Chiến lược khôi phục thị trường nội địa

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bên cạnh xuất khẩu, những năm gần đây, doanh nghiệp thủy sản đã chuyển hướng sang thị trường nội địa; khi đây được coi là một trong những mảng thị trường quan trọng và mang lại doanh thu tích cực cho doanh nghiệp. Những doanh nghiệp sản xuất nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng cao sẽ có chỗ đứng nhất định ở thị trường nội địa.

Vừa dễ vừa khó

Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP thông tin, VASEP có 1 câu lạc bộ doanh nghiệp tiêu thụ hàng nội địa với 30 doanh nghiệp; có những doanh nghiệp có doanh thu ở nội địa chiếm 30 – 50% tổng doanh số. Các mặt hàng chủ yếu đưa vào nội địa hiện nay là hàng giá trị gia tăng phù hợp với đặc thù của người dân Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc. 

Báo cáo kết quả kinh doanh của Công ty CP Vĩnh Hoàn cho thấy, doanh thu tháng 6/2023 tiếp tục giảm 11% so tháng 5 trước đó, xuống còn 845 tỷ đồng. Đối với mảng kinh doanh cá tra, vốn chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất của Công ty cũng ghi nhận mức giảm 22% so hồi tháng 5, xuống còn 475 tỷ đồng, đóng góp 56% vào doanh thu chung của Công ty. Điều bất ngờ là, xét theo cơ cấu thị trường thì chỉ duy nhất thị trường nội địa là ghi nhận sự tăng trưởng 6% doanh thu so cùng kỳ; còn lại doanh thu bán hàng tại các thị trường trọng điểm khác đều sụt giảm đáng kể.

Ký kết hợp tác giữa Nam Việt và Bách Hóa Xanh. Ảnh: Nam Việt

Suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm cho nhiều ngành nghề gặp khó, trong đó có nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu. Trước thực tế này, bên cạnh việc tìm cách ứng phó với bên ngoài, nhiều doanh nghiệp quay lại thị trường trong nước để bán sản phẩm, đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc mở rộng thị phần tại thị trường nội địa cũng đang gặp không ít những bất lợi. 

Cụ thể như: Dù có dư địa lớn song việc tiếp cận vào các kênh bán lẻ truyền thống của thị trường nội địa rất khó. Vì hầu hết kênh bán lẻ lớn đều do doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài làm chủ nên hàng thủy sản Việt Nam đang phải cạnh tranh ngay tại sân nhà. Hoặc câu chuyện liên quan đến chiết khấu tăng lên sau nhiều năm vẫn là khó khăn của doanh nghiệp tại thị trường nội địa. Cùng đó, thị trường nội địa vẫn đang bị bỏ ngỏ với rất nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vì những yếu tố khách quan và chủ quan, do thói quen làm ăn kinh doanh theo hướng xuất khẩu nhiều hơn, cơ cấu sản phẩm phục vụ xuất khẩu nhiều hơn.

Như chia sẻ của ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty CP Nam Việt, chưa đến 10% sản lượng cá tra của doanh nghiệp được tiêu thụ trong nước. Ngay cả các quầy kệ của siêu thị cũng khó tìm thấy sản phẩm cá tra, kể cả sản phẩm của các doanh nghiệp đầu ngành.

Năm 2023, vùng ĐBSCL thả nuôi khoảng 5.500 ha cá tra, sản lượng dự kiến thu hoạch cả năm đạt 1,45 triệu tấn. Sản lượng lớn, trong khi xuất khẩu gặp khó khăn, việc mở lại thị trường trong nước được xem là giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, việc này rất cần sự hỗ trợ của truyền thông, thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt”, bởi trong 6 tháng của năm 2023, xuất khẩu cá tra sang 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới chỉ đạt trên 885 triệu USD, giảm 38% so cùng kỳ năm 2022.

Giải pháp mở rộng thị phần

Để mở đường cho doanh nghiệp muốn tiêu thụ tại nội địa, bà Lê Hằng khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh cơ cấu sản phẩm phù hợp với thị trường nội địa và xuất khẩu vì mỗi thị trường đều có đặc thù khác nhau, do đó cần tìm hiểu thêm về thói quen tiêu dùng của từng vùng miền. Doanh nghiệp thủy sản hiện tập trung nhiều ở miền Trung và miền Nam, nên để tiếp cận thị trường cần nghiên cứu từng vùng miền để có sản phẩm đưa vào từng thị trường phù hợp. Bên cạnh đó, cần tiếp cận sâu hơn các kênh bán lẻ phổ biến ở nhiều thị trường khác nhau, ở các khu dân cư để đưa hàng hoá tiếp cận với người tiêu dùng.

Sản phẩm thủy sản ngày được tăng cường tại hệ thống siêu thị. Ảnh: BHX

Mặc dù vậy, muốn chinh phục thị trường nội địa, thì doanh nghiệp ngành cá tra phải gỡ hai cái khó của thị trường là khâu phân phối và thị hiếu tiêu dùng. “Nếu như thế giới thích cá phải cấp đông với chất lượng tốt nhất thì người Việt ngược lại, họ thích cá tươi ngon. Đây thực sự là bài toán đau đầu cho doanh nghiệp trong việc vận chuyển, bảo quản và phân phối tới người dùng” – ông Tới nói.

Ngày 18/7 vừa qua, Công ty CP Nam Việt và chuỗi siêu thị bán lẻ Bách Hóa Xanh thuộc Công ty CP Đầu tư Thế giới Di Động đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển bền vững và chính thức tiêu thụ sản phẩm cá của Nam Việt tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh. Được biết, hai bên đã hợp tác thử nghiệm từ tháng 3/2023 đến nay. Đại diện Nam Việt cho biết hai bên đã đạt mức tiêu thụ 600 tấn sau hơn 3 tháng thử nghiệm, đồng thời kỳ vọng sản lượng tiêu thụ sẽ tăng mạnh sau khi ký kết hợp tác chính thức.

Đáng chú ý, chuỗi Bách Hóa Xanh hiện phân phối chủ yếu các sản phẩm cá tươi cắt khoanh của Nam Việt. Đây được đánh giá là các sản phẩm có biên lợi nhuận thấp so với các sản phẩm đã qua chế biến, đông lạnh do đặc thù phải tiêu thụ trong ngày, lượng hàng thừa sẽ buộc phải tiêu hủy. Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ 600 tấn trong 3 tháng thử nghiệm vừa qua ước tính chỉ chiếm 1,7% sản lượng cá tra fillet của Nam Việt trong một quý thông thường. Tỷ lệ này còn ở mức thấp hơn nữa nếu so với sản lượng cá tra nguyên liệu tươi sống của doanh nghiệp này.

Việc hợp tác trên cho thấy thị trường nội địa với quy mô dân số 100 triệu dân đang ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với chiến lược kinh doanh của Nam Việt trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu thủy sản đối mặt nhiều khó khăn. Doanh thu xuất khẩu hiện chiếm tới 93% tổng doanh thu các sản phẩm từ cá của Nam Việt.

Hồng Hạnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!