T5, 22/04/2021 09:16

Chiến lược phát triển thủy sản: Thế và lực mới

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg (Chiến lược) tạo cơ hội mới cho ngành thủy sản phát triển bền vững. Bởi định hướng trong thời gian tới là ngành thủy sản sẽ tập trung vào việc đầu tư tăng sản lượng nuôi trồng nhiều hơn, giảm sản lượng khai thác, nhằm bảo đảm khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản, nhất là chấm dứt tình trạng khai thác IUU.

Tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng

Quan điểm phát triển thủy sản đến năm 2030 được xác định là tiếp tục hội nhập quốc tế bằng việc xây dựng và phát triển ngành thủy sản có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững. Hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển có trách nhiệm theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả.

Theo số liệu của ngành thủy sản, trong giai đoạn 2010 – 2019, cơ cấu GDP ngành thủy sản trong toàn ngành nông nghiệp tăng từ 17,8% lên 24,4%. Sản lượng tăng từ 5,1 triệu tấn lên 8,2 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 5 tỷ USD lên tới 8,6 tỷ USD – tương ứng 1,7% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước và 20,8% kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 14 – 16 tỷ USD như Chiến lược đề ra, ngành thủy sản Việt Nam sẽ cần có nhiều bước đột phá trong thời gian tới, đồng thời vẫn phải đảm bảo được các giá trị căn bản về môi trường, khí hậu, an toàn sinh học.

Làm chủ đại dương

Việt Nam có hơn 3.260 km bờ biển kéo dài từ Móng Cái, Quảng Ninh đến mũi Cà Mau cùng hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ nằm trên hải phận Biển Đông; vùng biển có đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2. Đất nước càng phát triển thì việc quản lý khai thác biển càng trở nên cấp bách. Các chuyên gia cho rằng, nuôi biển được đánh giá cao hơn về hiệu quả kinh tế – môi trường, do có năng suất cao hơn, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) thấp hơn (FCR của cá biển sử dụng thức ăn viên chỉ từ 1 – 2,5; trong khi động vật trên cạn 4 – 8), lại ít gây hại tới môi trường.

Phát triển kinh tế biển ngày càng được chú trọng tại nhiều địa phương. Ảnh: ST

Tuy nhiên, việc khai thác và nuôi trồng biển cần nguồn lực lớn, sự tham gia của các thành phần kinh tế; đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng phải đồng bộ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số…, tất cả đều rất cần thiết để ngành thủy sản hướng ra đại dương rộng lớn.

Ngày 31/3/1959 khi về thăm làng cá Cát Bà, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ”. Ngày nay, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Bác, luôn đề cao vai trò của người dân – nhất là ngư dân trong ngành thủy sản nói chung và trong khai thác, nuôi trồng biển nói riêng. Ngành thủy sản hướng tới việc giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước. Xây dựng các làng cá ven biển, đảo thành các cộng đồng dân cư văn minh, có đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc riêng gắn với xây dựng nông thôn mới.

Chính quyền hỗ trợ giúp đỡ người dân phát triển khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả, bền vững, trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Cần tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản vùng lộng, vùng ven bờ và khai thác thủy sản nội địa hợp lý. Cùng đó, chống khai thác IUU, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi các nghề xâm hại lớn đến nguồn lợi, sử dụng nhiều nhiên liệu, sang các nghề thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản.

Nâng chất lượng khai thác

Những năm gần đây, hầu hết các tỉnh, thành đã và đang chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản phù hợp; giảm số lượng tàu cá hoạt động thiếu hiệu quả trên biển, giảm số tàu cá khai thác vùng lộng và vùng ven bờ, chuyển một bộ phận lao động khai thác vùng lộng, vùng ven bờ sang hoạt động vùng khơi, dịch vụ nuôi trồng hải sản trên biển, du lịch sinh thái biển và các ngành kinh tế khác. Mục tiêu là giảm sản lượng khai thác thủy sản để phục hồi nguồn lợi thủy sản.

Song song là việc hiện đại hóa nghề đánh bắt như thành lập các THT, HTX khai thác thủy sản. Tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến tiêu thụ với doanh nghiệp và ngư dân. Tổ chức tốt thông tin liên lạc, cảnh báo thiên tai kịp thời cho ngư dân trên biển, bảo đảm an toàn đi biển, tổ chức ứng cứu kịp thời khi có rủi ro. Chiến lược đề ra mục tiêu “giảm sản lượng thủy sản khai thác từ 3,8 triệu tấn xuống còn 2,8 triệu tấn” và song hành với đó, cần tổ chức bảo tồn; nâng sản lượng nuôi trồng lên 7 triệu tấn trên cả nước.

Nỗ lực của toàn ngành

Để đạt được các mục tiêu đề ra tại Chiến lược, Bộ NN&PTNT cần phối hợp ngành thủy sản và các tỉnh, thành phố ven biển rà soát, xây dựng kế hoạch, chủ động huy động các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và địa phương; ưu tiên kinh phí cho phát triển hạ tầng sản xuất thủy sản nhằm hoàn thành các dự án cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền đáp ứng năng lực kiểm tra, kiểm soát hàng qua cảng cá và công suất neo đậu tàu. Thành lập mới, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu bảo tồn biển; tổ chức quản lý, bảo vệ các khu vực thủy sản tập trung sinh sản, thủy sản còn non sinh sống và đường di cư của các giống loài thủy sản.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thủy sản xuất khẩu, cần chú trọng đầu tư vào ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để phục vụ việc nuôi trồng và chế biến, nhất là phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, các đối tượng nuôi chủ lực, giá trị kinh tế lớn và các loài mới có tiềm năng. Đưa NTTS trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, quy mô công nghiệp, tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Từng bước xây dựng ngành chế biến thủy sản thành một ngành kinh tế mũi nhọn, sản xuất hàng hóa lớn, trung tâm chế biến sâu.

Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm thủy sản chủ lực, như tôm, cá ngừ, cá tra… Đồng thời, bám sát các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP… kết hợp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, tạo đòn bẩy đưa xuất khẩu thủy sản Việt Nam vươn rộng ra thị trường quốc tế.

>> Một trong những mục tiêu quan trọng của ngành thủy sản trong giai đoạn tới chính là phát huy những thế mạnh truyền thống của ngành, như nuôi và xuất khẩu tôm, cá tra, bên cạnh đó tập trung khai thác nuôi trồng biển hiệu quả. Với thế và lực mới, chắc chắn việc khai thác và nuôi biển sẽ ngày càng phát triển, hiệu quả và đem lại nguồn động lực mới cho việc phát triển ngành thủy sản Việt Nam.

Nguyên Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!