T2, 06/07/2020 12:11

Chính sách tam ngư: Hướng tầm nhìn ra biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, hướng tới xây dựng một nghề cá bền vững và có trách nhiệm, chúng ta cần giải quyết đồng bộ 3 vấn đề: Ngư dân, Ngư nghiệp và Ngư trường (Tam ngư). Thực hiện tốt 3 vấn đề này đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược, một chính sách đặc thù và một kế hoạch hành động cụ thể nhằm tạo ra bước đột phá cho nghề cá.

Ngư dân vẫn còn nghèo

Đến năm 2020, riêng dân số vùng ven biển sẽ tăng lên khoảng hơn 30 triệu người, trong đó lao động chiếm gần 19 triệu người. Đây sẽ là lực lượng quan trọng tham gia vào sự phát triển ngành thủy sản và cung cấp nguồn nhân lực cho ngư nghiệp trong tương lai. Hiện nay, trên 66 đảo thuộc 14 huyện đảo có cư dân sinh sống từ lâu đời với số lượng dân khoảng hơn 240.000 người và mật độ dân số trung bình khoảng 100 người/km2. Lực lượng lao động nghề cá trên biển cũng khá dồi dào và ngày càng đa dạng với khoảng 10.000 tàu thuyền đánh cá hoạt động hàng ngày trên khắp vùng biển chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của đất nước

Trong thực tế, dù sống trên “vùng biển bạc”, ngư dân nước ta vẫn chưa thoát nghèo, 18% còn nghèo khó, thu nhập bình quân của 1 ngư dân chỉ đạt khoảng 10 triệu đồng/năm. Nhìn chung trên cả nước, năm 2004 có khoảng 157 xã bãi ngang nghèo nhất nước, nhưng đến năm 2014, số xã nghèo của các tỉnh ven biển không giảm mà còn tăng lên đến 311 xã. Trình độ lao động khai thác hải sản (trừ khối quốc doanh) còn thấp: số lao động có trình độ văn hóa cấp II chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại là trình độ cấp I và chưa biết chữ. Hầu hết ngư dân đi biển theo kinh nghiệm “cha truyền con nối”. Số lao động ngoài quốc doanh (chiếm trên 90% tổng số lao động khai thác) đa số là những người nghèo không mua sắm được phương tiện khai thác, phải đi làm thuê (thợ bạn) cho các chủ tàu. 

Một nghề cá quy mô nhỏ với trên 80% tàu thuyền hoạt động ở các vùng nước gần bờ, nơi chỉ chiếm khoảng 11% diện tích vùng đặc quyền kinh tế, nên áp lực khai thác quá mức ở vùng gần bờ rất cao làm cho nguồn lợi vùng gần bờ suy kiệt nghiêm trọng, khả năng phục hồi rất chậm. Tình trạng đánh bắt có tính tận diệt và hủy diệt vẫn chưa chấm dứt trong các cộng đồng ngư dân, vẫn còn sử dụng các phương tiện đánh bắt hủy diệt nguồn lợi, như: sử dụng chất nổ, xung điện và dùng hóa chất độc khai thác hải sản.

hướng tầm nhìn ra biển

“Biển bạc của ta phải do nhân dân ta làm chủ” – Ảnh: Xuân Trường

 

Trang thiết bị lạc hậu

Sản lượng khai thác hàng năm trên toàn vùng biển khoảng 2,3 triệu tấn, trong đó ở vùng biển ven bờ có độ sâu nhỏ hơn 50 m ước khoảng 1,5 triệu tấn (năm 2000 xác nhận sản lượng khai thác ở vùng nước truyền thống này đã vượt mức sản lượng khai thác cho phép, cao hơn trữ lượng dự tính), còn ở vùng khơi (độ sâu lớn hơn 50 m) sản lượng khai thác đạt 800.000 tấn/năm, thấp hơn trữ lượng dự tính.

