T3, 04/07/2023 10:34

Chiến lược – Động lực cho phát triển kinh tế biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Với hơn 3.200 km đường bờ biển, vùng kinh tế biển hơn 1 triệu km2 và hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam có lợi thế vô cùng thuận lợi để phát triển kinh tế biển cùng nhiều lĩnh vực từ dầu khí, du lịch, thủy sản… Chính vì thế, trong chiến lược phát triển, Đảng và Nhà nước cũng đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia biển giàu mạnh.

Tiềm năng rất lớn

Việt Nam có diện tích khoảng 1 triệu km², gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông. Vùng biển nước ta có hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa, Trường Sa.

Biển, đảo Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi Biển Đông là vùng biển có 1 trong 10 tuyến đường hàng hải lớn nhất thế giới đi qua. Đồng thời, có nguồn tài nguyên phong phú. Trong đó, trữ lượng dự báo tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam khoảng 10 tỷ tấn dầu quy đổi, khoảng 1.000 tỷ m3 khí. Ngoài ra, còn có các khoáng sản quan trọng và có tiềm năng lớn như: than, sắt, titan, băng cháy, cát thủy tinh, muối và các loại vật liệu xây dựng khác. Không chỉ vậy, nguồn lợi hải sản nước ta rất phong phú. Trữ lượng cá biển ước tính trong khoảng từ 3,1 đến 4,1 triệu tấn, khả năng khai thác từ 1,4 đến 1,6 triệu tấn. Đây là lợi thế để đưa thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Hơn thế, biển Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển du lịch, hiện đang đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế của đất nước…

Kinh tế biển và ven biển đang trở thành động lực tăng trưởng. Ảnh: Tử Trực

Bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều dự án lấn biển đã và đang được thực hiện ở hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển. Các dự án lấn biển đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn ở khu vực ven biển, hải đảo.

Quyết sách quan trọng

Với vị trí quan trọng bên Biển Đông, Việt Nam hiện là đối tác không thể thiếu trong các chương trình nghị sự của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Và để phát huy tối đa lợi thế vốn có, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 là phát triển thành công, đột phá về 6 ngành kinh tế biển gồm: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Để triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, các cơ quan Trung ương và địa phương có biển đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Chính vì thế, kinh tế biển và ven biển đã có những đóng góp lớn vào tổng sản phẩm quốc nội. Trong đó, du lịch biển đảo mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước. Vận tải hàng hóa đường biển đạt 85,1 triệu tấn. Sản lượng khai thác quy dầu khí đạt 18,43 triệu tấn (khai thác dầu thô đạt 10,97 triệu tấn). Sản lượng thủy sản khai thác trên 3 triệu tấn. Cả nước đến nay đã hình thành chuỗi đô thị biển với gần 600 đô thị, chiếm khoảng 8% số lượng đô thị cả nước; 18/19 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch đã được thành lập…

Những giải pháp xứng tầm

Theo nhiều nhà chiến lược kinh tế biển thì quy mô kinh tế biển nước ta còn thấp, phát triển chưa tương xứng tiềm năng, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý. Đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản đang giảm sút nghiêm trọng, thiếu bền vững… Chính vì vậy, để chiến lược kinh tế biển thật sự là động lực biến tài nguyên biển thành một trong năm nguồn lực vật chất cho xây dựng và phát triển nền kinh tế đất nước đang hướng tới tầm nhìn đến năm 2045, đã có nhiều giải pháp được đề xuất. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc cần phải có quy định về quản lý, sử dụng đất hình thành từ lấn biển; có chính sách chủ động trong việc đưa ra các sáng kiến về kinh tế biển để hội nhập hiệu quả với khu vực; phát triển kinh tế biển cần gắn liền việc đầu tư nghiên cứu, dự báo, đào tạo và phát triển công nghệ cũng như với chiến lược đối phó biến đổi khí hậu, chính sách bảo tồn đa dạng sinh học biển…

Để Chiến lược phát triển kinh tế biển thực sự là động lực, năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Chỉ thị số 31/CT-TTg về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp về phát triển bền vững kinh tế biển. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện các nội dung, tăng cường triển khai đồng bộ các khâu đột phá, giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển.

Trong phát triển kinh tế biển, tỉnh Kiên Giang đã có những bước khởi đầu rất mạnh. Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh huy động 140.000 tỷ đồng vốn đầu tư vùng biển, đảo, chiếm 80% nhu cầu vốn đầu tư toàn tỉnh. Tỉnh cũng đã hoàn thành nhiều công trình thủy lợi vùng ven biển phục vụ nuôi trồng thủy sản; các công trình gia cố đê biển; đầu tư phát triển hệ thống điện, nước, nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện vùng ven biển, hải đảo đến nay đạt 99,1%, hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 81%. Tỉnh xây dựng 8 dự án mang tính cấp thiết ứng phó với biển đổi khí hậu, như nâng cấp đê biển từ Hà Tiên đến Tiểu Dừa (An Minh), khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển, quản lý tổng hợp vùng bờ…

Tại vùng Duyên hải Nam Trung bộ, Phú Yên là một điển hình nữa khi có khu vực ven biển phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10,5%/năm; thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, đóng góp trên 65% giá trị GDP và trên 75% ngân sách tỉnh. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, du lịch được quan tâm đầu tư tương đối đồng bộ, phục vụ tốt công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội khu vực ven biển. Hoạt động khai thác, NTTS gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển được đẩy mạnh. Công nghiệp ven biển từng bước phát triển; hệ thống cảng biển được đầu tư tương đối đồng bộ. Hạ tầng phục vụ du lịch được chú trọng đầu tư… Và hiện nay kinh tế biển đã và đang trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội của Phú Yên…

>> Phát triển kinh tế biển có vai trò hết sức quan trọng nhằm tăng thế và lực của đất nước, nâng cao “thế trận lòng dân” trên các vùng biển, đảo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Và với những quyết sách và hành động mạnh từ Trung ương đến địa phương, Việt Nam sẽ sớm hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia giàu mạnh về biển.

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!