Các địa phương đang nỗ lực khắc phục những khuyến nghị về chống khai thác IUU để có thể gỡ “thẻ vàng” sau đợt kiểm tra thứ ba dự kiến từ ngày 25/5 – 5/6/2020 của Ủy ban châu Âu (EC) và đáng phấn khởi là qua đó ngày càng rõ mục tiêu cao nhất: Bảo vệ nguồn lợi hải sản.
Khai thác có quản lý
Ban chỉ đạo về IUU tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh có 1.331 tàu đánh bắt trên biển dài từ 15 m trở lên, đến giữa tháng 3/2020, mới có 114 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, đạt 8,6%. Trong đó, 107/107 tàu có chiều dài từ 24 m trở lên được lắp đặt nhưng 6 tàu không duy trì kết nối, 7/1.224 tàu có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m được lắp đặt. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cao Thanh Thọ thừa nhận, hoạt động đánh bắt hải sản như thế chưa được quản lý tốt, nghề cá nhân dân chưa chuyển sang nghề cá có trách nhiệm.
Vẫn còn nhiều tàu cá vi phạm khai thác thủy sản tận diệt. Ảnh: CTV
Tỉnh Quảng Nam có 3.039 tàu cá; gồm tàu từ 6 m đến dưới 12 m là 1.594 chiếc, tàu từ 12 m đến 15 m là 697 chiếc và tàu có chiều dài từ 15 m trở lên là 748 chiếc. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ngô Văn Định cho biết, trong tổng số 91.500 tấn hải sản khai thác mỗi năm thì lượng khai báo, kiểm soát tại cảng chỉ có gần 1.800 tấn, còn lại ngư dân có thói quen bán sản phẩm cho các nậu, vựa vùng gần cửa biển, bãi ngang, bến cá. Ông Định thừa nhận, việc kiểm tra, giám sát sản lượng tại cảng cá chưa nhiều tức là khai thác hải sản chưa được quản lý tốt.
Tỉnh Quảng Ngãi có bờ biển 130 km với 6 cửa sông và có 5.571 tàu đánh cá, trong đó tàu dài trên 15 m là 3.358 chiếc, sản lượng khai thác năm 2019 là 250.667 tấn, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mới đạt hơn 8%. Số lượng tàu cá như thế còn quá lớn, cơ cấu nghề lại không hợp lý làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản nhất là nguồn lợi thủy sản tầng đáy và nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ.
Chống khai thác “tận diệt”
Khó khăn nhất là tình trạng tàu cá không đăng ký, thường được gọi là “tàu cá không số”. Đó là những tàu cá do ngư dân đóng “lụi”, lắp máy Trung Quốc rồi đi khai thác thủy sản ngoài vòng kiểm soát của ngành chức năng. “Hiện, Bình Định còn nhiều tàu cá loại này, nhất là tại 2 huyện Tuy Phước và Phù Cát. Do chủ tàu không đăng ký nên ngành chức năng không thể biết chính xác có bao nhiêu chiếc loại này. Cũng vì không đăng ký nên việc điều tra rất khó. Qua thực tế, ước tính số tàu này hiện khoảng trên 500 chiếc đang hoạt động. Hành vi khai thác bất hợp pháp không chỉ riêng tàu đánh bắt xa bờ, mà nếu “tàu không số” hoạt động không đúng quy định thì vẫn là khai thác bất hợp pháp, nếu EC phát hiện thì nỗ lực gỡ “thẻ vàng” cũng sẽ trở thành công cốc”.
Vấn đề bảo vệ nguồn lợi hải sản được cấp thiết đặt ra và Kiên Giang đang nghiên cứu ban hành quy định về cấm biển theo thời gian và tăng cường xử phạt khai thác thủy sản “tận diệt”. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu tham mưu đề xuất ban hành quy định về cấm biển theo vùng, theo thời gian trên địa bàn. Đồng thời, có kế hoạch tổ chức đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra và xử lý tàu cá đánh bắt trái phép trong vùng biển Kiên Giang, thời gian cao điểm có thể từ 3 – 6 tháng. Theo đó, tại tất cả địa phương sẽ xử lý nghiêm và triệt để tình trạng khai thác thủy sản có tính chất “tận diệt” trên địa bàn.
>> Trong năm 2018, ngành chức năng tỉnh Bình Định đã tổ chức 49 chuyến tuần tra, kiểm soát 348 lượt tàu cá, phát hiện và xử lý 78 trường hợp vi phạm, phạt tiền 120 triệu đồng. Năm 2019, tổ chức 46 chuyến tuần tra, kiểm soát; kiểm tra 627 lượt tàu cá, ngăn chặn kịp thời 11 phương tiện giã cào có dấu hiệu vi phạm, xử phạt vi phạm 70 trường hợp với số tiền hơn 225 triệu đồng. Tuy nhiên, tình hiện đến nay vẫn khá phức tạp. |
Thanh Hải