Thời gian qua, số lượng tàu cá phát triển một cách tự phát, lượng tàu thuyền khai thác hải sản và tổng công suất máy tàu trong toàn quốc tăng lên không ngừng. Số lượng tàu cá cỡ nhỏ tăng bình quân 2.300 chiếc/năm và số lượng ngư dân trực tiếp khai thác hải sản tăng bình quân 23.155 người/năm. Từ năm 1990 tổng công suất máy tàu đã tăng gấp gần 4 lần, trong khi đó sản lượng khai thác chỉ tăng trên 2 lần, gần đây lại tăng cao hơn. Giá trị bình quân sản lượng khai thác của một mã lực máy tàu bị giảm liên tục từ 0,92 tấn/CV/năm (1990) xuống còn 0,32 tấn/CV/năm (2010). Điều này đã gây sức ép quá lớn đến nguồn lợi và càng làm tăng nguy cơ hủy diệt nguồn lợi thủy sản ven bờ, dẫn đến cạnh tranh trong khai thác hải sản ở vùng biển ven bờ ngày càng ráo riết.

Hiện nay, số lượng tàu đánh cá có khoảng trên 130.000 chiếc, trong đó các tàu công suất máy nhỏ hơn 90 CV chiếm tới 80% tổng số tàu lắp máy trong toàn quốc. Điều này chỉ ra rằng nghề khai thác hải sản nước ta mang nặng tính chất của nghề cá quy mô nhỏ, ngư trường hoạt động chủ yếu là vùng lộng và biển ven bờ.

Với tình trạng của một nghề cá nhỏ, trang thiết bị lạc hậu, mang nặng tư duy của nghề cá thủ công thì khả năng công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất khó khăn. Nghề cá và ngư dân nước ta rất dễ bị tổn thương với thiên tai và nhân tai trên biển.

 

>> Quốc gia biển phải dựa vào công dân biển để “Biển bạc của ta phải do nhân dân ta làm chủ”. Ngư dân đánh cá chính là những con người nơi “đầu sóng ngọn gió” cần được trang bị “tiềm lực” đủ mạnh để tự bảo vệ chính mình khi gặp các sự cố thiên tai và nhân tai bất thường trên biển.

Xu hướng khai thác cạn kiệt

Biển Việt Nam được đánh giá là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển và là một trong 20 vùng biển có nguồn lợi hải sản giàu có nhất toàn cầu. Các hệ sinh thái (HST) biển – ven biển nước ta có năng suất sinh học cao và quyết định hầu như toàn bộ năng suất sơ cấp của toàn vùng biển. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB, 1999) khoản lợi nhuận thuần có thể thu được từ các HST này sơ bộ ước tính là 60 – 80 triệu USD/năm. Đa dạng sinh học và các HST biển nói trên đã cung cấp nguồn lợi hải sản quan trọng cho nền kinh tế đất nước với trữ lượng khoảng hơn 5,07 triệu tấn cá biển và khả năng khai thác bền vững là 2,4 triệu tấn một năm. Ngoài ra, trữ lượng nguồn lợi cá rạn san hô, vùng dốc thềm lục địa, vùng biển sâu >15 0 m và nguồn lợi nhuyễn thể hai mảnh vỏ ven bờ đang được điều tra đánh giá. Nguồnlợicánổinhỏchiếmkhoảng51%,cánổilớnchiếmkhoảng 21%, cáđáyvàhải sảnsốngđáychiếm khoảng27%tổngtrữlượngnguồn lợi. Nguồn lợi nói trên tập trung ở 15 bãi cá lớn quan trọng, trong đó 12 bãi cá phân bố ở vùng biển ven bờ và 3 bãi cá ở các gò nổi ngoài khơi, và các bãi tôm quan trọng ở vùng biển gần bờ thuộc vịnh Bắc bộ và biển Tây Nam Bộ.

Đặc tr­ưng nổi bật nhất về mặt nguồn lợi hải sản ở vùng biển n­ước ta là quanh năm đều có cá đẻ, như­ng thường tập trung vào thời kỳ từ tháng 3 đến tháng 7. Cá biển nư­ớc ta thường phân đàn nhưng không lớn: đàn cá nhỏ dưới 5 x 20 m chiếm 84%, đàn cá lớn cỡ 20 x 500 m – 0,1% tổng số đàn cá. Chính vì thế, nghề cá nước ta đặc trưng là “nghề cá đa loài” và là nghề cá nhỏ gắn bó chặt chẽ với sinh kế của người dân ven biển và trên các hải đảo.

