Chính phủ vừa đề xuất trang bị vũ khí quân dụng cho lực lượng kiểm ngư, một lực lượng mới được thành lập thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đề xuất này được đưa ra theo tờ trình ‘bổ sung Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ’, tại phiên họp thứ 19 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 10 – 12/7.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, đây là lực lượng hoạt động độc lập, có nhiệm vụ trực tiếp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển Việt Nam…, phải thường xuyên phải đối mặt với các hành vi vi phạm pháp luật, nhưng hiện nay mới chỉ được trang bị công cụ hỗ trợ theo quy định tại Điều 19 Nghị định 25/2012/NĐ-CP.
Vì vậy, “để tạo điều kiện thuận lợi cho Lực lượng kiểm ngư hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Chính phủ đề nghị trang bị vũ khí quân dụng cho Lực lượng kiểm ngư khi thi hành nhiệm vụ”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, đa số thành viên Ủy ban nhất trí với nội dung này và đề nghị trước tình hình diễn biến phức tạp trong việc quản lý, bảo vệ ngư trường trên các vùng biển nước ta hiện nay thì việc trang bị vũ khí quân dụng cho Kiểm ngư là cần thiết.
Lực lượng kiểm ngư phải thực sự trở thành lá chắn cho những ngư dân bám biển
Nghị định 102 của Chính phủ quy định thành lập Cục kiểm ngư và lực lượng kiểm ngư, có hiệu lực từ ngày 25/1/2013. Đây được xem là lá chắn để ngăn chặn các hành vi vi phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Nghị định nêu rõ, lực lượng kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, trực thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.
Theo Tổng cục thủy sản, các kiểm ngư viên sẽ có quyền hạn xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đang hoạt động trên các vùng biển Việt Nam.
Theo đánh giá của nhiều cơ quan ban ngành và các chuyên gia, với sự ra đời của lực lượng này, bà con ngư dân Việt Nam sẽ cảm thấy thêm yên lòng ra khơi khi có thêm một “lá chắn” trên biển.
Tuy nhiên, lực lượng hoạt động đang chậm so với yêu cầu thực tế đời sống.