(TSVN) – Tôm là loài giáp xác có thân nhiệt thay đổi theo nhiệt độ môi trường nước. Do vậy, nhiệt độ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng sinh trưởng và phát triển của tôm. Nhất là vào những thời điểm nắng nóng, nhiệt độ nước tăng cao, người nuôi nên thực hiện các biện pháp chống nóng cho tôm nhằm tránh tình trạng tôm bị stress hay suy yếu do sốc nhiệt độ.
Nhiệt độ tăng, giảm đột ngột sẽ gây sốc cho tôm, làm tỷ lệ sống và khả năng đề kháng bệnh của tôm thấp hơn nhiều so với tôm sống trong điều kiện nhiệt độ thích hợp. Nhiệt độ nước cao làm tăng khả năng trao đổi chất, do đó tăng tiêu hao ôxy. Tăng mẫn cảm với virus, vi khuẩn gây bệnh cho tôm. Nhiệt độ nước cao còn là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn, virus gây bệnh cho tôm phát triển; Nhiệt độ nước cao còn ảnh hưởng đến sự chuyển tải ôxy trong nước. Trong trường hợp nắng nóng kéo dài làm các loại tảo trong ao phát triển mạnh (nhiều loại tảo có hại) làm giảm lượng ôxy hòa tan trong nước.
Đồng thời, nắng nóng kéo dài cũng làm cho nhiệt độ môi trường nước tăng lên, các chất hữu cơ tích tụ ở đáy ao sẽ phân huỷ mạnh, quá trình phân hủy chất hữu cơ không chỉ tiêu hao nhiều ôxy trong nước mà còn thải ra các khí độc ở đáy ao như: Cacbonic (CO2), Hydro sulfide (H2S), Amoniac (NH3), Metan (NH4)… khuếch tán vào nước gây ngộ độc cho tôm, làm suy giảm sức đề kháng, tôm nuôi dễ bị nhiễm bệnh.
Che lưới chống nóng cho tôm làm giảm lượng nhiệt và ánh sáng chiếu trực tiếp lên mặt ao. Ảnh: ST
Khi thời tiết nắng nóng cũng là thời điểm dễ gây hiện tượng tôm bị đục cơ. Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này chính là thói quen kiểm tra tôm bằng sàng, vó của người nuôi vào lúc nhiệt độ cao. Mỗi lần nhấc tôm lên khỏi mặt nước, chúng thường có phản xạ búng mạnh lên và một số con sẽ bị cong thân khi gặp phải mức nhiệt độ cao. Phần đuôi tôm uốn cong chạm đến giáp ngực, cơ chạy dọc cơ thể trở nên trắng đục. Khi trở lại nước, chúng không thể tự duỗi thẳng nên sẽ bị chết.
Đặc biệt, mùa hè thường xuất hiện các cơn mưa rào với lượng nước lớn làm cho môi trường nước ao nuôi bị xáo trộn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của tôm. Gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi.
Tạo chỗ tránh nóng: Đối với những ao chưa thả tại các vùng, những hộ khó chủ động về nước, tùy theo điều kiện, người nuôi thể thực hiện giải pháp hạ thấp mặt đáy ruộng, ao nuôi hay tạo hầm trú nóng cho tôm. Đối với ao, ruộng cải tạo xong chuẩn bị thả tôm giống, nên chậm lại vài ngày, chọn vùng góc đất thuận lợi (khoảng 1 – 2 phần diện tích ao chung) ngăn lại bằng bờ “cơm nếp”. Một phần cứ thả tôm giống theo kế hoạch đã định, phần còn lại sẽ tiến hành hạ thấp đáy ao, ruộng và cải tạo nước. Sau hơn tháng nuôi, khi tôm lớn hơn, sẽ phá bờ cơm nếp này cho tôm từ từ tự chuyển sang sống luôn trên phần đất đã hạ đáy ao, ruộng (có thể xem như nuôi tôm 2 giai đoạn). Như thế, khi gặp kỳ nắng nóng gay gắt tôm sẽ có chỗ trốn nóng, ít ảnh hưởng sức khỏe.
