T2, 09/05/2022 09:00

Châu Âu: Thị trường thủy sản đón “bão giá”

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Xung đột giữa Nga và Ukraine cùng những đòn cấm vận thương mại gần đây đang gây ra tình trạng gián đoạn, thậm chí đứt gãy nhiều tuyến thương mại quan trọng của châu Âu. Thủy sản có nguy cơ trở thành hàng “xa xỉ” với nhiều người tiêu dùng tại châu lục này.

Cá minh thái Alaska của Nga sang Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách sản phẩm bị cấm xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, xuất khẩu cá minh thái Nga sang các nhà máy chế biến tại Trung Quốc vẫn tiếp diễn và không hề có dấu hiệu bị trì hoãn. Trong khi xuất khẩu vẫn thuận lợi, thì nhập khẩu thủy sản vào Nga lại gặp nhiều khó khăn hơn, do giá của sản phẩm này càng ngày càng đắt đỏ khiến người tiêu dùng nội địa khó chấp nhận, đặc biệt là sau khi đồng RUB của Nga mất giá. Thị trường thủy sản Nga đành phải dựa vào các nguồn cung nội địa.

Đối với châu Âu, chi phí nguyên liệu xăng dầu tăng cao là những hệ lụy lớn nhất mà cuộc xung đột Nga – Ukraine gây ra cho khối thị trường này. Chi phí khai thác cá tăng vọt trong thời gian gần đây đã khiến nhiều ngư dân Italy đình công suốt 1 tuần, làm nguồn gián đoạn nguồn cung cá tươi ra thị trường.

Cá đáy và cá ngừ

Các chuỗi siêu thị tại Anh và Bắc Ireland đã quyết định thay thế cá đáy của Nga bằng các sản phẩm khác từ Na Uy, Iceland và đảo Faroe. Động thái này đang tác động không nhỏ lên tình hình nguồn cung và đẩy giá cá tuyết cod của Na Uy tăng cao.

Hoạt động khai thác cá ngừ tại khu vực Trung Tây Thái Bình Dương (WCP) không thuận lợi, do thời tiết xấu nên chỉ đạt sản lượng ở mức thấp đến trung bình. Do đó, giá cá ngừ vằn tăng vọt. Những tuần gần đây, giá xăng dầu tăng mạnh và tác động tiêu cực đến chi phí hoạt động của tàu khai thác và vận chuyển cá ngừ.

Tỷ lệ khai thác tại vùng biển Ấn Độ Dương vẫn duy trì ở mức ổn định, nhưng hoạt động của các tàu vận chuyển cá ngừ lại bị hạn chế. Tại thị trường Bangkok, giá cá ngừ vằn và cá ngừ vây vàng đều tăng vọt.

Theo Hiệp ước quốc tế 72 ngày về bảo tồn cá ngừ Đại Tây Dương (ICCTA), hoạt động khai thác cá bằng thiết bị dẫn dụ (FAD) tại vùng biển này buộc phải chấm dứt vào ngày 13/3. Do đó, hoạt động khai thác diễn ra ảm đạm suốt giai đoạn FAD bị cấm. Trong khi, lượng dự trữ cá ngừ nguyên liệu tại các nhà máy đóng hộp đã gần cạn. Giá cá ngừ vằn vẫn không hạ nhiệt, cùng lúc giá cá ngừ vây vàng tăng từng ngày. Khai thác cá ngừ tại vùng biển phía Đông Thái Bình Dương (ETP) vẫn duy trì ở mức thấp đến trung bình. Giá cá ngừ vằn khai thác tại đây đã tăng 100 USD/tấn, vượt giá cá ngừ Bangkok. Giá cá ngừ vàng vẫn đang tiếp tục tăng.

Giá cá tráp và vược cũng tăng mạnh từ đầu năm. Cá chẽm của Hy Lạp cỡ 300 – 450 g/con đã chạm đỉnh 5,20 EUR/kg tại Italy vào tháng trước. Giá cá tráp thấp hơn nhưng vẫn đắt hơn giá cùng kỳ năm ngoái.

