T2, 06/07/2020 10:54

Chích điện tận diệt thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Một đoạn sông chỉ vài trăm mét nhưng có hơn chục xuồng bắt cá. Có chỗ vừa có xuồng rà điện xong lại có xuồng khác đến rà tiếp.

“Ngày nào cũng có cả chục chiếc xuồng kéo đến quần nát khu vực này. Nhiều khi thấy họ rà điện sát bè cá của mình, lo cá trong bè chết nhưng không dám nói nặng lời vì sợ họ phá” – nhiều người dân sống ở khu vực nuôi cá bè phường Thống Nhất (Đồng Nai) bức xúc phản ánh.

Người dân cho biết thời gian gần đây trên sông Đồng Nai (đoạn đi qua nội ô TP Biên Hòa, Đồng Nai), tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện diễn ra công khai, ngang nhiên cả ngày lẫn đêm. Do dòng điện lớn nên mỗi khi dụng cụ xung điện được chọc xuống nước thì từ cá con đến cá lớn, tép, cua, lươn và các vi sinh vật trong vòng bán kính hơn một mét đều bị điện giật chết, nổi bụng lên mặt nước.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một đoạn sông thuộc phường Thống Nhất dài chỉ khoảng vài trăm mét nhưng hằng ngày có đến hơn chục chiếc xuồng bắt cá bằng xung điện. Có chỗ vừa có xuồng rà điện xong lại có xuồng khác đến chích tiếp.

 

Những con cá bị điện giật đều chết cứng đơ khi được vớt lên. Ảnh: TD

“Mỗi bộ kích điện loại nhỏ giá 1 triệu đồng còn loại lớn giá 1,5 triệu đồng. Đa số những người hành nghề ở đây đều sử dụng loại lớn vì dòng điện mạnh hơn, có thể chích cá ở độ sâu 3-4 m để bắt được nhiều cá hơn” – một người đi chích cá tiết lộ.

Người dân khu vực này thông tin thêm: Những người hành nghề bắt cá bằng xung điện đều là người dân địa phương, thuộc diện hộ nghèo nên mới kiếm sống bằng cách này. Chính quyền địa phương biết nhưng chưa thấy có biện pháp hữu hiệu để chấm dứt. Nếu cứ để chuyện này kéo dài sẽ rất nguy hại cho môi trường, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Nai: Hiện TP Biên Hòa có 19 hộ, huyện Định Quán 109 hộ, huyện Long Thành 175 hộ, huyện Nhơn Trạch 57 hộ sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản. Các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện hai cơ sở chuyên sản xuất xung điện để đánh bắt thủy sản tại huyện Long Thành và yêu cầu chủ hai cơ sở này cam kết không tái phạm. Tính đến thời điểm này Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Nai đã phát hiện và xử lý 142 vụ vi phạm trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản. Trong đó 140 vụ sử dụng xung điện và hai vụ sử dụng chất độc.

>> Kỹ sư Tô Xuân Tuyên, Trưởng phòng Quản lý khai thác và bảo vệ quyền lợi thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Nai: Sẽ phối hợp với công an ngăn chặn, xử lý

Đúng là hiện nay các cơ quan chức năng chưa thể ngăn chặn và xử lý dứt điểm vấn nạn trên do còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ví dụ như nếu gặp các cơ quan chức năng đi kiểm tra, họ sẽ ngay lập tức tháo bỏ bình ắcquy, biến thế ném xuống nước để phi tang. Do đó các cơ quan chức năng không có tang vật để xử lý. Ngoài ra đầu tư cho việc đánh bắt này thấp nhưng hiệu quả cao khiến người dân liên tục vi phạm…

Tới đây, Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Nai sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ các nguồn vật liệu nổ, các cơ sở buôn bán, tàng trữ lắp ráp xung điện dùng để đánh bắt thủy sản; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các trường hợp vi phạm. Các cơ quan chức năng cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền cho cộng đồng hiểu rõ nguy hại của hình thức đánh bắt này. Đồng thời sẽ phát động phong trào quần chúng tố giác các hành vi vi phạm.

Ngoài ra, địa phương sẽ đề nghị công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương và các phòng chức năng nắm chắc những người sử dụng xung điện để khai thác thủy sản, từ đó có biện pháp giáo dục, xử lý nghiêm hơn.

Tiến Dũng

Pháp luật TP. HCM

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!