(TSVN) – Hội chợ thủy sản toàn cầu lần thứ 30 đã quay trở lại, thu hút sự quan tâm đặc biệt từ các doanh nghiệp châu Âu. Cách các doanh nghiệp này tiếp cận và nắm bắt cơ hội luôn mới mẻ qua từng năm.
Nhờ lợi thế về địa lý, rất nhiều doanh nghiệp thủy sản của châu Âu đã “đổ bộ” Barcelona để tìm kiếm thị trường và nhà cung cấp nguyên liệu thô. Trong bức tranh toàn ngành thương mại thủy sản châu Âu đa dạng và linh hoạt, Croatia, Đan Mạch, Estonia, Latvia và Ba Lan được đánh giá là những mảnh ghép nổi bật nhất.
Thế mạnh của nghề cá Croatia là đánh bắt các loài cá nổi nhỏ, chủ yếu là cá mòi, cá cơm và cá đáy. Ngoài khai thác, Croatia cũng phát triển nuôi biển (cá chẽm, cá tráp, cá đù, cá cam), nuôi vỗ cá ngừ vây xanh trong lồng; và nước ngọt (cá chép, cá hồi vân). Cá ngừ vây xanh đạt trọng lượng từ 30 kg trở lên đều được xuất khẩu sang Nhật Bản. Croatia đã mang một ngành thủy sản đa sắc tới Hội chợ thủy sản toàn cầu với nhiều sản phẩm từ cá hộp, cá ngừ nuôi, cá biển khác đến cá nước ngọt.
Ông Zoran Radan, đại diện Phòng Thương mại và Kinh tế Croatia cho biết, chúng tôi mang đến hội chợ các loài cá biển nuôi mới như cá tráp vàng và cá cam Nhật Bản; cạnh đó cũng có những sản phẩm quen thuộc nhưng sức hút chưa khi nào hạ nhiệt, đó là cá mòi đóng hộp, cá cơm muối và ướp gia vị. Công ty Cromaris đã tạo dựng được tên tuổi tại Hội chợ khi tung ra hàng loạt sản phẩm cá biển tươi sống, fillet cá chẽm, cá tráp, cá đù và nhiều mặt hàng giá trị gia tăng như cá hun khói và tẩm ướp gia vị.
Bốn “ông lớn” trong ngành cá hộp của Croatia gồm Conex Trade, Mardesic, Podravka, và Sardina cũng nắm bắt cơ hội thị trường thông qua hàng loạt sản phẩm mới từ cá cơm, cá chẽm, cá tráp. Đại diện công ty này cho biết, sở thích của người tiêu dùng thay đổi, nhà sản xuất phải thích ứng. Đó là lý do họ mang đến hội chợ các đầu bếp tên tuổi để thu hút khách hàng.
36 công ty Đan Mạch mang đến hội chợ nhiều sản phẩm mới nhưng giữ kín thông tin để giới thiệu vào hôm khai mạc. Điểm đặc biệt của các doanh nghiệp này là giải pháp liên quan đến chế biến hải sản, nuôi trồng và đánh bắt cá với cam kết đáp ứng mọi tiêu chí sáng tạo, bền vững và tiết kiệm năng lượng nhất. Nhiều doanh nghiệp lần đầu tiên đến Barcelona, trong đó có Beritech A/S, một công ty dược và thực phẩm mới lấn sân sang chế biến hải sản. Tuy nhiên, Beritech A/S tự tin sản phẩm của họ là giải pháp hoàn toàn mới mà chưa một hãng nào làm được từ trước đến nay.
LSM Pumps, một doanh nghiệp mới khác của Đan Mạch mang đến hội chợ hệ thống máy bơm nhu động phục vụ nhiều ngành công nghiệp gồm năng lượng sinh học, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt cá. Nhiều mẫu máy bơm chưa từng có mặt trên thị trường trước đây, nhưng đã được thử nghiệm tại các cơ sở nuôi trồng thủy sản ở Đan Mạch với kết quả tiết kiệm 80% năng lượng và giảm khí thải.
