Năm 2012 là năm đầy khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu (CBTSXK) của cả nước và tỉnh Bình Định nói riêng. Trong khi bài toán “đầu vào” vẫn chưa được giải quyết thì gần đây các DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh Bình Định lại gặp khó cả thị trường xuất khấu…
Khó chồng lên khó
Theo tính toán của các doanh nghiệp CBTSXK, so với đầu năm 2011, hiện chi phí đầu vào tăng khoảng 30%. Trong khi đó, giá sản phẩm thủy sản xuất sang các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều không tăng, thậm chí có lúc giảm.
Từ đầu năm đến nay, việc điều chỉnh lãi suất ngân hàng diễn ra rất chậm chạp, khiến nhiều DN vẫn phải xoay xở trả nợ vay với lãi suất cao. Bên cạnh đó, các chi phí đầu vào như giá điện, nhân công, bao bì, cước vận chuyển, thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì nhựa PE, phí kiểm dịch thú y… đều tăng, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp CBTSXK. Đơn cử, chi phí kiểm nghiệm lô hàng thành phẩm trước khi xuất khẩu đã tăng trung bình 1,5-2 lần so với năm 2011. Việc lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng cùng các biện pháp, thủ tục kiểm soát khiến đa phần các lô hàng phải chờ cả tuần trước khi xuất khẩu, dẫn đến DN phải chịu thêm phí lưu kho bãi…
Chế biến cá xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định
Đầu vào gặp khó, đầu ra cũng chẳng dễ dàng gì. Các DN ở Bình Định nói riêng và cả nước nói chung đang phải đối phó với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước đối thủ xuất khẩu thủy sản như Thái Lan, Indonesia và đặc biệt là Ấn Độ, khi Chính phủ nước này đã có các chính sách hỗ trợ nuôi tôm phục vụ chế biến xuất khẩu. Nhiều DN đã chấp nhận hạ giá bán sản phẩm chỉ bằng giá thành nhưng vẫn không có khách hàng.
Tại thị trường Nhật Bản- thị trường lớn của các doanh nghiệp CBTSXK ở Bình Định- cũng đang gặp khó do các rào cản kỹ thuật. Ngày 31/8 vừa qua, các nhà nhập khẩu Nhật Bản đã thông báo sẽ tiến hành kiểm tra 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam về chỉ tiêu Ethoxyquin (chất dùng chống oxy hóa trong thức ăn chăn nuôi). Ngay sau khi có thông tin này, các DN trên địa bàn tỉnh đã giảm lượng hàng xuất sang thị trường Nhật Bản để tránh gặp rủi ro. Chính điều này mà các nước nhập khẩu khác đã “đè giá” sản phẩm thủy sản của các DN trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Bà Cao Thị Kim Lan- Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định- cho biết: Trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khá phức tạp, chúng tôi không thể dự báo thị trường biến động theo chiều hướng nào để có kế hoạch đầu tư sản xuất kinh doanh cho phù hợp. Hiện nay, giá đầu vào liên tục tăng, trong khi đầu ra gặp khó, đẩy các DN như chúng tôi đến chỗ làm ăn không có lãi. Nhiều khi chỉ vì kỳ kèo vài chục đồng cho 1 kg sản phẩm nhưng cả hai bên đã không đi đến thống nhất được với nhau…
Cần tiến lên “chuyên nghiệp” thực sự
Ông Nguyễn Văn Thắng- Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định- cho biết: “Công bằng mà nói, khủng hoảng đã tác động đến sản xuất kinh doanh của DN, lấy mất nhiều cơ hội lẫn lợi thế của DN này, nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ hội, lợi thế cho DN khác. Những khó khăn trong thời gian qua cũng là điều kiện để ngành thủy sản Bình Định nhìn lại mình, phải chấn chỉnh lại từng khâu từ khai thác đến chế biến, xuất khẩu. Đã đến lúc ngành thủy sản của tỉnh Bình Định phải thay đổi công nghệ, phương thức quản lý sản xuất, tiến lên “chuyên nghiệp” thực sự”.
Theo các chuyên gia kinh tế, ngành CBTSXK luôn đặt ra những tiêu chuẩn, quy định rất nghiêm ngặt để đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó, chỉ cần một sai sót nhỏ khiến sản phẩm mất uy tín thì DN khó lòng làm ăn tiếp. Để ngành CBTSXK của tỉnh Bình Định có thương hiệu, khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế, các DN phải có tầm nhìn xa nhằm vượt qua những thách thức và tìm kiếm cơ hội phát triển. Trong đó, cần chuyển từ đầu tư chiều rộng sang đầu tư chiều sâu, bền vững; đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại. Với công nghệ sản xuất hiện đại, DN có thể tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, rút ngắn thời gian sản xuất, hạn chế sức lao động, giảm giá thành sản phẩm… Ngoài ra, nếu biết tận dụng tính năng của các thiết bị hiện đại, các DN còn có thể tạo thêm nhiều sản phẩm mới trên cơ sở nguyên liệu hiện có, đặc biệt là các sản phẩm tinh chế, sản phẩm có giá trị gia tăng cao nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu.
Để tạo nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ hoạt động CBTSXK, tỉnh Bình Định cần tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và thắt chặt công tác quản lý việc mua bán thủy sản ở các bến cá. Cơ quan quản lý nhà nước quan tâm hơn đến quản lý chất lượng nguồn nguyên liệu trong khai thác, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng và hóa chất trong bảo quản thủy sản đánh bắt; cần phối hợp với DN trong việc xây dựng và củng cố thương hiệu hàng thủy sản xuất khẩu Bình Định… Những việc làm này không những làm tăng giá trị và uy tín của DN, mà còn giúp DN tránh được những rào cản thương mại mà các nước đã dựng lên trong thời gian qua và trong tương lai.
>> Theo Sở Công Thương Bình Định, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp CBTSXK trên địa bàn đã chế biến và tiêu thụ 1.687 tấn tôm, tăng 1,5%; và 5.921 tấn cá các loại, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2011. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2012, các DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh Bình Định chế biến và tiêu thụ 669 tấn tôm và 1.600 tấn cá các loại. |