Chọn giống cỡ lớn: Để tăng sức chống chịu của tôm, nên chọn thả tôm cỡ lớn (PL 12 trở lên) hoặc thiết kế vèo ương tôm có mái che, thả giống nuôi ở mật độ cao (200 – 300 con/m3), sau một tháng mới chuyển tôm ra ngoài nuôi tiếp. Tôm nên thả nuôi trong ao với mật độ vừa phải để giảm stress cho tôm khi trời nóng (tôm sú 15 – 20 con/m2; tôm thẻ chân trắng 50 – 60 con/m2). Nếu mua giống ở xa, cần vận chuyển tôm trong bao nilon bơm ôxy đóng kín trong thùng xốp, duy trì nhiệt độ 20 – 240C; nên chọn thời điểm nhiệt độ hạ (như buổi sáng sớm hoặc chiều tối) để thả giống.
Để nhiệt độ trong quá trình nuôi được ổn định, khu vực nuôi cần che chắn bằng lưới hay màng để bớt ánh nắng đi, tỷ lệ khoảng 50 – 60% bề mặt ao để đảm nhiệt độ nước trong ao và nhiệt độ không khí không quá chênh lệch.
Trong ao nuôi tôm, nhiệt độ thay đổi lớn theo độ sâu cột nước, ở tầng mặt, nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm có thể lên đến 100C, ở độ sâu khoảng 20 cm, nhiệt độ chênh lệch khoảng 50C, ở đáy ao nhiệt độ ngày đêm chênh lệch khoảng 20C. Nhiệt độ giảm dần từ mặt nước xuống đáy. Trên cơ sở đó, để giảm bớt hiện tượng tôm bị sốc do chênh lệch nhiệt độ trong ngày đêm quá lớn và cũng để giảm bớt nhiệt độ môi trường tạo vùng phân bố mát hơn cho tôm trong mùa nóng cần đảm bảo độ sâu mực nước trong ao. Vì vậy, mực nước ao nuôi cần phải đảm bảo cho đủ sâu, khoảng 1,2 – 1,5 m.
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, người nuôi cần theo dõi sức ăn của tôm thường xuyên và giảm lượng thức ăn hàng ngày chỉ còn khoảng 60 – 70% so với ngày thường. Ngoài ra, cần kiểm tra chất lượng thức ăn cẩn thận, tránh tình trạng cho tôm ăn thức ăn ẩm mốc, không đảm bảo chất lượng. Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung các loại khoáng chất, men vi sinh đường ruột, chất bổ gan, Vitamin C.
Chạy quạt nước liên tục để cung cấp đủ ôxy cho tôm hô hấp, tránh gây hiện tượng nước bị phân tầng trong ao.
Trong quá trình nuôi, không nên để màu nước quá đậm, cần duy trì độ trong ở mức 30 – 35 cm. Nếu tảo trong ao phát triển mạnh, có thể xử lý bằng cách thay một phần nước vào ban đêm hoặc dùng vôi CaCO3 với lượng 10 kg/1.000 m3 hòa với nước và tạt đều trong ao, đánh liên tục trong thời gian 3 đêm, khoảng 20 – 22h. Sau đó dùng chế phẩm sinh học để ổn định lại nước ao.
Quản lý khí độc NH3, H2S bằng cách dùng men vi sinh xử lý khí độc và xi phông loại thải các chất thải định kỳ, duy trì nồng độ pH ổn định.
Hạn chế dùng sàng, vó để kiểm tra tôm vào lúc nắng nóng để tránh khả năng tôm bị đục cơ và chết.
Thường xuyên quan sát ao nuôi để theo dõi sự phát triển của tôm và xử lý kịp thời khi có hiện tượng bất thường xảy ra.
>> Người nuôi luôn trữ sẵn nguồn nước chất lượng trong ao chứa nhằm cung cấp nước kịp thời cho ao nuôi, giúp duy trì độ sâu và độ mặn phù hợp. Nên cấp nước vào ban đêm vì cấp nước vào ban ngày sẽ rất dễ làm tảo phát triển mạnh.
Thanh Hiếu