(TSVN) – Tại cuộc họp của Ủy ban Cá ngừ Ấn Độ Dương (IOTC), Liên minh châu Âu đã thông qua các biện pháp bảo tồn quan trọng, gồm hạn ngạch đánh bắt lần đầu tiên cho tất cả loài cá ngừ nhiệt đới chủ chốt và lệnh cấm giữ lại cá mập mako vây ngắn.
EU tiếp tục khẳng định vai trò dẫn dắt trong quản lý nghề cá quốc tế với những sáng kiến bảo tồn mạnh mẽ tại IOTC. Lần đầu tiên, các hạn ngạch khai thác bắt buộc đã được thiết lập cho tất cả các loài cá ngừ nhiệt đới tại khu vực Ấn Độ Dương gồm cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to và mới đây nhất là cá ngừ vằn, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn nguồn lợi thủy sản lâu dài.
Sau khi quy trình quản lý cá ngừ vằn được thông qua vào tháng 5/2024, IOTC đã thống nhất áp dụng hạn ngạch cho loài cá này. Những nước khai thác chính như EU, Indonesia và Maldives sẽ phải tuân thủ quy định hạn ngạch, nhằm đảm bảo nghề cá bền vững trong tương lai. Các quốc gia đang chú trọng phát triển ngành thủy sản cũng được khuyến khích đánh bắt cá ngừ có trách nhiệm, nhằm duy trì sản lượng khai thác ở mức bền vững trước khi phân bổ hạn ngạch riêng.
Tại cuộc họp IOTC năm nay, EU và Nhật Bản đã đưa ra sáng kiến chung về việc tăng tổng sản lượng khai thác cho phép (TAC) thêm 15% đối với cá ngừ mắt to, phù hợp với khuyến nghị khoa học. Nỗ lực kiên định của EU trong việc tôn trọng cơ sở khoa học và áp dụng hạn ngạch hợp lý đã góp phần quan trọng giúp phục hồi nguồn lợi loài cá này về trạng thái bền vững.
Liên minh châu Âu hoan nghênh dấu hiệu phục hồi tích cực của trữ lượng cá ngừ vây vàng. Đánh giá trữ lượng mới nhất cho thấy loài cá này không còn bị khai thác quá mức. Thành tựu này là kết quả từ kế hoạch phục hồi của IOTC năm 2021, trong đó EU đóng vai trò quan trọng nhờ giảm đáng kể sản lượng đánh bắt trong 5 năm qua. Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học IOTC đề nghị hoãn các quyết định lớn về quản lý trữ lượng và tăng hạn ngạch khai thác đến khi có thêm rà soát dữ liệu vào cuối năm.
Là thành viên chủ chốt trong IOTC, châu Âu đã khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc quản lý nghề cá bền vững và bảo vệ các loài dễ bị tổn thương. Một thành tựu quan trọng là việc thông qua đề xuất của EU về việc cấm giữ lại cá mập mako vây ngắn và yêu cầu thả ngay tất cả cá thể sống. Biện pháp này giúp giảm đáng kể tỷ lệ chết, đồng thời cho phép giữ lại cá thể chết dưới sự giám sát của quan sát viên, nhằm tránh việc vứt bỏ lãng phí mà không có lợi ích sinh thái. Liên minh Châu Âu đã hợp tác chặt chẽ với nhiều phái đoàn và cộng đồng bảo vệ cá mập để tăng cường công tác bảo vệ loài này.
Dũng Nguyên
Theo Seafoodmedia