Chia sẻ kinh nghiệm phát triển nghề cá bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 15/6, trong khuôn khổ Lễ kỉ niệm Ngày Hợp tác xã Nghề cá thế giới lần thứ 2 diễn ra tại Đà Nẵng, Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA), Tổ chức Hợp tác xã Nghề cá quốc tế (ICFO) cùng phối hợp tổ chức Hội thảo kinh nghiệm phát triển hợp tác xã thủy sản các nước trên thế giới và tại Việt Nam.

Hội thảo là cơ hội để các nước thành viên ICFO cùng chia sẻ kinh nghiệm, vượt qua khủng hoảng đe dọa đến sự phát triển của ngành, duy trì và xây dựng một nền tảng vững chắc hơn cho tương lai ngành thủy sản.

Ảnh: VGP/Hồng Hạnh

Kinh nghiệm từ thế giới

Theo ông Chung Man Hwa – Chủ tịch Viện Kinh tế thủy sản, Liên đoàn quốc gia Hợp tác xã (HTX) thủy sản Hàn Quốc cho biết ngành công nghiệp thủy sản Hàn Quốc phát triển vững chắc dựa vào ba trụ cột: làng chài – ngư dân – đánh bắt.

Chính phủ Hàn Quốc luôn xác định hỗ trợ ngư dân trong nhiều hoạt động giúp ngành đánh bắt thủy sản bền vững và an toàn như: vay vốn thông qua tín dụng hỗ tương, mua bảo hiểm cho tàu cá và thủy thủ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho ngư dân, cung cấp thông tin và trang thiết bị đánh bắt, cung cấp nguyên liệu và dịch vụ hậu cần ngay trên biển cũng như hỗ trợ hoạt động đánh bắt an toàn …

Đặc biệt, Chính phủ Hàn Quốc luôn đặc biệt hỗ trợ vốn cho ngư dân, không để ngành thủy sản đình trệ chỉ vì thiếu vốn. Được biết, từ năm 2008, thu nhập của các hộ gia đình ngư nghiệp ở hàn Quốc vượt thu nhập của các hộ làm nông nghiệp (38.000.000/30.000.000 won).

Đến từ Nhật Bản, ông Ikuhiro Hattori – Chủ tịch Liên đoàn quốc gia HTX nghề cá Nhật Bản, lại nhấn mạnh nỗ lực hỗ trợ của Liên đoàn đối với vấn đề pháp lý thông qua nghị viện để ban hành các dự luật cần thiết; vận động Chính phủ thực hiện những chính sách cần thiết cho lĩnh vực thủy sản…

Với một đất nước mà hầu như ngư dân chịu nhiều thiệt thòi, không được sự quan tâm đúng mức, ông B.K.Mishra – Giám đốc điều hành Fishcopfed New Delhi (Ấn Độ), cho biết các HTX nghề cá ở Ấn Độ đã hỗ trợ ngư dân thông qua chương trình bảo hiểm tai nạn theo nhóm, bảo hiểm y tế nhằm giúp cho xã viên vượt qua khó khăn khi gặp rủi ro.

Đồng thời, liên minh HTX nghề cá Ấn Độ đã giúp đỡ các ngư dân thông qua hệ thống tiêu thụ cá và các sản phẩm cá tại các cửa hàng bán lẻ, chuyển giao công nghệ cho xã viên; đào tạo nguồn lao động cho ngư nghiệp…

 

Hợp tác nhiều hơn với các tổ chức nghề cá trên thế giới

Là một quốc gia với hơn 3.260km đường bờ biển, và 2 triệu ha mặt nước, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia giàu có về đa dạng sinh học và nguồn tài nguyên thủy sản.

Ngư dân tại cảng cá Sa Kỳ, Quảng Ngãi – Ảnh: VGP/Hồng Hạnh

 

Năm 2011, tổng sản lượng khai thác thủy sản cả nước đạt hơn 2,52 triệu tấn, trong đó khai thác hải sản đạt 2,3 triệu tấn. Khai thác thủy sản nội địa đạt 202,5 nghìn tấn. Riêng đánh bắt cá ngừ đại dương đạt 10,5 nghìn tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD. Đồng thời, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho hàng triệu ngư dân ven biển.

Với truyền thống khai thác thủy sản lâu đời, và sản lượng khai thác lớn đã đưa ngành thủy sản Việt Nam gia nhập nhóm 20 nước có sản lượng khai thác thủy sản lớn nhất trong những năm qua và đứng hàng thứ sáu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới.

Đặc biệt, khi còn tới 50% diện tích mặt nước còn chưa được sử dụng, ngành đánh bắt xa bờ có thể tăng sản lượng khai thác gấp 10 lần hiện nay… hứa hẹn ngành thủy sản Việt Nam còn nhiều bước tiến xa hơn nếu đi đúng định hướng.

Tuy nhiên, theo ông Đào Xuân Cần – Chủ tịch VCA, ngành thủy sản Việt Nam còn vấp phải nhiều khó khăn về vốn, cơ sở hạ tầng nghề cá, cũng như nhận thức của ngư dân về khai thác bền vững để có thể khai thác hết tiềm năng mà Việt Nam hiện có.

Ông Đào Xuân Cần kỳ vọng, thông qua những mối liên kết với HTX nghề cá các nước, Việt Nam sẽ nhận thêm được nhiều kinh nghiệm và sự hỗ trợ để nghề cá có thể phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có.

Hiện Việt Nam có khoảng 500 HTX nghề cá và hàng ngàn tổ hợp tác nghề cá đang hoạt động hiệu quả. Các thành viên HTX nghề cá Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực về cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bắt, nuôi trồng… của các nước thành viên ICFO.

Hồng Hạnh

Theo Chinhphu.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!