(TSVN) – Chiều 1/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển về chống khai thác IUU.
Tại Hội nghị, các địa phương, bộ, ngành, nhà khoa học đã tập trung thảo luận những hạn chế, khó khăn trong xử lý vi phạm khai thác IUU. Nội dung trọng tâm được đưa ra bàn luận là tình trạng, giải pháp ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm khai thác hải sản vùng biển nước ngoài; công tác quản lý hoạt động tại cảng cá; công tác chứng nhận, xác nhận và truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác; việc theo dõi, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống VMS…
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, EC ghi nhận và đánh giá cao quyết tâm chính trị của Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ NN&PTNT đã phối hợp tốt với các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo và tổ chức triển khai nhiều giải pháp tích cực để chống khai thác IUU; chuẩn bị tốt nội dung, kế hoạch, chương trình làm việc với Đoàn Thanh tra của EC, cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan đảm bảo tính minh bạch, trung thực và khách quan. EC nhận định tình hình chống khai thác IUU tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn rất nhiều so với lần thanh tra thực tế lần thứ 2 vào năm 2019, như: Đã hoàn thiện khung pháp lý; công tác theo dõi, quản lý đội tàu, giám sát sản lượng lên bến; thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước và nhập khẩu; công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được cải thiện và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống giám sát tàu cá đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, chia sẻ, kết nối giữa các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan. Tính đến nay, cả nước đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đạt 95,27% (tăng 5,01% so năm 2021), đánh dấu 88.545/91.716 tàu cá (đạt 96,5%). Các địa phương đã làm tốt, giảm đáng kể các vụ việc tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài như: Phú Yên, Tiền Giang. Việc thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương. Từ đầu năm 2022 đến nay, các đơn vị chức năng xử phạt gần 1.000 vụ với tổng số trên 16 tỷ đồng. Một số tỉnh xử phạt vi phạm hành chính tương đối nghiêm như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức thực hiện sâu rộng, có phương pháp phù hợp, huy động sức mạnh tổng hợp trong việc chống IUU
Tuy nhiên, Việt Nam cần rà soát, điều chỉnh một số quy định pháp lý. Đội tàu lớn so với lượng nguồn lợi. Việc đăng ký, đăng kiểm chưa hoàn thành. Tình trạng tàu cá mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển vẫn diễn ra phổ biến nhưng công tác điều tra, xử lý vi phạm hành chính tại địa phương còn rất hạn chế so với các vụ việc vi phạm. Công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng còn chưa chặt chẽ, tỷ lệ giám sát sản lượng lên bến còn thấp. Việc ghi, nộp và chất lượng nhật ký khai thác chưa đạt yêu cầu… Đặc biệt, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra, diễn biến phức tạp, chưa hoàn thành được nhiệm vụ Thủ tướng giao (chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài trước 30/12/2021); chưa đưa ra xử lý các trường hợp có hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài để răn đe, giáo dục.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC sang Việt Nam thanh tra lần thứ 4 (dự kiến tháng 4/2023) có kết quả tốt, sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC; Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến tháng 4/2023. Theo đó, Bộ NN&PTNT khẩn trương tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch chi tiết các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm giải quyết triệt để các tồn tại, hạn chế về chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC. Tổ chức các Đoàn công tác liên ngành kiểm tra, giám sát tình hình triển khai các quy định chống khai thác IUU tại các Bộ, ngành và địa phương, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn khắc phục các tồn tại, hạn chế; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về IUU kết quả thực hiện. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương có liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài trước 31/3/2023. Bộ Công an điều tra, xử lý dứt điểm các hành vi môi giới, móc nối, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép. Lập danh sách ngư dân bị nước ngoài bắt giữ được trao trả về nước để theo dõi, quản lý chặt chẽ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu, tránh các trường hợp tái phạm. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo chống khai thác IUU.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần nâng cao nhận thức trong việc thực hiện công tác chống khai thác IUU không phải để đối phó với EC mà là nhằm đảm bảo lợi ích cho quốc gia, người dân, nâng cao hình ảnh của đất nước, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Qua đó, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc và huy động sức mạnh nội lực để triển khai thực hiện hiệu quả. Bộ NN&PTNT phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý theo khuyến nghị của EC, phù hợp với tình hình thực tế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong chống khai thác IUU. Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát tàu cá để theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển; phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan xử lý nghiêm các tàu cá cố tình vượt ranh giới trên biển. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo chống khai thác IUU; cấp ủy, chính quyền cấp xã phải chịu trách nhiệm chính, cần sâu sát, nắm vững địa bàn; kiểm điểm trách nhiệm của những bộ, ngành, địa phương thực hiện yếu kém trong chống khai thác IUU để tạo tính răn đe; rà soát, phân loại chuyển đổi nghề phù hợp để đảm bảo sinh kế cho người dân; cơ cấu lại nợ vay, hỗ trợ lãi suất trong đóng tàu giúp ngư dân yên tâm bám biển…
Hồng Hạnh