Chế phẩm sinh học cải thiện tỷ lệ sống của ấu trùng hàu

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Một thử nghiệm mới của các nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học tiểu bang Oregon (OSU), Mỹ kết luận rằng, chế phẩm sinh học có thể cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót của ấu trùng hàu.

Tỷ lệ sống đạt 80%

Theo các nhà nghiên cứu, bổ sung chế phẩm sinh học có thể thúc đẩy sự phát triển, chỉ số biến thái và tỷ lệ bám của ấu trùng hàu. Điều này sẽ giúp ích cho các trang trại nuôi hàu, bởi ở đó, mầm bệnh có thể xảy ra quanh năm, gây chết hàu và làm thiệt hại hàng trăm nghìn USD mỗi đợt. Bà Carla Schubiger, một trong số các tác giả cho biết: “Kết quả này đã vượt quá mong đợi của chúng tôi. Thông thường, chỉ cần cải thiện 40 – 50% tỷ lệ sống sót của ấu trùng đã là một dấu hiệu tích cực, tuy nhiên, trong nghiên cứu này, tỷ lệ sống sót lên tới 80%. Kết quả này có ý nghĩa đáng kể với ngành nuôi hàu. Bởi hiện nay, kháng sinh không được phép sử dụng trong các trại sản xuất giống, vì vậy, đây được xem công cụ đầu tiên mà các chủ trang trại có thể sử dụng để gia tăng sản lượng một cách an toàn và bền vững”.

Ấu trùng hàu dễ mẫn cảm với vi khuẩn Vibrio. Ảnh: Thefishsite

Sản xuất và nuôi động vật có vỏ là một ngành khá phát triển ở Oregon, trong đó, doanh số bán hàu chiếm gần 5 triệu USD hàng năm (theo một báo cáo năm 2010 từ Hiệp hội những người nuôi động vật có vỏ ở Bờ biển Thái Bình Dương). Ở hàu cũng giống như con người, chức năng tổng hợp của vi sinh vật phụ thuộc vào các vi khuẩn có lợi trong đường ruột của vật chủ. Do đó, mục tiêu của nghiên cứu là xác định loại vi khuẩn nào có lợi nhất trong việc chống lại vi khuẩn gây bệnh ở ấu trùng hàu.

Ngăn ngừa nhiễm khuẩn Vibrio

Các nhà nghiên cứu cho biết, Vibrio coralliilyticus là vi khuẩn phổ biến và dễ gây bệnh trong nuôi trồng thủy sản trên biển, do đó, các trang trại nuôi hàu cần sớm tìm ra một giải pháp hiệu quả để kiểm soát vi khuẩn này. Trong thử nghiệm, các nhà nghiên cứu của OSU đã tiến hành sàng lọc và nuôi cấy một số chủng vi khuẩn có nguồn gốc tự nhiên với khả năng chống lại V. coralliilyticus trong điều kiện phòng thí nghiệm. Sau đó, tiến hành chọn ra những chủng mang lại hiệu quả tốt nhất để thực hiện tiếp thử nghiệm. Ấu trùng hàu được ương trong môi trường nước với điều kiện, chất lượng tương đương với nước được sử dụng trong các trang trại sản xuất hàu giống. Sau 24 giờ trứng được thụ tinh, lúc này phôi đã phát triển thành ấu trùng thì tiến hành bổ sung chế phẩm sinh học. Sau 48 giờ, ấu trùng hàu được cảm nhiễm với vi khuẩn V. coralliilyticus.

Theo các tác giả, kết quả rất ấn tượng, so với nghiệm thức đối chứng thì đã có bốn nghiệm thức với tỷ lệ sống của hàu rất khả quan, tỷ lệ sống trung bình của bốn nghiệm thức là 68%, trong đó, một nghiệm thức giúp tăng tỷ lệ sống sót lên 99,7%. Như vậy, từ kết quả này, các nhà nghiên cứu đã xác định được một số chủng vi khuẩn triển vọng. Và các chủng này tiếp tục được sử dụng vào thử nghiệm tiếp theo. Kết quả cho thấy, sự kết hợp 2 và 3 chủng khác nhau đã làm tăng tỷ lệ sống sót của ấu trùng lên tới 86%. Ngoài ra, thời điểm 14 – 16 ngày sau khi sử dụng thì chế phẩm sinh học vẫn phát huy tác dụng, điều này được chứng minh bằng quá trình biến thái nhanh hơn, tỷ lệ sống cao hơn và vỏ cứng hơn của ấu trùng hàu ở nghiệm thức có bổ sung chế phẩm sinh học.

Bà Schubiger cho biết, hiện vẫn chưa phát hiện được cơ chế nào đã tác động đến ấu trùng hàu, thế nhưng, ngoài lợi ích về tăng tỷ lệ sống thì tốc độ tăng trưởng và quá trình biến thái được cải thiện là một tín hiệu rất tích cực. Nhóm nghiên cứu cũng cho biết cách sử dụng chế phẩm sinh học rất đơn giản. Đồng thời, chỉ cần dùng một lượng rất nhỏ nên đây được xem là phương pháp tiết kiệm chi phí.

Nguyễn Hằng

Theo Thefishsite

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!