Gần 20 năm nay, mặc dù đã có nhiều “chiến dịch” ngăn chặn nạn đưa tạp chất vào tôm, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn. Theo ngành chức năng các tỉnh, muốn triệt để đẩy lùi vấn nạn này thì cần có những giải pháp “cứng rắn” hơn nữa.
Lực lượng chức năng bắt quả tang một cơ sở đưa tạp chất vào tôm ở tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: N.Q
Công khai tổ chức, cá nhân vi phạm
Việc đưa tạp chất vào tôm gây ảnh hưởng xấu đến uy tín – thương hiệu tôm Việt và gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng, gây bức xúc, bất bình trong xã hội.
Tôm có chứa tạp chất (agar, CMC) sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm phát triển, khiến người ăn dễ bị mắc một số bệnh như thương hàn, tiêu chảy, nhiễm trùng máu và gây hại đến gan, thận… Chính vì vậy, công tác tuyên truyền về tác hại của việc đưa tạp chất vào tôm là hết sức cần thiết.
Ông Trần Quốc Hội – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Thông qua công tác tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và phối hợp kiểm tra, kiểm soát, đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức từ các chủ cơ sở sản xuất – kinh doanh thủy sản và người dân.
“Tỉnh đã tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thu gom, sơ chế, bảo quản, chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh thực hiện cam kết nói không với nguyên liệu thủy sản có chứa tạp chất. Đặc biệt, danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, để có tác dụng cảnh báo, răn đe” – ông Hội thông tin.
Các tạp chất đưa vào tôm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: N.Q
Còn theo ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, cần phát huy tốt vai trò Hội Chế biến xuất khẩu, Hội Thủy sản, các đoàn thể xã hội và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của nhà nước và của ngành, nhất là việc tổ chức ký và thực hiện cam kết nói không với tạp chất của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong ngành tôm.
4 tỉnh ĐBSCL bắt tay chấm dứt bơm tạp chất vào tôm
Tuy nhiên, qua thực tế, các tỉnh đều cho rằng xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất chưa đủ tính răn đe. Lãnh đạo các tỉnh kiến nghị Quốc hội và các bộ, ngành có liên quan xem xét đưa hành vi này vào xử lý hình sự.
Ngoài ra, Bộ NNPTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan tiến hành tổ chức kiểm tra tất cả các nhà máy chế biến thủy sản trên phạm vi toàn quốc về việc thu mua tôm có chứa tạp chất và có biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Tổ kiểm tra tạp chất của Bộ tăng cường nhiều hơn công tác kiểm tra tạp chất tại nhà máy chế biến thủy sản.
Cuối tháng 5 vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NNPTNT, Sở NNPTNT của 4 tỉnh gồm Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang đã ký kết phối hợp ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất, nhằm hướng đến liên kết kiểm tra các cơ sở thu mua tôm, nhất là các xe vận chuyển tôm có chứa tạp chất đi từ tỉnh này sang tỉnh khác. Mục tiêu của 4 tỉnh trên là đến năm 2018 phải chấm dứt vấn nạn này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Kim Hoàng Thanh – Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Kiên Giang, thông tin: Ngoài phần lớn tôm nguyên liệu có tạp chất được xuất qua Trung Quốc, một phần được các cơ sở thu gom đưa tiêu thụ thị trường nội địa. Cá biệt ở tỉnh Kiên Giang, tôm tạp chất được xuất sang nước bạn Campuchia do thị trường tiêu thụ tôm tăng trong một vài năm gần đây.
“Lực lượng chức năng Campuchia đang tăng cường kiểm tra rất chặt chẽ và sẽ tiêu hủy nếu phát hiện có chứa tạp chất đối với lượng tôm nhập từ nước ta” – ông Thanh thông tin thêm.
Cũng theo ông Thanh, đơn vị kiến nghị xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nếu còn để xảy ra tình trạng bơm chích tạp chất, sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất tại địa bàn do mình quản lý. “Chúng tôi rất mong nhận được nhiều hơn nữa thông tin tố giác của người dân qua đường dây nóng để xử lý hiệu quả, triệt để các vụ việc vi phạm về tạp chất trên địa bàn tỉnh” – ông Thanh Nói.
>> Theo Sở NNPTNT các tỉnh, cần có sự phối hợp, hỗ trợ một cách thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các tỉnh có địa bàn giáp ranh với nhau trong công tác đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất. |