Mực và bạch tuộc

Sản lượng khai thác mực ống tại Nam Phi tương đối thấp, trong khi giá mực cỡ lớn không đổi, còn giá mực cỡ nhỏ hơn lại tăng cao. Cuối tháng 3, vụ khai thác mực ống tạm dừng như thường lệ hàng năm. Dự trữ mực ống hiện còn rất ít. Do đó, thị trường mực ống Nam Phi sẽ không có sẵn nguồn cung vào các tháng mùa hè.

Giá bạch tuộc châu Âu đang đi xuống bởi nguồn cung tăng từ nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, mức giá hiện tại vẫn cao hơn năm ngoái khoảng 2 EUR/kg, nên vẫn đắt đối với người tiêu dùng và các nhà máy chế bạch tuộc ăn liền.

Tôm, cua

Nguồn cung tôm nuôi cho thị trường châu Âu trong quý I/2022 từ Nam Á và Đông Nam Á tương đối thấp, trừ từ Indonesia. Giá tôm tại châu Âu vẫn cao và thị trường đang thiếu hụt tôm cỡ nhỏ. Các nhà hàng đã phục hồi gần như hoàn toàn nên nhu cầu tiêu thụ tôm giai đoạn này tăng cao. Vụ khai thác tôm đỏ tại Argentina vừa kết thúc, với sản lượng thấp hơn các năm trước. Tuy nhiên, tôm dự trữ dồi dào vẫn nên xuất khẩu sang châu Âu không bị gián đoạn và giá tôm Argentina vẫn duy trì ổn định. Nhìn chung, thị trường tôm tại châu Âu vẫn có nhiều bất ổn do bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị. Doanh số cua và tôm hùm cũng phục hồi mạnh mẽ khi các nhà hàng mở cửa trở lại. Giá hai mặt hàng này cũng tăng vọt do nguồn cung thấp.

Cá hồi

Giá cá hồi Atlantic nuôi tại các thị trường châu Âu đang tiếp tục tăng kể từ đầu năm 2022, nhờ thị trường phục hồi trong khi nguồn cung hạn hẹp. Giá cá hồi từng chạm đỉnh vào tuần 7 khi giá niêm yết trên Fish Pool Index đạt 92,56 NOK/kg. Trong tháng 3, giá cá hồi giảm ở một số thị trường nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Trong tuần 9, giá cá hồi niêm yết trên Fish Pool Index đạt 85,27 NOK/kg. Riêng cá hồi Na Uy đã vượt mốc 100 NOK/kg vào gần cuối tháng 4/2022.

Trong tháng 2/2022, theo Hội đồng Thủy sản Na Uy, nước này đã xuất khẩu 89.700 tấn cá hồi, trị giá 7,8 tỷ NOK, giảm 5% lượng nhưng tăng 47% giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Pháp, Italy và Mỹ tiếp tục là các thị trường tiêu thụ cá hồi chủ yếu của Na Uy. Xung đột tại Ukraine đã gây ra những tác động nhất định lên ngành cá hồi Na Uy, đó là mất thị trường tiêu thụ Ukraine, vận tải hàng không, tàu biển bị gián đoạn. Tại Anh, giá cá hồi nuôi Atlantic của Scotland cũng diễn biến tương tự giá cá hồi của Na Uy, nên xuất khẩu cá hồi Scotland cũng được hưởng lợi. Những khó khăn về thủ tục hành chính và tình trạng trì hoãn hàng hóa nghiêm trọng từng cản trở thương mại giữa Anh và châu Âu từ hồi đầu năm ngoái đến nay đã được cải thiện, tuy nhiên một số khó khăn vẫn tồn tại dai dẳng.

Bất chấp tình hình chiến sự ở Ukraine, sự cân bằng chặt chẽ của thị trường cá hồi châu Âu hiện tại được thiết lập đã giúp giá cá hồi giữ ở mức cao cho đến khi sản lượng thu hoạch tăng đột biến vào cuối mùa hè. Dù vậy, lợi nhuận của các hãng cá hồi châu Âu tiếp tục bị chi phối bởi giá đầu vào tăng cao, do Ukraine là đối tác cung cấp một lượng lớn nguyên liệu thức ăn.

>> Giá thủy sản đều đang tăng đối với tất cả các mặt hàng từ sản phẩm nuôi đến khai thác, trong khi giá thức ăn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, càng làm tăng thêm áp lực chi phí và thu hẹp lợi nhuận của các doanh nghiệp thủy sản.

Đan Linh

Tổng hợp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!