(TSVN) – Sau 7 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và các chính sách phát triển thủy sản đã đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân. Tuy nhiên, bước vào chặng đường phát triển mới, nhiều yêu cầu được đặt ra, đã đến lúc ngành thủy sản cần một trợ lực mới.
Từ khi đi vào thực tế, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đã mang lại những kết quả rất rõ rệt. Cụ thể, mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được, số lượng tàu khai thác gần bờ giảm (13,2%), số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng (20,1%); tai nạn tàu cá giảm đáng kể; góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển; nhiều mô hình liên kết sản xuất trên biển đã hình thành và phát triển.
Trong đó, đã đầu tư hoàn thành đối với 16 dự án, theo đó nâng công suất các công trình ngành thủy sản (Đầu tư dự án khu neo đậu tránh trú bão, hạ tầng NTTS, chương trình giống thủy sản) với 3.604,8 tỷ đồng: Công suất cảng cá tăng thêm khoảng 620 tàu/năm, lượng hàng qua cảng tăng thêm 55.000 tấn/năm; Công suất Khu neo đậu tránh trú bão tăng thêm khoảng 2.200 tàu; Diện tích NTTS tăng thêm khoảng 4.140 ha; Cơ bản đạt được mục tiêu hiện đại hóa đội tàu cá, đủ sức làm chủ các ngư trường trên Biển Đông. Cụ thể, đội tàu cá đánh bắt xa bờ từ 22.000 chiếc (năm 2014) đã tăng lên trên 31.320 tàu (năm 2020), trong đó có 2.630 tàu có chiều dài trên 24 m, với công suất lớn trang bị hiện đại về kỹ thuật công nghệ. Trong số hơn 9.000 tàu cá xa bờ tăng thêm có 1.031 tàu đóng mới được Ngân hàng thương mại cho ngư dân vay có hỗ trợ lãi suất và có 39 tàu đóng mới được Nhà nước hỗ trợ theo cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư…
Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách nhằm giúp lĩnh vực khai thác thủy sản phát triển bền vững hơn. Ảnh: Như Đồng
Việc thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP có tác động rất lớn đến sự phát triển của ngành. Năm 2021, tổng sản lượng đạt 8,73 triệu tấn (trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,92 triệu tấn, nuôi trồng đạt 4,8 triệu tấn), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4,5%/năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 8,89 tỷ USD, thị trường xuất khẩu mở rộng tới hơn 164 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bình quân ngành thủy sản hàng năm đã tạo thêm việc làm cho khoảng 150.000 lao động.
Phát triển thủy sản còn góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc phòng. Ngư dân hoạt động trên biển chính là những “công dân biển”, khẳng định chủ quyền biển, đảo phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần ngăn chặn và hạn chế tàu, thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, thế nhưng, việc triển khai thực hiện Nghị định 67 nói riêng và phát triển thủy sản nói chung vẫn gặp nhiều vấn đề như: cơ sở hạ tầng thủy sản xuống cấp, quá tải, thiếu cơ sở hạ tầng hiện đại; một số trường hợp chất lượng tàu cá vỏ thép chưa tốt; tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu ở mức cao (nợ quá hạn là 537,8 tỷ đồng chiếm 4,67% tổng vốn vay, nợ xấu 3.430 chiếm tỷ lệ 33% tổng vốn vay)…
Để thực hiện các chủ trương, chính sách, chiến lược về phát triển thủy sản; đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, rất cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, để ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, tạo động lực mạnh mẽ, huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển thủy sản, việc xây dựng và thực hiện “Nghị định về chính sách phát triển thủy sản” thay thế Nghị định 67 là cần thiết.
Việc xây dựng Nghị định trên cơ sở rà soát, đánh giá các chính sách hiện tại hỗ trợ cho phát triển thủy sản để tiếp tục quy định các chính sách đã phát huy hiệu quả trong quá trình thực hiện; quy định các chính sách mới nhằm tạo được cơ chế, chính sách đặc thù, có tính đột phá cho phát triển thủy sản bền vững; gắn phát triển khai thác, nuôi trồng, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản với bảo vệ an ninh quốc phòng trên biển; đồng thời góp phần giải quyết những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thủy sản.
Dự thảo “Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản” thay thế Nghị định 67/2014/NĐ-CP được Bộ NN&PTNT lấy ý kiến của các Bộ, ngành và các địa phương đã được bổ sung một số điểm mới và sửa đổi bổ sung một số nội dung quan trọng để phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển của ngành trong thời gian tới.
Dự thảo đã bổ sung 4 nội dung mới về chính sách gồm: (1) Đầu tư các hạng mục thiết yếu của khu bảo tồn biển; (2) Đầu tư Hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường NTTS; (3) Hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với nuôi biển; (4) Hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Đồng thời, sửa đổi bổ sung 5 nội dung gồm: (1) Làm rõ, chi tiết các hạng mục thiết yếu cụ thể trong đầu tư; (2) Bổ sung đối tượng là chủ các cơ sở NTTS biển, sản xuất giống cá biển vào chính sách hỗ trợ bảo hiểm, đào tạo; (3) Làm rõ việc xử lý đối với các khoản cho vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng và chuyển đổi chủ tàu để cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá (4) Làm rõ đối tượng, cơ chế trong chuyển nhượng tàu cá được đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67; (5) Chuyển từ hỗ trợ theo thực tế sang hỗ trợ một lần đối với chính sách duy tu, sửa chữa tàu vỏ thép.
Cũng về nội dung này, trong công văn trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ NN&PTNT cho biết đã nhận được 72 ý kiến góp ý từ các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, đồng thời tổ chức tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo hồ sơ để gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Bộ dự kiến sẽ trình Chính phủ vào đầu quý IV/2022.
Bảo Hân