Theo VASEP, 6 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt hơn 1,2 tỷ USD, giảm 28% so cùng kỳ năm 2014. Dự báo xuất khẩu tôm 6 tháng cuối năm dự báo khó có thể bứt phá để đạt được con số xuất khẩu ấn tượng như năm 2014, nhưng sẽ khởi sắc so với nửa đầu năm 2015.
Nhận định này đưa ra do tình hình nuôi, chế biến, xuất khẩu tôm của một số thị trường chính đang có dấu hiệu suy giảm.
Trong vụ tôm đầu năm, người nuôi Ấn Độ phải thu hoạch sớm do tôm nước này bị ảnh hưởng bởi virus đốm trắng và thiếu ôxy. Do nhu cầu yếu từ Mỹ, lại phải thu hoạch sớm, trong tháng 7 giá tôm Ấn Độ tất cả các cỡ giảm mạnh tại bang Andhra Pradesh, vùng sản xuất tôm chính của Ấn Độ. Từ tháng 9 trở đi, nguồn cung có thể giảm do người nuôi ở Ấn Độ sẽ hạn chế thả nuôi do giá nguyên liệu thấp, giảm xuống gần với giá thành sản xuất, thậm chí thấp hơn. Theo báo cáo của Rabobank về tình hình nuôi tôm năm 2015 của Ấn Độ, nếu đợt thả mới bị dịch bệnh bùng phát thì tổng sản lượng tôm trong năm nay của Ấn Độ sẽ giảm xuống ít nhất 30% so năm 2014.
Tôm nuôi ở Ecuador chết nhiều từ cuối tháng 4 và một số người nuôi phải thu hoạch sớm để khắc phục tình trạng này. Dự kiến tới tháng 9 năm nay, người nuôi giảm mật độ thả nuôi do lo ngại dịch bệnh nên sẽ thu hẹp nguồn cung. EMS có thể đã lan rộng ra 4 tỉnh của Ecuador. Ngoài ra, dịch EMS ở Trung Mỹ và Mexico có thể khiến sản lượng tôm ở Trung Mỹ năm nay giảm 25% so với năm ngoái.
Tại Thái Lan, hiện trên 33% diện tích nuôi tôm chưa được thả nuôi và diện tích đã thả nuôi có mật độ thưa và thu hoạch trước khi tôm được 10 gram. Người nuôi Thái Lan sẽ hạn chế thả nuôi trong 6 tháng cuối năm do giá nguyên liệu thấp, giảm xuống gần với giá thành sản xuất. Giá tôm Thái Lan cuối tháng 7 giảm 33% so với cùng kỳ 2014, tuy nhiên vẫn cao hơn so với Ấn Độ, Indonesia và Ecuador. Hiệp hội Tôm Thái Lan cho rằng giá thấp khiến người nuôi không muốn tăng diện tích thả nuôi năm 2015 nên sản lượng năm 2015 chỉ tương đương mức 210.000 tấn của năm 2014. Nước này cần ít nhất 3 năm nữa để sản lượng quay trở lại mức bình thường.
Mặc dù, suy thoái kinh tế thế giới, nhu cầu yếu, sản lượng tôm của Việt Nam chưa thể tăng mạnh so với năm ngoái nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam nửa cuối năm có tín hiệu tích cực vì nguồn cung tôm thế giới giảm sẽ dẫn tới giá tăng.