(TSVN) – Con tàu MS Negrelli, dài 66 mét, neo trên sông Danube, thuộc địa phận thủ đô Viên của nước Áo là mô hình trại nổi nhân giống cá tầm đầu tiên của châu Âu gồm cá tầm beluga, cá tầm Nga, sterlet, và stellate. Dự kiến tới năm 2030, khoảng 1,6 triệu cá tầm non sẽ được thả trở lại sông Danube.
Tái tạo nguồn lợi cá tầm tại châu Âu được xem là nhiệm vụ cấp bách bởi loài cá này đang tiến gần nguy cơ tuyệt chủng do mất môi trường sống và nạn đánh bắt trái phép tràn lan nhằm khai thác trứng. Do đó, dự án trại nhân giống cá tầm LIFE-Boat4Sturgeon trên mô hình tàu MS Negrelli nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính phủ Áo cùng nhiều lãnh đạo trong ngành nông nghiệp và môi trường.
“Cá tầm là biểu tượng của các dòng sông khỏe mạnh, điều này quan trọng đối với nguồn nước uống, nghề cá, chống lũ và các hoạt động giải trí. Sự tồn tại của cá tầm phản ánh tình trạng của sông Danube, con sông lớn thứ hai ở châu Âu,” ông Andreas Beckmann, Giám đốc điều hành WWF khu vực Trung và Đông Âu, chia sẻ tại buổi lễ ra mắt dự án. “Bảo vệ cá tầm là bảo vệ các hệ sinh thái hỗ trợ đa dạng sinh học và sinh kế của các cộng đồng bền vững dọc theo con sông,” ông nói thêm.
Đại học MATE (Hungary) và Viadonau – đơn vị cung cấp tàu MS Negrelli cho biết, con tàu được cải tạo trong vài tháng qua để lắp đặt 35 bể nhân giống bốn loài cá tầm trên sông Danube. Từ mùa hè này, du khách sẽ có cơ hội tham quan tàu MS Negrelli và tìm hiểu trực tiếp về dự án.
Tàu MS Negrelli neo đậu tại Viên để nuôi dưỡng cá tầm. Ba loài cá tầm nuôi tại đây sẽ được đưa tới Biển Đen, sống trong môi trường nước mặn vài năm trước khi quay lại sông Danube. Cá tầm sẽ được thả ở vùng hạ lưu sông Danube do chúng không thể vượt qua được con đập Iron Gates. Tại hạ lưu sông Danube, WWF đang tích cực hoạt động tại Bulgaria, Romania và Ukraine nhằm bảo vệ cá tầm non thông qua các chương trình bảo tồn, chống đánh bắt trái phép và thả cá có kiểm soát.
Bà Beate Striebel từ Sáng kiến Cá tầm của WWF chia sẻ: “Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với ngư dân vùng hạ lưu Danube, cộng đồng địa phương và cơ quan quản lý để giúp cá non có cơ hội sống sót cao nhất. Nguy cơ vẫn còn lớn từ lưới đánh cá đến các loài săn mồi, nhưng chắc chắn sẽ có cá sống sót. Và chính những cá thể ấy sẽ góp phần cứu loài cá tầm khỏi nguy cơ tuyệt chủng”.
Trong nhiều năm qua, các quốc gia hạ lưu sông Danube như Romania, Bulgaria và Ukraine đã nỗ lực bảo vệ quần thể cá tầm thông qua nhiều hoạt động đa dạng, với sự tham gia của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học. Dự án LIFE-Boat4Sturgeon sẽ tiếp tục thả thêm 1,6 triệu cá tầm, bổ sung vào hơn 1 triệu cá đã được thả trước đó. Bà Cristina Munteanu, Điều phối viên Quốc gia về Bảo tồn cá tầm của WWF-Romania, cho biết: “Kết quả ban đầu cho thấy loài cá tầm Nga, từng gần như biến mất khỏi sông Danube, đang bắt đầu hồi phục chậm rãi.”
Dũng Nguyên
Theo Fishfarmingexpert