Chỉ thả nuôi tôm khi đủ điều kiện

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời tiết những tháng cuối năm thường bất lợi cho nuôi thủy sản, trong đó có tôm; nhưng nhiều người vẫn thả nuôi. Điều này có thể mang lại nhiều hệ lụy. Phóng viên Thủy sản Việt Nam vừa hỏi chuyện Tiến sĩ Bùi Quang Tề (ảnh), nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, quanh vấn đề này.

Những yếu tố bất lợi nào khi nuôi tôm vụ nghịch, thưa ông?

Trong thời điểm những tháng cuối năm, việc nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng sẽ gặp nhiều bất lợi từ điều kiện môi trường xung quanh. Điều cần quan tâm nhất là sự biến động nhiệt độ môi trường. Thời gian này, phía Nam đang mùa khô, phía Bắc là mùa lạnh, nên nhiệt độ trong ngày thường thay đổi đột ngột, chênh lệch cao, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phát triển vật nuôi. Đặc biệt, với tôm nuôi, khi nhiệt độ ngày đêm dao động khoảng 30C, tôm dễ bị rủi ro, từ 50C trở lên tôm sẽ chết. Mặt khác, khi nhiệt độ xuống thấp sẽ không đảm bảo được nguồn nước đủ độ mặn cần thiết để nuôi tôm.

Bên cạnh đó, đây còn là thời điểm thu hoạch và cải tạo ao nuôi thả giống vào chính vụ, nên môi trường nước trên các sông, rạch thường bị ô nhiễm nặng và mầm bệnh luôn tồn tại ở mức khá cao. Do đó, bất cứ sai sót nhỏ nào trong quá trình quản lý ao nuôi đều có thể dẫn đến dịch bệnh phát sinh và lây lan, gây thiệt hại. Quan trọng hơn, nuôi tôm trong thời gian ngắt vụ sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng và tính bền vững của cả vùng nuôi, vì khi mầm bệnh gặp điều kiện môi trường, thời tiết thuận lợi sẽ phát triển mạnh thành dịch bệnh, từ đó lây lan cho các hộ nuôi khác và gây thiệt hại nặng cho những ao nuôi thả giống chính vụ.

 

Ông có thể cho biết bệnh thường gặp trên tôm nuôi trong vụ nghịch?

Như tôi vừa nói, khi nuôi tôm trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, tôm không chỉ bị ảnh hưởng không tốt mà đây còn là thời điểm thích hợp cho mầm bệnh phát triển; trong đó, chủ yếu và quan trọng nhất là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Bệnh đốm trắng do White spot syndrome virus (WSSV) gây ra, thường xuất hiện ở thời điểm 1 – 2 tháng sau khi nuôi, khi môi trường nuôi xấu, bệnh dễ xuất hiện. Đối với tôm thẻ chân trắng, nhiệt độ được ghi nhận có ảnh hưởng đến biểu hiện của bệnh đốm trắng. Thực nghiệm cho thấy ở 320C, WSSV không tiếp tục phát triển trên tôm nhiễm bệnh; nhưng khi nhiệt độ xuống 250C thì tôm chết hoàn toàn. Bệnh hoại tử gan tụy cấp do Infectious hypodermal and hematopoietic necrosis virus (IHHNV) gây ra, được ghi nhận trong tất cả các giai đoạn phát triển của tôm nuôi. IHHNV có thể tấn công mang, biểu mô, mô liên kết, cơ quan tạo máu…

 

Hiện, vẫn có một số hộ thả nuôi tôm vụ nghịch. Có giải pháp nào hạn chế được thiệt hại từ việc đó không, thưa ông?

Trong nuôi tôm, mọi yếu tố đều rất quan trọng và đặc biệt được chú ý, nhất là vào những thời điểm môi trường xấu thì cần phải chú trọng nhiều hơn nữa. Trước hết, người nuôi cần phải giữ môi trường nuôi thật sạch bằng biện pháp thay nước thường xuyên, sử dụng chế phẩm sinh học có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng để làm sạch môi trường; Đồng thời, cần cung cấp một số chế phầm giúp tăng sức đề kháng (như men tiêu hóa, vitamin, khoáng đa vi lượng) hoặc kết hợp với việc cho ăn tăng thêm các dinh dưỡng cao cấp. Nhưng cần lưu ý, tuyệt đối không cho ăn kháng sinh để phòng bệnh, điều này sẽ khiến các vi khuẩn gây bệnh nhờn thuốc, khiến việc điều trị càng khó khăn, phức tạp hơn. Không những thế, những thành phần trong các hợp chất kháng sinh còn tồn lưu trong đất và nước sẽ càng làm cho môi trường bị ảnh hưởng nặng nề.

Hiện vẫn có 15 – 20% hộ thả nuôi tôm vụ nghịch – Ảnh: Thanh Ngân

Mấy tháng nay nhiều người tập trung thả nuôi tôm thẻ chân trắng, vì giá cao và nguyên liệu sản xuất thiếu. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Các tỉnh phát triển tôm thẻ chân trắng mạnh, bởi đây là đối tượng  nuôi có nhiều ưu điểm khi thời vụ nuôi ngắn, sức đề kháng tốt hơn. Tuy nhiên, không phải hộ nuôi nào cũng thành công và cho hiệu quả khả quan. Do đó, để hạn chế đến mức thấp nhất những bất lợi khi nuôi, người nuôi cần tập trung thực hiện tốt những yêu cầu sau:

Về con giống, cần chọn những con giống đảm bảo chất lượng, sạch bệnh, có kiểm dịch, tại những cơ sở uy tín. Tiếp đó, cần đảm bảo môi trường ao nuôi luôn sạch, có hệ thống ao lắng, ao chứa, nước đưa vào ao nuôi phải  qua lắng lọc (đây là yếu tố tiên quyết trong tôm nuôi). Đồng thời, cung cấp đủ thức ăn và dinh dưỡng giúp tôm tăng sức đề kháng. Tránh thả nuôi ồ ạt, thiếu kiểm soát, phá vỡ quy hoạch; tuân thủ hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản. Kết hợp với việc thả mật độ thưa bằng 1/3 – 1/2 so thời điểm chính vụ. Do vậy, chỉ nên thả nuôi khi đủ điều kiện cơ sở vật chất, để tránh thiệt hại thêm khi tôm nhiễm bệnh, chết.

 

Vậy trong thời điểm vụ nghịch với tôm, có thể thả nuôi đối tượng nào khác phù hợp hơn không, thưa ông?

Tại các tỉnh ven biển, ngoài tôm, có thể thả nuôi những đối tượng chịu được điều kiện nhiệt độ xuống thấp (như cua biển, cá chép, cá trắm cỏ). Tuy nhiên, để những đối tượng này có thể phát triển tốt, người nuôi cần quan tâm nhiều tới chế độ dinh dưỡng, cung cấp đủ thức ăn giúp vật nuôi tăng sức đề kháng; Đặc biệt, khi lưu cá qua đông, cần chuẩn bị ao hồ và chế độ ăn thật phù hợp. Tránh để vật nuôi bị lạnh đột ngột khi thời tiết chuyển mùa.

Nguyên Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!