(TSVN) – Xuất khẩu cá hồi và cá hồi trout của Chilê đã đạt tổng trị giá 5,18 tỷ USD (4,56 tỷ EUR) trong năm 2021 nhờ nhu cầu tăng đều trong năm.
Năm 2021, Chilê đã chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng trong xuất khẩu cá hồi, dẫn đến giá trị hàng năm tăng 18,2% so với năm 2020. Sự phục hồi diễn ra bất chấp giá trị xuất khẩu trong quý I/2021 giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên tăng lần lượt 11,6% và 33,4% trong quý II và III. Xuất khẩu cá hồi và cá hồi trout đạt tổng trị giá 1,55 tỷ USD (1,36 tỷ EUR) trong quý IV/2021, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước, theo “Báo cáo xuất khẩu cá hồi hàng quý” mới nhất của Hội đồng Cá hồi Chilê. Báo cáo dựa trên thông tin từ Ngân hàng Trung ương Chilê và Hải quan Dịch vụ Quốc gia.
Giám đốc Điều hành Hội đồng Cá hồi Chilê Joanna Davidovich cho biết: “Kết quả của năm 2021 đã củng cố sự phục hồi xuất khẩu cá hồi Chilê ra thế giới sau một năm 2020 phức tạp đối với tất cả mọi người, từ nơi nuôi cá hồi tới các kênh bán hàng chính như nhà hàng và khách sạn đều bị ảnh hưởng. Nhờ các giao thức được thực hiện bởi các công ty và trách nhiệm của người lao động, chúng tôi đã có thể tiếp tục hoạt động trong thời gian đại dịch và sự phục hồi cho thấy nhu cầu vững chắc của các thị trường bên ngoài đối với cá hồi, năm 2021 kết thúc với mức tăng trưởng đáng kể và mức cao hơn so với trước đại dịch COVID-19”.
Trang trại nuôi cá hồi của Công ty Mowi tại Chilê. Ảnh: Intrafish
Theo số liệu hải quan do Hội đồng Cá hồi Chilê trình bày, tổng lượng cá hồi xuất khẩu giảm 71% theo khối lượng trong năm 2021, giảm xuống 723.698 tấn từ mức 779.044 tấn xuất khẩu trong năm 2020. Giá trung bình xuất khẩu cũng thay đổi, đạt 8,40 USD/kg trong quý III/2021 so với mức thấp nhất là 4,90 USD/kg vào quý IV/2020. Nhu cầu cao trong năm 2021 đã thúc đẩy giá trung bình tăng 27% so với năm trước đó.
Các thị trường hàng đầu của cá hồi Chilê trong năm 2021 là Mỹ, chiếm 44% tổng kim ngạch xuất khẩu của Chilê; Nhật Bản chiếm 19,9%; Brazil chiếm 12,9%; Nga chiếm 6%; và Mexico là 3%. Năm quốc gia này chiếm hơn 85% xuất khẩu cá hồi của Chilê. Sự phục hồi nhu cầu đối với cá hồi Chilê chủ yếu ở Mỹ và Brazil khi xuất khẩu tăng lần lượt 33,7% và 63,5%.
Ngược lại, nhu cầu từ Trung Quốc đối với cá hồi của Chilê lại thấp hơn, sự sụt giảm bắt đầu từ khi bùng phát đại dịch COVID-19. Năm 2019, Trung Quốc chiếm 5,3% kim ngạch xuất khẩu cá hồi của Chilê, nhưng con số đó giảm xuống 3,1% vào năm 2020 và xuống còn 2% trong năm 2021. Trung Quốc đã mất vị trí một trong năm thị trường hàng đầu của cá hồi Chilê.
Chủ tịch của SalmonChile, ông Arturo Clément, cho biết trước đây ông kỳ vọng Trung Quốc sẽ sớm trở thành một trong những thị trường cá hồi lớn nhất thế giới và Chilê sẽ chiếm thị phần tốt trong đó.
Hải Phong
Theo Seafoodsource