Chờ một cuộc “đại phẫu”

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Một nhận xét chung cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong hơn 4 tháng đầu năm nay là “ảm đạm”, điều này được thể hiện bằng số tiền giao dịch sau một phiên chỉ ở mức vài ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư lạc quan thì họ đã thấy được “ánh sáng ở cuối đường hầm” vì đơn giản là theo họ “khi cùng sẽ ắt biến”, mà “biến thì ắt thông”.

Chờ tin vui từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Dạo quanh một vòng các công ty chứng khoán trên đường Nguyễn Công Trứ, Q.1, TP.HCM, vốn được dân đầu tư tài chính gọi nôm na là “Phố Wall của Việt Nam” thì dễ dàng nhận thấy số lượng khách hàng (nhà đầu tư) đến tìm hiểu, giao dịch thưa thớt. Anh Lê Văn Vĩnh, một nhân viên giữ xe trên đoạn đường này cho biết, trước đây, lượng xe máy của khách hàng chen chúc, dựng hết cả lối đi, còn nay thì thưa thớt và không biết bao giờ mới đến thời kỳ hoàng kim như năm 2008.

Do thị trường chứng khoán đang trong tình trạng “bão giông” nên nhiều nhà đầu tư án binh bất động để chờ tín hiệu tốt. Anh Nguyễn Hoàng Long, nhà đầu tư tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, do chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua nên thị trường chứng khoán vào thời điểm này không thu hút được nguồn vốn đầu tư.

“Với lãi suất ngân hàng cao như hiện nay thì nhà đầu tư chẳng dại gì mà đầu tư chứng khoán. Họ chỉ quay lại sàn (chứng khoán) khi có những thông tin tốt từ thị trường mà thôi. Theo tôi biết, UBCK Nhà nước đang xây dựng đề án cấu trúc thị trường chứng khoán và khi thông tin này được công bố thì chắc chắn nhà đầu tư sẽ quay lại với hai sàn. Vấn đề ở đây là khi nào thì những thông tin này được công bố”, ông Long cho biết.

“Ảm đạm” thị trường chứng khoán những tháng đầu năm        Ảnh: Trung Kiên

 

Kịch bản chính?

Theo UBCK Nhà nước thì lần tái cấu trúc thị trường lần này sẽ có 3 kịch bản chính. Thứ nhất, UBCK Nhà nước sẽ hợp nhất hai sàn HOSE và HNX thành một sàn giao dịch chứng khoán duy nhất. Nghĩa là cả hai sàn đều sử dụng một nền tảng công nghệ, tiêu chuẩn, nhân sự, thành viên. Nếu áp dụng cách này thì thị trường chứng khoán nước ta sẽ đi theo mô hình hoạt động của thị trường chứng khoán thế giới. Ở một khía cạnh khác là sẽ tạo một thị trường chứng khoán lớn, đa dạng về hoạt động nhưng sẽ tạo ra tình trạng độc quyền của sàn giao dịch chứng khoán.

 Kịch bản thứ 2 là thành lập công ty mẹ sở hữu 100% vốn của hai sàn giao dịch TP.HCM và Hà Nội cùng trung tâm lưu ký. Trong đó, những công ty con hoạt động độc lập với công ty mẹ nhưng vẫn nằm dưới quyền quản lý, quản trị của công ty mẹ. Mô hình này tuy đảm bảo về hệ thống quản trị, công nghệ nhưng khó phân biệt được rạch ròi những hoạt động của công ty mẹ, công ty con. Và kịch bản cuối cùng là để hai sàn TP.HCM và Hà Nội hoạt động độc lập như hiện nay và thành lập một sàn chứng khoán riêng biệt cho những sản phẩm tái sinh. Điểm nổi bật của cách làm này là không gây xáo trộn thị trường, không tạo tính độc quyền như kịch bản thứ nhất nhưng sự cạnh tranh của hai sàn Nam, Bắc sẽ gây ra những tổn hại cho thị trường và xã hội.

 

Và giải pháp thực sự?

Để thị trường chứng khoán phát triển ổn định trong một thời gian dài thì đầu tiên phải ổn định được kinh tế vĩ mô, đưa ra thị trường những sản phẩm mới để thu hút nhà đầu tư. Bên cạnh đó, xem xét lại hoạt động của các công ty chứng khoán vốn được thành lập, đặc biệt, trong thời kỳ thị trường chứng khoán phát triển nhanh trong 2 năm 2008 và 2009.

Hiện cả nước có khoảng 110 công ty chứng khoán, một con số quá lớn so với quy mô thị trường chứng khoán ở nước ta. Việc chọn lọc những công ty đủ lực để đứng vững trên thị trường cũng là một cách để thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Điều này từng xảy ra đối với thị trường chứng khoán tại những nước trong khu vực như Thái Lan, Đài Loan. Cụ thể, Thái Lan ban đầu có hơn 200 công ty chứng khoán, sau cuộc cải cách đã loại khỏi cuộc chơi hơn 150 công ty. Còn Đài Loan ban đầu cũng có đến gần 280 công ty chứng khoán hoạt động nhưng nay chỉ còn 48 công ty.

Như vậy, ở mức độ nào đó, để thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả thì số công ty chứng khoán của nước ta cũng chỉ nên giao động ở mức trên dưới 50 công ty.

>> Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, để giúp doanh nghiệp (sâu xa hơn là cả nền kinh tế) không bị sụp đổ theo hiệu ứng Domino từ thị trường tài chính thế giới, Chính phủ đã bơm một lượng tiền lớn ra thị trường, kèm theo đó là chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi đi qua cuộc khủng hoảng, nền kinh tế đối mặt với lạm phát. Lúc này, Chính phủ bắt buộc phải đưa ra chính sách tiền tệ thắt chặt bằng cách tăng lãi suất tiền gửi để thu dòng tiền nhàn rỗi trong dân. Hậu quả là thị trường chứng khoán rơi vào cảnh “chợ chiều” như thời gian qua.

Nguyễn Khởi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!