Những nămgầnđây,việcgiatăngcườnglựckhaithác (số lượng tàu thuyền, công suất tàu…) cùngvới việccảitiếnkỹ thuật, phươngtiệnkhaithácngàycànghiệnđại,hiệuquảđánhbắtcaohơnđãlàmchonguồnlợihải sảngiảmsútnghiêmtrọng,đặcbiệtởvùng biển venbờ.Nguồn lợi thủy sản là tài nguyên tái tạo, song không phải là vô tận nếu khai thác không đi đôi với bảo tồn, bảo vệ và phát triển. Áp lực khai thác cao, đặc biệt ở vùng biển ven bờ, có lúc lên đến 30 – 40 tàu cá/km2 và thời gian khai thác gần như quanh năm, nhiều tàu thời gian hoạt động có khi đạt đến 280 – 300 ngày/năm; Tình trạng khai thác bằng các phương tiện, công cụ lạc hậu, phương thức mang tính tận thu, hủy diệt nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sinh còn phổ biến ở các địa phương; Phát triển nhanh các đô thị mới, hoạt động kinh tế của con người ở vùng ven biển, đã và đang gây tác động bất lợi đối với môi trường sống của các loài thủy sinh (ô nhiễm môi trường, nhiều HST bị xâm hại) ở vùng cửa sông, ven biển.

 

Thay đổi tầm nhìn

Tình hình trên cho thấy, khả năng tiếp tục đẩy mạnh khai thác ở vùng biển xa bờ là có căn cứ và là một nhu cầu thực tế của chính các cộng đồng ngư dân và đất nước, thậm chí phải nhanh chóng “ra biển lớn” phát triển nghề cá viễn dương. Đồng thời để quản lý vùng biển rộng lớn của Tổ quốc, việc tăng cường khả năng hiện diện dân sự trên biển là một nhu cầu thực tế khách quan và trở thành một trong những vấn đề có tầm vóc chiến lược.

Cần gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, đảo nói chung với việc hình thành các cộng đồng ngư dân biển và cư dân đảo có khả năng tự quản, tự điều chỉnh linh hoạt và chủ động, góp phần tạo thế trận an ninh, quốc phòng trên các vùng biển chủ quyền của Tổ quốc. Theo cách tiếp cận trên, thời gian tới ngành thủy sản cần chú trọng giải quyết đồng bộ cả ba vấn đề (tam ngư): ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường trong quá trình phát triển kinh tế thủy sản hướng tới một nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở nước ta.

Nước ta đang trong quá trình thực hiện chính sách Tam nông, bao gồm cả “tam ngư”. Trên thực tế, ba vấn đề ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường khác về bản chất với ba vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Đối tượng khác nhau đòi hỏi chính sách cũng phải khác nhau. Nhà nước nên sớm ban hành Chính sách Tam ngư vì đây là vấn đề mang tính đặc thù và có tầm chiến lược rất lớn đối với ngư dân và nghề cá nước ta trong bối cảnh Biển Đông và để thích ứng với những biến động toàn cầu (biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương). Nếu chú trọng giải quyết tốt, chính sách như vậy sẽ tạo động lực để góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh, giàu từ biển trong vài thập niên tới.

>> PGS.TS Nguyễn Chu Hồi

PGS.TS Nguyễn Chu HồiNăm 1973, sau khi tốt nghiệp đại học, ông bắt đầu gắn bó với biển bằng công việc của một cán bộ nghiên cứu, rồi được cử đi Ba Lan làm nghiên cứu sinh về biển. Trở về với học vị tiến sĩ, ông được cử làm tại Trạm Nghiên cứu biển Vịnh Bắc bộ. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Trải qua nhiều cương vị khác nhau, từ nhà nghiên cứu, ông trở thành nhà quản lý, rồi nhà giáo, nhưng tất cả đều gắn với biển và ở lĩnh vực nào ông cũng dành rất nhiều tâm huyết, cũng có những công trình nghiên cứu giá trị cao. Như các nghiên cứu về môi trường và tài nguyên biển, vùng ven biển và hải đảo; phát triển nghề cá bền vững; quản lý tổng hợp biển và vùng bờ biển; quy hoạch sử dụng biển, vùng ven biển, bao gồm quy hoạch không gian biển. Hiện dù nghỉ hưu, nhưng ông vẫn tiếp tục giảng dạy cho sinh viên tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội với những vấn đề về biển.

PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!