Chế biến sâu: Chìa khóa kích cầu tiêu thụ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sự tăng trưởng về mặt kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam những năm qua được tạo nên từ nền tảng của ngành nuôi trồng, khai thác, chế biến. Tuy nhiên, những sóng gió từ thị trường và nhiều nhân tố khác đã khiến lĩnh vực chế biến thủy sản gặp nhiều bất lợi, đòi hỏi cần sớm có những giải pháp hữu hiệu, để nhanh chóng xác định lại vị thế ngành thủy sản Việt trên bản đồ thủy sản toàn cầu.

Cần có nhiều đột phá 

Kể từ sau đại dịch COVID-19, xu hướng tiêu dùng đã và đang thay đổi nhanh chóng, cùng với những ảnh hưởng nghiêm trọng của tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu khiến cho tổng cầu giảm, dẫn đến giá trị xuất khẩu thủy sản các mặt hàng chủ lực của Việt Nam giảm mạnh trong giai đoạn nửa đầu năm 2023. 

Theo Bộ NN&PTNT, trong 8 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản đạt 5,68 tỷ USD, giảm 25,4% so cùng kỳ năm 2022. Trong số các thị trường nhập hải sản lớn nhất của Việt Nam, Nhật Bản là nước duy nhất có sự tăng trưởng hiếm hoi về giá trị trong giai đoạn này. 

Doanh nghiệp thủy sản đẩy nhanh chế biến hàng giá trị gia tăng, để tăng tốc xuất khẩu, đem lại lợi nhuận cao hơn. Ảnh: Vũ Sinh

Đối với ngành tôm, trong tháng 7/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt hơn 320 triệu USD, giảm 16% so cùng kỳ năm 2022. Mức sụt giảm trong tháng 7 là mức giảm thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm đạt 1,9 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ. 

Số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến nửa đầu tháng 7/2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 942 triệu USD, giảm 28% so cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu cá tra trong nửa đầu năm nay gặp nhiều khó khăn do những biến động của thế giới, tác động lạm phát giá thực phẩm cũng như xung đột quân sự Nga – Ukraina. Song nửa cuối năm 2023, nếu thị trường tiến triển thuận lợi, người nuôi có nguồn vốn tốt, các nhà sản xuất tiếp tục trụ vững thì xuất khẩu cá tra cả năm nay có thể đạt 1,77 tỷ USD. 

  

Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào chế biến sâu. Ảnh: ST

Tuy nhiên, theo thống kê, các cường quốc xuất khẩu như Na Uy, Canada, Mỹ… liên tiếp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư tại Việt Nam. Và nước ta hiện là quốc gia có tốc độ tăng trưởng ở mức cao nhất khu vực Đông Nam Á. Do đó, dự đoán trong thời gian tới, Việt Nam có thể sẽ trở thành thị trường thủy sản tiềm năng cho các quốc gia này, nếu chúng ta biết nắm bắt các cơ hội và có nhiều đột phá hơn nữa.

Tập trung thế mạnh chế biến sâu 

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP khẳng định, ngành thủy sản Việt Nam sẽ phải lấy tiêu chí chất lượng làm thước đo giá trị để tạo sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh. Chất lượng không chỉ tập trung ở khâu chế biến mà còn là sự kết nối chặt chẽ tất cả các khâu trong cả chuỗi cung ứng theo các tiêu chuẩn cao nhất thế giới về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường và trách nhiệm xã hội. 

Giữa tình hình nguồn cung tôm của thế giới đang gặp nhiều biến động, trong khi năng lực cạnh tranh của tôm Việt còn yếu kém, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho rằng, Việt Nam cần phải tập trung hơn nữa vào thế mạnh chế biến sâu. Ngoài ra, cần cải thiện chi phí sản xuất, nhằm tăng biên độ lợi nhuận và hỗ trợ được người nông dân tốt hơn. Chính phủ cần có chính sách về giống, chất lượng nước và cơ sở hạ tầng, từ đó cải thiện tỷ lệ sống của tôm. 