Estonia sở hữu hơn 30 trang trại nuôi cá nước ngọt, tôm hùm đất, cá chép, lươn châu Âu và hơn 70 cơ sở chế biến cá. Sản lượng thủy sản nuôi đạt trên 800 tấn vào năm 2022 với 85% là cá hồi vân. Phần lớn sản lượng được xuất khẩu dưới dạng đông lạnh và tẩm gia vị sang thị trường Đông Âu, fillet tươi và ướp lạnh sang Tây Âu trong khi cá hồi fillet, hun khói, khô và ướp muối được tiêu thụ toàn cầu. Sản phẩm hải sản của Estonia đã có mặt tại 60 quốc gia trên thế giới, mang lại 200 triệu USD vào năm 2023.
Gian hàng của Estonia tại sự kiện Triển lãm thủy sản toàn cầu năm nay sẽ có 13 doanh nghiệp tham gia cùng nhiều sản phẩm gồm cá hồi chế biến, cá trích, cá trích Baltic, cá hồi và trứng cá hồi, tôm, cá rô, cá tráp.
Dù đã tham gia Triển lãm thủy sản toàn cầu suốt 15 năm qua, nhưng doanh nghiệp Lavia luôn coi đây là sự kiện thường niên quan trọng nhất để kết nối chuyên gia, tìm kiếm đối tác và đánh giá sự phát triển của đối thủ cạnh tranh. Năm nay, gian hàng chung của Latvia có 14 công ty tham dự. Gian hàng cũng có sự góp mặt của một số đầu bếp chuyên nghiệp chuẩn bị các mẫu nếm thử cùng bia hơi miễn phí nhằm thu hút khách hàng tìm hiểu ẩm thực của Latvia.
Xuất khẩu cá và hải sản của Latvia tăng đều từ năm 2020 lên hơn 153 triệu EUR vào năm 2023; trong khi nhập khẩu gần 224 triệu EUR. Do đó, Seafood Expo Global 2024 là cơ hội để Latvia tìm kiếm nhà cung cấp nguyên liệu thô. Nhiều doanh nghiệp Latvia cũng mang đến hội chợ nhiều sản phẩm mới, ví dụ công ty Brivais Vilnis tạo ấn tượng với sản phẩm cá chiên sáng tạo kèm nước sốt unagi, thu hút nhiều đoàn khách hàng Ả Rập và Nhật Bản. Công ty Atlantika International ra mắt món cá hồi thuần chay cũng tạo sức hút không kém.
Hải sản của Ba Lan đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch nghiêm ngặt, được xuất khẩu tới 100 nước trên thế giới, chủ yếu là sản phẩm từ cá hồi và cá hun khói. Ba Lan cũng phải nhập khẩu một khối lượng lớn cá hồi nguyên liệu từ Na Uy và chế biến thành những sản phẩm giá trị gia tăng như cá hồi ăn liền, trứng cá muối, cá hộp và sản phẩm đông lạnh. Đây cũng là những sản phẩm thế mạnh mà Ba Lan mang tới hội chợ năm nay. Những sản phẩm này độc đáo ở công nghệ đóng gói mới nhất như MAP, hút chân không, khay chịu nhiệt…; đồng thời đều đạt chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn BRC, IFS, MSC hoặc GlobalG.A.P.
Đại diện doanh nghiệp Ba Lan chia sẻ, hội chợ là nơi nảy ra ý tưởng về xu hướng, cải tiến và sản phẩm mới nhất làm sôi động thị trường thủy sản châu Âu và phân tích chiến lược của đối thủ cạnh tranh. Những năm trước, Hiệp hội chế biến thủy sản Ba Lan tổ chức gian hàng cùng Hiệp hội sản xuất Ban Lan với sự hỗ trợ của Quỹ Hàng hải, Nghề cá và Nuôi trồng thủy sản châu Âu. Hỗ trợ này nhằm tìm kiếm thị trường mới và nâng cấp chiến lược tiếp thị.
Tuấn Minh
(Tổng hợp)