“Chảy máu” nguyên liệu sang Trung Quốc: Thương lái Trung Quốc gom hàng tận cảng

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh và các chủ doanh nghiệp chế biến hải sản, hiện có nhiều thương lái Trung Quốc vào tận các cảng cá trên địa bàn tỉnh BR-VT thuê các chủ vựa thu mua hải sản tươi sống xuất ra nước ngoài. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng chưa quản lý được hoạt động buôn bán cũng như việc cư trú của họ. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi ghi nhận hoạt động thu mua hải sản của thương lái Trung Quốc đang ngày càng phình ra với nhiều hình thức khác nhau làm

Mua từ nguyên liệu thô đến sơ chế

Sáng 11-6, theo chân một cán bộ phường 12 (TP. Vũng Tàu) chúng tôi đến DNTN Thương mại Hồng Phú, gần cầu Cỏ May, một đầu mối thu mua hải sản cho các doanh nghiệp chế biến ở phường 12. Bà Hồ Thị Hồng, chủ doanh nghiệp này cho biết, trước đây mỗi ngày bà thu mua hàng trăm tấn hải sản, nay sản lượng sụt giảm từ 30 – 50%. “Bây giờ mua bán khó khăn lắm vì phải chịu sự cạnh tranh gay gắt của các mối lái từ nơi khác đến. Họ dẫn mối cho thương lái Trung Quốc hoặc người lạ từ TP.Hồ Chí Minh xuống trả giá rất cao, lại trả tiền liền. Chủ ghe thấy có lợi nên đổ xô bán cho họ. Trong khi đó, mình mua cho các doanh nghiệp phải đợi họ xuất được hàng rồi thanh toán thì mới có tiền trả cho chủ ghe”. Theo bà Hồng cho biết, hiện một số chủ nậu vựa thấy thương lái Trung Quốc mua giá cao cũng quay sang bán cho họ, bỏ mặc các doanh nghiệp chế biến trong tỉnh chịu cảnh đói hàng.

Sơ chế cá mắt kiếng bán cho thương lái Trung Quốc tại cơ sở Tú Trinh, xã An Ngãi (huyện Long Điền)

Sau khi rời Công ty Hồng Phú, chúng tôi đến bãi tập kết hải sản ở Hải Đăng, nơi được các chủ doanh nghiệp cho biết là “chỗ làm ăn” của các chủ vựa chuyên gom hàng cho thương lái Trung Quốc. Lúc chúng tôi đến, bến cá này vắng vẻ, người dân xung quanh nói đây là nơi tập kết hải sản của Công ty TNHH H.P. Không khó tìm, chỉ cần đi bộ vài chục mét là đến tòa biệt thự của Công ty H.P. Bước vào hành lang nhà, mùi mực khô bốc lên ngai ngái, những vỹ mực nang mới được phơi một hai nắng chất thành từng đống quanh nhà. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về thị trường nguyên liệu hải sản, hai vợ chồng ông chủ đều tỏ thái độ khó chịu. Đặc biệt là bà chủ, cứ một mực bảo: “Chúng tôi có mua bán gì lớn đâu, chỉ làm gia công cho người ta thôi”. Thế nhưng, khi hỏi gia công cho công ty nào thì bà ta gạt phắt: “Mấy người có muốn tìm hiểu gì thì đi nơi khác, ở đây không làm ăn gì đâu”.

Trở lại bãi tập kết hải sản, chúng tôi bắt gặp một ghe chở đầy ắp bạch tuộc và cá đổng. Hai chiếc xe tải chờ sẵn trên bờ, một tốp thanh niên xếp thành hàng chuyền từng giỏ hải sản xếp lên xe. Hỏi một thanh niên trẻ đang đứng đếm hàng, anh ta cho biết mình chỉ làm công cho chủ. Hỏi chủ là ai – “Không biết”(?!), Công ty ở đâu? – “Xa lắm”(?!), anh ta đáp gọn lỏn.

Không cần phải tìm hiểu thêm, chính thái độ của những người buôn bán hải sản ở đây đã cho thấy có gì khuất tất trong chuyện làm ăn của họ.

