“Chảy máu” nguyên liệu hải sản sang Trung Quốc:  Chỉ thấy cái lợi trước mắt

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời gian qua, nhiều địa phương ở khu vực phía Nam đã từng xảy ra những chuyện “dở khóc, dở cười” và những hậu quả đáng tiếc trong chuyện làm ăn với một số thương lái Trung Quốc. Còn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chuyện thua thiệt khi mua bán hải sản với thương lái Trung Quốc cũng không mới. Vấn đề nghiêm trọng hơn là những thiệt hại về lâu dài khi nguồn nguyên liệu hải sản cạn kiệt.

Thời gian qua, nhiều địa phương ở khu vực phía Nam đã từng xảy ra những chuyện “dở khóc, dở cười” và những hậu quả đáng tiếc trong chuyện làm ăn với một số thương lái Trung Quốc. Còn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chuyện thua thiệt khi mua bán hải sản với thương lái Trung Quốc cũng không mới. Vấn đề nghiêm trọng hơn là những thiệt hại về lâu dài khi nguồn nguyên liệu hải sản cạn kiệt.

 

Ông Nguyễn Tuấn Dũng (xã An Ngãi, huyện Long Điền) đang kể với phóng viên về chuyện ông bị một thương lái Trung Quốc lừa mất 1 tỷ đồng vào năm 2005. Ảnh: Lam Phương

 

Doanh nghiệp trong nước thua về giá

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh hiện có 164 cơ sở thu mua hải sản lớn, làm đầu mối cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hải sản. Qua quá trình theo dõi, cơ quan này đã phát hiện 4 cơ sở chuyên thu mua hàng xuất cho thương lái Trung Quốc. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cũng đã cảnh báo những rủi ro khi làm ăn với thương lái Trung Quốc. Thế nhưng, qua tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy quan hệ làm ăn giữa các nậu vựa trong tỉnh và thương lái Trung Quốc không hề giảm, mà còn có xu hướng tăng, nhiều người bất chấp rủi ro và hậu quả lâu dài. Qua nhiều nguồn tin chúng tôi được biết, số lượng thực tế các chủ vựa có mối quan hệ làm ăn với người Trung Quốc còn lớn hơn nhiều.

Những khối bạch tuộc đông lạnh này sẽ được xuất bán cho thương lái Trung Quốc. Ảnh: Lam Phương

Sở dĩ các chủ vựa và bà con ngư dân “mê” thương lái Trung Quốc vì họ chỉ nhìn vào cái lợi trước mắt là giá thu mua cao và thanh toán nhanh hơn các doanh nghiệp trong nước. Về phía thương lái Trung Quốc, việc đẩy giá lên cao đã tạo ra cho họ một lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp trong nước. Theo phản ánh của các chủ doanh nghiệp, các doanh nghiệp chế biến hải sản trong nước khi mua nguyên liệu phải chịu 5% thuế VAT, còn thương lái Trung Quốc xuất đi dưới danh nghĩa của chủ nậu vựa thì không phải đóng thuế này. Khi đưa về nước, nếu xuất sang thị trường thứ ba, họ còn được hưởng thêm khoản tiền hoàn thuế. Với khoản chênh lệch này đủ để họ tăng giá, thậm chí có lúc còn tạo ra những “cơn sốt” giá ảo, gây rối loạn thị trường. Ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chế biến XNK thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu, kiêm Giám đốc Xí nghiệp 1 cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp chế biến hải sản phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt với các thương lái Trung Quốc, đặc biệt là đối với mặt hàng bạch tuộc. Có thời điểm, giá mặt hàng này bị đẩy lên cao hơn mức bình thường 10.000 đồng/kg, khiến cho các doanh nghiệp chế biến trong nước thua lỗ nặng, vì hợp đồng xuất khẩu đã ký, không thể không giao hàng nên phải bấm bụng mua nguyên liệu với giá “trên trời”.

