(TSVN) – Các địa phương đang rốt ráo triển khai nhiều giải pháp quyết liệt chống khai thác IUU, song song với khắc phục những khó khăn tồn tại và kỳ vọng vào một kết quả khả quan cho nghề cá trong nước.
Đà Nẵng có 1.192 tàu cá đã đăng ký, trong đó có 286 tàu khai thác ven bờ, 311 tàu khai thác vùng lộng, 595 tàu khai thác vùng khơi. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá khai thác vùng khơi được hoàn thành. hiện số lượng tàu cá khai thác ở vùng khơi chiếm 50% tổng số tàu cá của Thành phố hàng năm cung cấp 35.000 – 36.000 tấn hải sản, giúp giải quyết việc làm 6.000 lao động, góp phần thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch.
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về chống khai thác bất hợp pháp. Ảnh: Lê Khoa
Theo Sở NN&PTNT thành phố, để chống khai thác IUU, Đà Nẵng tập trung rà soát, thống kê để quản lý chặt chẽ các đội tàu, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác trái tuyến, vượt ranh giới. Khi phát hiện tàu cá vi phạm thì lực lượng chức năng xử lý nghiêm rồi mới cho bốc dỡ thủy sản xuống cảng. Hằng ngày tại âu thuyền và cảng cá luôn có lực lượng kiểm tra tàu thuyền cập bến, xuất bến, kiểm tra nhật ký khai thác. Nhờ triển khai tốt các biện pháp, đến nay Đà Nẵng không có tàu cá vi phạm khai thác tại vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.
Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, như hỗ trợ đóng mới tàu cá, chi phí nhiên liệu, bảo hiểm thân tàu, thuyền viên, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác và bảo quản sản phẩm; hỗ trợ thiết bị thông tin liên lạc, giám sát hành trình, chuyển đổi nghề khai thác…
Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thông tin, thời gian tới, để hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển và góp phần cùng cả nước gỡ ‘thẻ vàng’, Đà Nẵng sẽ tập trung thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch phòng, chống khai thác IUU tại thành phố giai đoạn 2023 – 2025; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản. Đồng thời nghiên cứu xây dựng và phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị của sản phẩm và lợi nhuận cho ngư dân.
Đồng hành cùng các địa phương trên chặng được chống khai thác bất hợp pháp, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có nhiều nỗ lực tuyên truyền ngư dân ý thức tuân thủ pháp luật khi hành nghề trên biển.
Theo Sở NN&PTNT Bà Rịa – Vũng Tàu, số lượng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp đã giảm mạnh so với trước đây. Cụ thể, từ khi tỉnh ký kết quy chế phối hợp với các lực lượng chấp pháp trên biển năm 2022 đến nay, số lượng tàu cá vi phạm giảm hẳn so với trước đây. Điều đó cho thấy, ý thức của bà con ngư dân đã tăng lên và việc kiểm tra, kiểm soát từ trên bờ, xuống biển, đặc biệt là vùng biển giáp ranh với các nước đã thực hiện nghiêm ngặt, hiệu quả hơn.
Các địa phương rốt ráo triển khai các biện pháp chống khai thác IUU để đón đoàn thanh tra EC. Ảnh: Shutterstock
Một trong những giải pháp cũng được địa phương tích cực triển khai trong thời gian qua đó là việc cấp số tạm cho nhóm tàu cá “3 không”. Theo đó, tính từ thời điểm giữa tháng 3 đến nay, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với các địa phương, Đồn Biên phòng các địa phương ven biển đã triển khai việc cấp số tạm cho tàu cá “3 không” có chiều dài từ 6m trở lên. Các địa phương đang thực hiện triển khai là: thành phố Vũng Tàu, huyện Long Điền, huyện Đất Đỏ, huyện Xuyên Mộc… Điều này không chỉ giúp các địa phương quản lý tốt hoạt động khai thác thủy sản, mà còn giúp các bộ phận, cơ quan chức năng kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm khai IUU, đánh bắt sai vùng, sai tuyến.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện trên địa bàn tỉnh có 1.095 tàu cá “3 không.” Cụ thể, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m đến dưới 12 m là 1.030 tàu; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 m đến dưới 15 m: 57 tàu; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên là 8 tàu.
Để đảm bảo thống kê, theo dõi, kiểm soát tàu cá, sản lượng khai thác thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì thiết kế, hướng dẫn triển khai “Ứng dụng số hóa trên nền tảng Google Sheets”. với ứng dụng này, số hóa sản lượng đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, nâng cao tỷ lệ thủy sản khai thác của tỉnh được thống kê. Từ chiếm 27% trên tổng sản lượng khai thác của tỉnh (giám sát sản lượng tại cảng cá chỉ định), hiện đã tăng lên 52,3% tổng sản lượng khai thác toàn tỉnh (thống kê từ các cảng cá chỉ định do Nhà nước quản lý và cảng cá tư nhân).
Mới đây, ngày 4/4, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức Hội nghị phát động phong trào thi đua chống khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn tỉnh. Hội nghị đã triển khai dự thảo kế hoạch phát động phong trào thi đua thực hiện Chỉ thị số 17, ngày 26/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn tỉnh (Chỉ thị số 17). Trong đó, có 7 nội dung và 4 tiêu chí tính điểm thi đua. Đối với 7 nội dung thực hiện gồm: Tổ chức tuyên truyền; thực hiện ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản; vận động nhân dân giao nộp các vật liệu nổ, công cụ kích điện, ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm; phát triển và tái tạo nguồn lợi thủy sản; xây dựng mô hình thí điểm đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh và phối hợp xử lý tình trạng khai thác nguồn lợi thủy sản bất hợp pháp và tận diệt.
Vân Anh (Tổng hợp)