ấn Độ Dương bấp bênh, nhưng nguyên liệu thô tại các nhà máy đóng hộp châu Âu hiện vẫn ổn định. Do đó, sản lượng khai thác tiếp tục được chuyển hướng đến phục vụ các thị trường khác, chủ yếu là châu Á. Tiến độ khai thác cá ngừ tại Đại Tây Dương diễn biến chậm, nhiều nhà máy đóng hộp địa phương tiếp tục báo cáo tình trạng thiếu nguyên liệu thô. Kết quả, giá cá ngừ vằn và cá ngừ vây vàng đều tăng.

Hoạt động khai thác cá tại Đông Thái Bình Dương tiến triển tích cực. Tuy nhiên, giá cá ngừ tại đây không giảm do nhu cầu ổn định từ thị trường Mỹ Latinh và thiếu hụt nguồn cung từ Tây Thái Bình Dương. Giá cá ngừ vằn châu Âu tăng do nguồn cung thiếu hụt từ Đại Tây Dương và sự cạnh tranh từ thị trường Thái Lan đối với hàng hóa Ấn Độ Dương.

Tôm, mực sôi động

Nhu cầu tiêu thụ mực ống tăng mạnh tại thị trường châu Âu và giá lên cao từng phút. Các thương lái đang tích trữ hàng cho mùa hè, cũng là mùa cao điểm trong năm, sau những hạn chế bởi COVID-19. Hiện, giá mực ống đang vượt xa mức lạm phát và đôi khi ghi nhận mức tăng 30 – 40% tại một số thị trường. Theo đó, giá mực nang và bạch tuộc cũng đi lên theo một vòng xoáy không có điểm dừng.

Nam Phi đóng cửa vụ khai thác mực ống đến 30/6/2023. Trước đó, sản lượng khai thác tương đối thấp. Dù vậy, giá mực ống được cải thiện do ZAR của Nam Phi suy yếu so với EUR. Vụ khai thác bạch tuộc đã kết thúc ở Java, Indonesia. Nhưng nguồn cung từ Makassar, Sulawesi, Aceh vẫn chưa bị gián đoạn. Châu Âu vẫn là thị trường tiêu thụ bạch tuộc hàng đầu của Indonesia.

Nguồn cung tôm từ Indonesia cho thị trường châu Âu không có nhiều biến động lớn. Nguồn cung tôm cỡ nhỏ vẫn dồi dào do một số nông dân thu hoạch sớm để tránh thời tiết xấu. Tuy vậy, giá tôm cỡ nhỏ khó giảm do nhu cầu tiêu thụ vẫn ổn định từ Mỹ và châu Âu. Giá tôm cỡ lớn cao hơn do nguồn cung giảm trong vài tuần gần đây, đặc biệt khi nhu cầu tăng mạnh, nhất là ở Nam Âu.

Vụ khai thác tôm đỏ Argentina diễn ra chậm hơn dự kiến, do đó nguồn cung tiếp tục xuống thấp. Nhu cầu tiêu thụ tôm đỏ tại châu Âu cũng đang tăng do kỳ nghỉ hè sắp tới. Giá tôm đỏ, do đó, cũng tăng 0,2 EUR/kg.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ TTCT chín, lột vỏ tại châu Âu tiếp tục đi lên. Giá mặt hàng này đã tăng 3 EUR/kg chỉ trong một tháng. Nhưng giá TTCT nguyên con lại giảm so với tháng trước, cho thấy thị trường châu Âu đang yêu cầu các sản phẩm tôm giá trị gia tăng. Tại thị trường Italia, nhu cầu tiêu thụ hải sản nhìn chung đều tăng mạnh nhờ sức nóng của kênh dịch vụ ẩm thực. Lượng tiêu thụ tôm hùm Bắc Mỹ và châu Âu tăng vọt với giá bán cao hơn tháng trước 3 – 4 EUR/kg.

Biến đổi khí hậu kéo theo hạn hán dai dẳng đã ảnh hưởng đến sản xuất nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên toàn thế giới. Năm ngoái, hầu hết các quốc gia đều bị ảnh hưởng và nguồn cung dưới mức kỳ vọng. Nhưng nhu cầu tiêu thụ hai mảnh vỏ tăng mạnh sau COVID-19. Do đó, giá mặt hàng cũng tăng lên. Các hãng sản xuất nhuyễn thể hai mảnh vỏ tại châu Âu cũng đang cạnh tranh khốc liệt. Bốn quốc gia đứng đầu về sản xuất nhuyễn thể có vỏ tại châu Âu gồm Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp và Italia với sản lượng lần lượt 200.000 tấn, 100.000 tấn, 75.000 tấn và 50.000 tấn. Tuy nhiên, hàng năm, châu Âu vẫn phải nhập khẩu thêm một lượng đáng kể để phục vụ tiêu dùng, trong đó lượng nhập khẩu từ Chilê lên đến 80.000 tấn.

Dũng Nguyên

(Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!