 

Chỉ thấy cái lợi trước mắt

Việc các thương lái Trung Quốc đổ xô vào các địa phương ven biển để thu mua nguyên liệu hải sản không thể không cảnh giác. Bởi, trên thực tế đã từng xảy ra những chuyện “dở khóc, dở cười”. Câu chuyện của ông Nguyễn Tuấn Dũng, chủ DNTN Hoàng Thắng Lợi, ấp An Thạnh, xã An Ngãi (huyện Long Điền) là một bài học cay đắng về chuyện làm ăn với thương lái Trung Quốc. Ông Dũng kể, từ năm 1996 ông bắt đầu thu mua, sơ chế các loại cá khô cho một thương lái Trung Quốc. Thời gian đầu, họ làm ăn rất sòng phẳng, hàng lên xe là thanh toán tiền mặt ngay. Giá mua hàng của thương lái Trung Quốc rất cao, có những mặt hàng cao gấp đôi so với giá nội địa. Đến năm 2005, khi hai bên đã tạo được mối quan hệ thân tín, thì phía đối tác đột ngột yêu cầu xuất một lúc 3 chuyến hàng với tổng sản lượng hơn 22 tấn. Ông Dũng vét hết vốn liếng đập vào chuyến hàng này với hy vọng kiếm được khoản lời kha khá. Thế nhưng, không ngờ xuất hàng xong, phía đối tác “một đi không trở lại” và cũng không để lại dấu tích gì. Cú lừa này đã khiến ông kiệt quệ vì bị mất trắng 1 tỷ đồng.

Một chủ doanh nghiệp chuyên mua bán hải sản tại TP. Vũng Tàu (đề nghị giấu tên) cho biết, vài năm trước làm ăn với thương lái Trung Quốc ông cũng bị một vố rất đau. “Đang xuất hàng ngon trớn, bỗng dưng phía đối tác yêu cầu tăng sản lượng gấp đôi, khi chuyến hàng này ra tới cửa khẩu thì họ kiểm tra hàng hóa rồi “chê ỏng chê eo”, buộc tôi phải hạ giá bán. Đến nước này nếu không bán thì biết đưa hàng đi đâu, để lâu thì nguyên liệu hư hỏng, nên tôi đành bấm gan chịu lỗ. Từ đó đến nay tôi “cạch” luôn chuyện làm ăn với thương lái Trung Quốc”, chủ doanh nghiệp này kể.

Người tự xưng là A. Quân (bên phải), một thương lái Trung Quốc đang tạm trú tại xã An Ngãi (huyện Long Điền) để thu mua hải sản đưa về Trung Quốc. Ảnh: Lam Phương

Đó là những câu chuyện thực tế mà chúng tôi thu thập được, còn theo phản ánh của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, trong năm 2011 trên địa bàn huyện Long Điền đã có một số nậu vựa bị thương lái Trung Quốc dùng chiêu lừa tương tự khiến họ trở nên điêu đứng.

Việc thương lái Trung Quốc ồ ạt thu gom nguyên liệu đưa về nước chế biến về lâu dài không những gây “chảy máu” nguồn nguyên liệu, mà còn làm mất thị trường xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Còn trường hợp xuất hải sản dưới dạng thô (mới qua sơ chế) cho dù có đầy đủ các chứng từ hợp pháp cũng là phương thức làm ăn cần hạn chế, vì tiêu tốn nhiều nguyên liệu, giá trị gia tăng thấp và để lại vấn nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo quan sát của chúng tôi, tại các cơ sở sơ chế nguyên liệu hải sản gần các cảng cá, hầu như không có nơi nào đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Người dân sống gần các cơ sở này luôn phải chịu đựng mùi hôi thối bốc lên thường xuyên, đặc biệt là vào những ngày mưa bão.  

Theo báo cáo của Sở Công thương, 5 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản giảm từ 20 – 50% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguyên liệu. Cũng theo Sở Công thương, hiện nay 70% sản lượng hải sản chế biến của tỉnh xuất đi thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc.

Mới đây, tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành hải sản do UBND tỉnh tổ chức, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã lên tiếng cảnh báo về hiện tượng thương lái Trung Quốc ồ ạt thu gom hải sản, gây rối loạn thị trường và đẩy các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lâm vào cảnh khốn đốn do thiếu nguyên liệu trầm trọng./.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!