Chế độ cho cá trắm đen ăn nhanh lớn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Làm sao để nuôi cá trắm đen nhanh lớn, chế độ cho ăn như thế nào thì hợp lý?

(Phạm Thị Ninh, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định)

Trả lời:

Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi cho cá trắm đen. Hàng ngày, cho cá ăn 2 lần vào khoảng 8h và 16h tùy theo yếu tố thời tiết. Trong tháng nuôi thứ nhất và thứ hai cho cá ăn thức ăn có hàm lượng đạm 35 – 40%, hàng ngày cho cá ăn 3 – 5% trọng lượng thân/ngày. Từ tháng nuôi thứ 3 trở đi cá được ăn thức ăn có hàm lượng đạm là 30 – 32% protein với lượng thức ăn bằng 1 – 3% trọng lượng thân/ngày (lượng thức ăn hàng ngày được điều chỉnh theo tình trạng sức khỏe của cá, điều kiện thời tiết trong ngày). Hàng ngày kiểm tra, quan sát diễn biến bắt mồi của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Ao nuôi được vệ sinh thường xuyên. Sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý ao nuôi. Định kỳ, mỗi tháng dùng 2 lần (liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và tần xuất dùng tùy thuộc điều kiện cụ thể trong từng ao nuôi). Chế phẩm vi sinh vật có tác dụng di chuyển khí độc, phân giải mùn đáy ao, hạn chế sự phát triển các vi sinh gây bệnh và giữ môi trường nuôi ổn định.

Hỏi: Xin tư vấn phác đồ điều trị bệnh sữa trên tôm hùm?

(Tống Thanh Tùng, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định)

Trả lời:

Khi phát hiện tôm hùm nuôi lồng bị bệnh sữa (tôm hoạt động kém, giảm ăn, các đốt và cơ thịt ở phần bụng trắng đục, dịch tiết cơ thể bao gồm cả máu có màu trắng đục như sữa và khó đông) thì tiến hành điều trị theo các bước sau đây: Tách và tiêu hủy các cá thể bị bệnh nặng, chỉ giữ lại những cá thể còn ăn được thức ăn để tiến hành điều trị. Cho tôm ăn thức ăn trộn với kháng sinh tetracyclin có bổ sung hoạt chất sinh học và chất kết dính. Thực hiện theo thứ tự sau: Chọn thức ăn tươi sống (cá liệt, cá sơn, cá mối…) và cắt thức ăn thành từng miếng nhỏ phù hợp cỡ miệng tôm hùm theo từng giai đoạn tôm nuôi; (Lưu ý: Rửa thức ăn bằng thuốc tím nồng độ 2 – 3 ppm và để ráo thức ăn trong 10 phút trước khi cắt thành miếng nhỏ). Trộn thức ăn (thức ăn đã được cắt thành các miếng nhỏ) với thuốc kháng sinh tetracyclin (dùng trong thú y thủy sản), hoạt chất sinh học (MOS) và chất kết dính (Binder) theo tỷ lệ 5 g kháng sinh + 5 g hoạt chất sinh học + 5 g chất kết dính/kg thức ăn. Cho tôm ăn thức ăn đã được trộn thuốc liên tục trong 7 ngày, mỗi ngày 1 lần vào 17 – 18h. Sau 7 ngày dùng thuốc, nếu thấy tôm vẫn còn bệnh thì tiếp tục cho tôm ăn thức ăn có trộn thuốc trong vòng 3 ngày, mỗi ngày 1 lần vào lúc 17 – 18h (trộn thức ăn như mục 2 nhưng giảm một nửa lượng kháng sinh tetracyclin: tỷ lệ 2,5 g/kg thức ăn). Lưu ý tách những cá thể bị bệnh nặng ra khỏi lồng nuôi tương tự như cách thực hiện ở Bước 1. Cho tôm ăn thức ăn bổ sung chế phẩm và hoạt chất sinh học: Tiến hành ngay sau khi kết thúc bước 2. Trộn thức ăn đã được xử lý với chế phẩm sinh học, hoạt chất sinh học (MOS) và chất kết dính (Binder) theo tỷ lệ: 5 g chế phẩm sinh học + 5 g hoạt chất sinh học + 5 g chất kết dính/kg thức ăn; Cho tôm ăn thức ăn đã được trộn chế phẩm và hoạt chất sinh học liên tục trong vòng 7 – 10 ngày, mỗi ngày 1 lần vào lúc 17 – 18h giờ. Lưu ý khi thu hoạch tôm: Chỉ thu hoạch tôm sau ít nhất 22 ngày sử dụng kháng sinh tetracyclin để điều trị bệnh sữa trên tôm hùm nuôi lồng.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!