 

Thu mua nguyên liệu hải sản tại Công ty TNHH Ngọc Thủy, xã Phước Hưng (huyện Long Điền)


Núp bóng nậu, vựa

Theo nguồn tin riêng, chúng tôi được biết ở khu vực cảng Phước Tỉnh có một số nậu vựa chuyên thu mua hải sản cho các doanh nghiệp, giờ chuyển hẳn sang gom nguyên liệu cho thương lái Trung Quốc. Vậy mà đến nơi hỏi chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu. Phải mất 2 ngày với sự giúp đỡ nhiệt tình của Đội Quản lý thị trường số 6, chúng tôi mới tiếp cận với Công ty TNHH Ngọc Thủy, doanh nghiệp duy nhất thừa nhận hoạt động thu mua hải sản cho thương lái Trung Quốc.

 

Khối lượng lớn nguyên liệu bạch tuộc đang bị “chảy” sang Trung Quốc mỗi ngày. (Ảnh minh họa chụp tại một điểm thu mua nguyên liệu hải sản tại phường 12, TP. Vũng Tàu). Ảnh: Lam Phương

Khi chúng tôi đến, công ty Ngọc Thủy có 2 xe hàng vừa mới về, nhóm công nhân xúm lại xé từng bao nilon bạch tuộc cho vào giỏ đưa đi rửa. Bà Đào Thị Thủy, chủ doanh nghiệp cho biết, số nguyên liệu này chỉ cần rửa sơ qua là cho vào hầm cấp đông, đông xong xuất liền. Mỗi ngày phía Trung Quốc đặt mua 4-5 tấn. Cách thức mua bán của họ là ứng trước tiền cọc và đặt hàng, khi nào chủ vựa gom đủ số lượng thì gọi điện báo, lập tức họ cho xe xuống chở đi. “Xuất đi đâu chúng tôi không biết, miễn sao họ thanh toán đầy đủ là được”, bà Thủy quả quyết nói. Bà Thủy cho biết, thương lái Trung Quốc không đứng ra thu mua mà chỉ thuê nậu vựa lo từ A đến Z, thế nhưng theo nhiều nguồn tin khác, họ thường sang và ở lại ngay trong nhà của các chủ vựa để giám sát quá trình thu mua đóng gói và sơ chế hải sản.

Mấy ngày trước đó, cũng với sự hướng dẫn của Đội quản lý thị trường số 6, chúng tôi đã giáp mặt một thanh niên người Trung Quốc đang “cắm” tại cơ sở thu mua sơ chế hải sản Tú Trinh (xã An Ngãi, huyện Long Điền). Người này nói được chút ít tiếng Việt và tự xưng là A. Quân, quê ở Hồ Nam, Trung Quốc, thường xuyên sang Việt Nam thu mua hải sản bằng visa du lịch. A Quân cho biết, anh đã làm ăn với các cơ sở thu mua hải sản được 3 năm. Cách thức mua hàng là giao cho cơ sở người Việt đứng ra thu mua về sơ chế rồi mới xuất đi. Ông Trần Văn Quế Quang, chủ cơ sở Tú Trinh cho hay, mỗi tháng ông bán cho khách hàng Trung Quốc được khoảng 30 tấn cá mắt kiếng đã sơ chế và phơi khô. “Cá này họ đưa về bên đó rồi chế biến lại thành nhiều loại thức phẩm khác nhau”, ông Quang nói.

Theo các chủ doanh nghiệp chế biến hải sản và Chi cục Quản lý thị trường cho hay, trên địa bàn tỉnh có nhiều chủ vựa cá đứng ra gom hàng cho thương lái Trung Quốc. Các mặt hàng hải sản họ thường mua gồm các loại cá thịt trắng để làm surimi, bạch tuộc, mực các loại. Thương lái Trung Quốc không kén chọn hàng chất lượng cao như các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Đa số các mặt hàng họ thu mua đều cao hơn giá của các doanh nghiệp chế biến hải sản từ 5.000 – 10.000 đồng/kg, thậm chí các loại hàng khô họ còn mua cao hơn đến 20.000 đồng/kg.

>> Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, các thương lái Trung Quốc thường móc ráp và thỏa thuận với các nậu vựa trên địa bàn tỉnh, giao tiền trước từ 10-30% để nậu vựa gom hàng và sơ chế khi nào đủ hàng thì chuyển đi. Họ có thể ở tại nhà các chủ nậu để trực tiếp trông coi việc thu mua, hoặc không trực tiếp mà chỉ giao cho chủ vựa đứng ra thu mua, khi nào đủ chuyến hàng thì xuất đi với danh nghĩa của chủ nậu vựa. Bằng cách này họ trốn được nhiều loại thuế.

Điều tra của nhóm PV Kinh tế

Theo Báo Bà Rịa – Vũng Tàu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!