Cá tra Việt Nam cần được đưa về vị trí xứng đáng. Ảnh: ST

Một vấn đề nghiêm trọng cần sớm khắc phục đối với ngành thủy sản nước ta đó là quy trình truy xuất nguồn gốc của thủy, hải sản. Đây cũng là một trong những lý do khiến cá tra Việt Nam phải loay hoay tìm kiếm thị phần ở các khu vực châu Âu và Mỹ. Nhiều năm qua đã có những thông tin “bôi xấu” hình ảnh một số sản phẩm thủy sản của Việt Nam, trong đó có cá tra. Vì vậy, cần phải có những hành động rõ ràng cụ thể để đưa ngành xuất khẩu cá tra Việt nói riêng và ngành thủy sản Việt nói chung về vị trí xứng đáng trong chặng đường nước rút sắp tới. 

Ông Jesper Clausen, Giám đốc Hỗ trợ Dinh dưỡng Thủy sản De Heus châu Á nhận định, điểm mấu chốt để phát triển ngành thức ăn thủy sản bền vững là tập trung vào các axit amin chứ không phải protein thô trong quá trình sản xuất thức ăn cho vật nuôi. Cần chọn nguồn protein có khả năng tiêu hóa cao, sử dụng axit béo thay thế cho dầu. Cần tập trung vào tôm chất lượng cao với chi phí thấp, không ngừng tìm kiếm cơ hội thị trường trong nước để hỗ trợ ngành tôm vượt qua những năm khó khăn hiện tại, tiếp tục tập trung vào tính bền vững và truy xuất nguồn gốc. 

Niềm tin vào những tháng cuối năm 

Trong giai đoạn cuối năm 2023, diễn biến kinh tế các thị trường lớn được dự báo khả quan hơn. Đồng thời, với thực tế nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc có xu hướng tăng trở lại, lượng tồn kho vơi dần và chuẩn bị đơn hàng cho dịp lễ hội cuối năm và đón năm mới. Đây sẽ là thời cơ để Việt Nam thực hiện những bước nhảy vọt, nhằm tăng thị phần xuất khẩu thủy sản và về đích theo đúng với kế hoạch đã đề ra. 

Hơn hết, Chính phủ, các Bộ, ban ngành chính là điểm tựa cho các doanh nghiệp trong nước trong giai đoạn khó khăn, đầy thách thức này. Với các chính sách kích cầu thiết thực cùng những giải pháp khắc phục vấn đề trước mắt và lâu dài, nhằm hỗ trợ những rào cản mà doanh nghiệp và người nuôi đang phải đối mặt. Nội lực của doanh nghiệp và cộng đồng sản xuất chuỗi cung ứng thủy sản được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, các điều kiện sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, mà chúng ta có thể đảm bảo giữ được nguồn cung nguyên liệu ổn định, có sẵn khi thị trường có nhu cầu. 

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: “Tiêu thụ hải sản trong nước đang dần tăng lên và Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng cho các cường quốc xuất khẩu hải sản như Na Uy, Canada, Mỹ... Dự trữ và tồn kho của Mỹ đã giảm, trong khi nhu cầu không thay đổi. Do đó, cần phải chuẩn bị dự trữ để khi thời cơ đến, chúng ta có thể chớp được cơ hội. Xuất khẩu tôm cũng tương tự”. 

 

 

Ông Jesper Clausen, Giám đốc Hỗ trợ Dinh dưỡng Thủy sản De Heus châu Á: “Bột côn trùng hiện là sản phẩm có tính cạnh tranh về giá cao nhất trong số các sản phẩm có thể thay thế bột cá và dầu cá để sản xuất thức ăn thủy sản. Thành phần không phải là mấu chốt của vấn đề, mà quan trọng là công thức tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh có cung cấp đủ dưỡng chất hay không. Chúng ta không nên nghĩ rằng mình phải tốn một khoản tiền để đảm bảo tính bền vững cho thành phần thức ăn thủy sản mà hãy quan niệm đây là cơ hội đầu tư để mang về khoản lợi nhuận khổng lồ”.

>> VASEP đã đưa ra kịch bản lạc quan cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong 5 tháng còn lại năm 2023 có thể sẽ đạt khoảng trên 4 tỷ USD, khi đó tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỷ USD. Dự báo tôm sẽ thu về khoảng 3,5 - 3,6 tỷ USD, giảm 16% -18%. Cá tra giảm 28% đạt 1,7 - 1,8 tỷ USD. Xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc đạt lần lượt 870 triệu USD và 650 triệu USD. Xuất khẩu cá biển ước đạt 1,9 - 2 tỷ USD. 

Anh Thư

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!