T3, 25/06/2024 03:52

Chống khai thác IUU: Quyết tâm không để lọt lưới tàu cá vi phạm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sáng ngày 25/6 tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Tư lệnh Biên phòng đồng tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp phối hợp quản lý, giám sát tàu cá giữa các tỉnh và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, xử lý vi phạm hành chính chống khai thác IUU”.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đồng chủ trì Hội nghị. Chương trình cũng được kết nối trực tuyến tới 28 điểm cầu tại 28 tỉnh, thành địa phương ven biển. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đồng chủ trì Hội nghị

Đã chuyển biến nhưng còn chậm 

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng cho biết: Sau gần 07 năm (kể từ ngày 23/10/2017) thực hiện nhiệm vụ gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, trải qua 04 đợt thanh tra của EC (lần thứ 4 vào tháng 10/2023), đến nay tình hình chống khai thác IUU của nước ta đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. 

Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng trình bày công tác quản lý hoạt động tàu cá và thực thi pháp luật thủy sản

Trong đó, đã rà soát, thống kê cơ bản số đội tàu, tính đến nay cả nước có khoảng 86.820 chiếc, số tàu từ 15 m trở lên được lắp thiết bị giám sát hành trình đạt tỷ lệ 98,25%. Các đơn vị đã tổ chức trực ban, theo dõi, giám sát hoạt động của tàu ra vào càng. Hệ thống giám sát tàu cá được phân quyền cho các cơ quan, lực lượng chức năng liên quan, trong đó có lực lượng biên phòng từ Trung ương đến địa phương. Đã đưa ra khởi tố 4 vụ việc liên quan đến môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài,…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số nhiệm vụ vẫn còn chuyển biến rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC. Trong đó có việc kiểm soát, quản lý hoạt động tàu cá ra vào cảng, xuất nhập bến và thực thi pháp luật, xử lý vi phạm khai thác IUU chưa thật sự hiệu quả, chưa đảm bảo tính nghiêm minh; sự phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật trong tỉnh và giữa các tỉnh chưa chặt chẽ. 

Đến nay, chúng ta vẫn chưa hoàn thành đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị VMS và chưa xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”. Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Quang Hùng, hiện cả nước mới theo dõi, giám sát được khoảng 50% hoạt động của tàu cá, tình trạng tàu vi phạm hoạt động sai vùng xảy ra thường xuyên với số lượng lớn, đặc biệt tại các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh,… Chất lượng nhật ký hầu hết chưa đảm bảo độ tin cậy trong truy xuất nguồn gốc. Đáng lo ngại, tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng. 

Đại tá Dương Thế Võ, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Bộ Chỉ huy biên phòng báo cáo công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động tàu cá

Tại Hội nghị, Đại tá Dương Thế Võ, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng cho biết, thời gian qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng tại các trạm kiểm soát đã kiểm tra, kiểm soát chặt tàu xuất nhập bến, bảo đảm toàn bộ tàu cá ra khơi có đầy đủ giấy tờ, trang thiết bị an toàn kỹ thuật theo quy định. Tuy nhiên, khi hoạt động trên biển bị các lực lượng chức năng kiểm tra thì lại xảy ra tình trạng tàu cá thiếu giấy tờ, vô hiệu hóa hoặc tháo gỡ thiết bị VMS sang tàu cá khác để đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, khai thác sai vùng hoặc trục lợi chính sách. Đại tá Dương Thế Võ chỉ ra một số rào cản khiến tình trạng này vẫn còn xảy ra đó là do vùng biển Việt Nam có địa hình phức tạp, các chuyến đi biển thường kéo dài, cá biệt có tàu hoạt động trên biển tới 3 tháng gây khó khăn trong quản lý, tiếp xúc tuyên truyền.

Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đại diện cho các đơn vị thực thi, Bộ đội Biên phòng, Ban quản lý cảng cá tại các đại phương đã chỉ ra một số nguyên nhân khiến công tác chống khai thác IUU vẫn còn hạn chế. Điển hình là do việc kiểm soát, quản lý hoạt động của tàu cá và thực thi pháp luật, xử lý vi phạm khai thác IUU chưa nghiêm, chưa có sự thống nhất và đồng đều giữa các tỉnh. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng chức năng của thủy sản, biên phòng tại một số địa phương và giữa các địa phương ven biển chưa tốt, chưa thực hiện nghiêm chức trách nhiệm vụ được giao. 

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng đó là tuyên truyền tới ngư dân, giúp họ hiểu, tuân thủ đúng luật thủy sản

Liên quan đến vấn đề xử phạt do mất kết nối VMS, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng: “Tất cả các bên đều có trách nhiệm để làm. Quy định xử phạt hiện đã có đầy đủ, chúng ta cần thống nhất ngăn chặn sớm từ bờ, biển dài mênh mông nếu không tuyên truyền tốt cho người dân hiểu cụ thể để thực thi pháp luật thì rất khó.” Do vậy, Cục trưởng Cục Thủy sản đề xuất Bộ đội Biên phòng hỗ trợ đăng ký tàu cá, kiểm soát tại cảng ra, cảng vào để loại trừ, đưa ra nhóm tàu có nguy cơ vi phạm để tập trung tăng cường năng lực giám sát các tàu này trong quá trình hoạt động thực tế.

Phối hợp chặt chẽ, thực chất từ nhiều phía 

Qua nghe ý kiến tham luận từ các đơn vị, Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết: “Bộ đội Biên phòng đã và đang chỉ đạo quyết liệt các biện pháp nhằm chống IUU hiệu quả. Trong đó, chú trọng các nhiệm vụ như kết hợp nhiều biện pháp tuyên truyền cho ngư dân trên biển, phối hợp cùng các ngành duy trì pháp luật, hoàn thiện thể chế. Đồng thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm, tăng cường tuần tra trên biển nhất là vùng biển giáp ranh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kết nối mật thiết với các cảng cá để làm tốt công tác quản lý hoạt động tàu ra, vào tại cảng. Sau khi nghe báo cáo về kết quả thực hiện, chúng tôi cũng đề nghị các đơn vị phối hợp thực hiện nghiêm hơn nữa, làm quyết liệt hết sức với trách nhiệm của mình để công tác chống IUU sắp tới sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.”

Thứ trưởng Tiến khẳng định, muốn gỡ thẻ vàng thì việc phối hợp giữa các đơn vị trong việc thực thi pháp luật là rất quan trọng

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, hiện nay chúng ta đã có đầy đủ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, do vậy để tiến tới sớm được EC gỡ thẻ vào vàng tháng 9, rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng, kiểm ngư, thủy sản, địa phương cảng cá, thanh tra, cảnh sát biển, công an,… Cần có chế tài xử phạt thật nghiêm, không để lọt lưới tàu cá vi phạm.

Trước mắt, đề nghị cần rà soát lại đội tàu cá đang hoạt động tại các tỉnh, số liệu thống kê báo cáo cần đồng nhất, rõ ràng. Địa phương nào làm tốt thì biểu dương, địa phương làm chưa được thì nhắc nhở, thậm chí kỷ luật. Việc ứng dụng công nghệ số như phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản, thiết bị kết nối hành trình VMS cũng cần được phổ biến rộng rãi, đi vào thực chất. Đề nghị Cục Thủy sản, Biên phòng phối hợp chặt chẽ để tuyên truyền tới các ngư dân nắm được, thực hiện sao cho hiệu quả. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh. 

Thùy Khánh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!