Khi hồ thuỷ điện Sơn La tích nước, gần 1 nửa diện tích đất trồng trọt, chăn nuôi của người dân xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) ngập dưới lòng hồ. Trước khó khăn đó, người dân nơi đây đã biết khai thác tiềm năng mặt hồ, thực hiện mô hình nuôi cá lồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình anh Tòng Văn Tám, bản Huổi Cuổi là một trong những hộ đầu tiên của xã tham gia mô hình nuôi cá lồng trên hồ thuỷ điện Sơn La năm 2010. Anh Tám cho biết: Nuôi cá lồng không khó, thức ăn là lá chuối, cỏ, sắn. Bên cạnh đó, nguồn sinh vật phù du trong lòng hồ nhiều, nên cá rất nhanh lớn. Lúc thả cá giống chỉ nặng 2 lạng, sau 8 tháng cá trắm cosó trọng lượng từ 4-4,5kg, cá chép hơn 2kg. Hạch toán về kinh tế, một lồng cá 30 m2, đầu tư 26 triệu đồng, trong đó: tiền giống 8 triệu đồng, tiền lồng và thùng phi nhựa 18 triệu đồng. Trung bình 1 lồng thu 5 tạ cá, bán với giá 100 nghìn đồng/kg thu 50 triệu đồng. Nhà tôi còn tận dụng mặt nước trên lồng khoanh lưới nuôi vịt để tăng thêm thu nhập.
Nuôi cá lồng tại Hợp tác xã thủy sản Chiềng Bằng.
Hiện tại, gia đình anh Tám có 2 lồng nuôi cá thịt chuẩn bị xuất ra thị trường, anh chia sẻ thêm: Cá ở đây bán được giá, vì cá nuôi ở lòng hồ ai cũng thích, chưa đến kỳ xuất bán mà hôm nào cũng có thương lái ở trong huyện và ngoài tỉnh gọi điện đặt mua. Dự kiến, năm nay gia đình sẽ thu khoảng 1 tấn cá thịt, tương ứng 100 triệu đồng.
Anh Tám còn là người đầu tiên vận động các hộ nuôi cá, thành lập Hợp tác xã thuỷ sản Chiềng Bằng. Hợp tác xã được thành lập tháng 6-2012, với mô hình bố trí tập trung ở một nơi, các lồng cá ghép khung tạo thành mảng lớn trên lòng hồ. Nhờ vậy tận dụng được mặt nước nuôi thuỷ sản, xã viên cùng chia sẻ kinh nghiệm, góp vốn để nuôi cá. Hiện tại, HTX có 18 xã viên, đã góp 600 triệu đồng làm 26 lồng cá, dự kiến vào dịp Tết Nguyên đán xuất 5 lồng khoảng 2,5 tấn cá thịt.
Với hiệu quả nuôi cá lồng mang lại, đến nay xã Chiềng Bằng đã có 52 lồng cá. Bà con cũng rất sáng tạo trong cách đóng lồng nuôi cá, trước đây lồng cá chủ yếu làm bằng tre vây kín, hiện nay là lưới nhựa, khung thép, ống kẽm và tre, phao nâng lồng bằng phi nhựa, đảm bảo chắc chắn. Mỗi lồng cá diện tích 30 m2 – dưới nuôi cá, trên thả vịt, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Ngô Quý Ngự, Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng cho biết: Diện tích toàn xã hơn 4.000 ha, trong đó 2.000 ha mặt nước, đây là tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên, diện tích nuôi thuỷ sản trong xã còn ít so với tiềm năng của địa phương. Chúng tôi đang tiếp tục vận động các hộ nuôi cá hình thành các hợp tác xã thuỷ sản để phát triển bền vững hơn. Cùng với đó, rất mong các chương trình dự án tiếp tục hỗ trợ người dân vốn, kỹ thuật nuôi cá; các ngân hàng tạo điều kiện cho người dân vay vốn mở rộng diện tích nuôi thuỷ sản.
Nuôi cá lồng ở xã Chiềng Bằng đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp bà con khai thác tốt lợi thế mặt nước và sự phong phú đa dạng thuỷ sinh vật trên mặt hồ. Tuy nhiên, để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, góp phần ổn định đời sống của người dân, cần có sự vào cuộc định hướng của các cấp, các ngành .