(TSVN) – Xuất phát từ nhu cầu sử dụng chế phẩm synbiotic để nuôi tôm tại Việt Nam, nhóm nhà khoa học ở Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã tiến hành Dự án “Hoàn thiện chế phẩm sinh học dưới dạng synbiotic bổ sung vào thức ăn nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) công nghiệp”, giúp nâng cao tăng trưởng và tăng cường miễn dịch cho tôm.
Chủ nhiệm Dự án, TS Hoàng Phương Hà cho biết, nhóm đã lựa chọn khô đậu nành – một loại phụ phẩm nông nghiệp sẵn có sau khi sản xuất dầu – làm thành phần chất xơ prebiotic trong chế phẩm. Hơn thế, khô đậu nành còn chứa khá nhiều chất dinh dưỡng và protein (hàm lượng protein thô trong khô đậu nành chiếm tới 48%; chất béo 1 – 2%; chất xơ 4,5 – 6%) nên khi được lên men trực tiếp với nhóm vi sinh vật có lợi, các vi sinh vật này có thể tận dụng toàn bộ giá trị dinh dưỡng của khô đậu nành làm nguồn thức ăn bổ dưỡng cho vật nuôi thủy sản. Một số chất ức chế dinh dưỡng như ức chế tripsin (trypsin inhibitor) chứa trong khô dầu đậu nành cũng sẽ được chuyển hóa thành các axit béo mạch ngắn trong quá trình lên men.
Các nhà khoa học cũng sử dụng các chủng probiotic có khả năng sinh các enzyme tiêu hóa như amylase, cellulase, protease…; đây đều là những chủng tạo màng sinh học (biofilm) rất tốt, có thể tồn tại lâu dài trên thành ruột của tôm, có khả năng kháng lại vi khuẩn gây bệnh đường ruột Vibrio parahaemolyticus.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm chế phẩm synbiotic tại HTX Thuận Yến (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) trong hai vụ nuôi tôm, mỗi vụ khoảng 90 – 100 ngày. Ao nuôi thử nghiệm rộng 1.000 m², mật độ nuôi 200 con/ m². Lượng chế phẩm synbiotic bổ sung vào ao nuôi tùy vào thời điểm tôm sinh trưởng, dao động từ 3 – 6 g/kg thức ăn. Chế phẩm được bổ sung nhiều từ khoảng ngày 40 đến cuối vụ nuôi để kích thích sinh trưởng của tôm tốt hơn.
Kết quả thử nghiệm cho thấy, việc bổ sung chế phẩm synbiotic giúp tỷ lệ sống của tôm đạt trên 85% (cao hơn so với ao đối chứng – dưới 80%); sản lượng tôm thu hoạch tăng khoảng 1,34 – 1,37 lần; ước tính doanh thu tăng 8,5%.
Một ưu điểm khác, đó là chế phẩm này sử dụng các chủng vi sinh vật bản địa nên dễ thích ứng với điều kiện ngoại cảnh của khí hậu và môi trường nuôi tôm tại Việt Nam. Chế phẩm cũng có khả năng kháng vi khuẩn gây bệnh nên giúp giảm việc sử dụng kháng sinh tổng hợp, qua đó giảm được ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, quy trình sản xuất chế phẩm không phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp nên tiết kiệm được nhiều chi phí, nhóm nghiên cứu cho biết.
Vân Anh