Chủ động phòng, chống dịch bệnh thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản có ý nghĩa quan trọng, giảm thiểu được thiệt hại cho người nuôi, bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng cao phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Các địa phương 

Cần đẩy mạnh thông tin truyền thông và mở các lớp tập huấn cho người nuôi trồng thủy sản (NTTS), người buôn bán, vận chuyển, sơ chế, chế biến thủy sản; nhân viên thú y cấp xã, cán bộ làm công tác chăn nuôi, thú y thủy sản cấp huyện, tỉnh, về các quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh thủy sản, hướng dẫn kỹ thuật NTTS. Thời điểm tuyên truyền phải được thực hiện trước mùa vụ nuôi, trước thời điểm có nguy cơ phát sinh dịch bệnh và khi có dịch bệnh xuất hiện. 

Thường xuyên thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường có tính chất hệ thống, nhằm phát hiện những nguy cơ tác động xấu đến môi trường nuôi. Đồng thời, cảnh báo và hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp xử lý và khắc phục cần thiết. Chú ý giám sát lâm sàng bằng cách theo dõi, để kịp thời phát hiện thủy sản bị bệnh, bị chết và xử lý kịp thời theo quy định. Khi có dịch bệnh xảy ra, hoặc khi môi trường biến động bất thường, cần lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu môi trường, nhằm xét nghiệm phát hiện mầm bệnh. 

Thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch đối với động vật, sản phẩm động vật thủy sản có trong danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch, trước khi vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh xuất phát từ vùng có dịch. Thực hiện kiểm dịch động vật thủy sản sử dụng làm giống xuất phát từ các cơ sở thu gom, kinh doanh, cơ sở NTTS chưa được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, hoặc chưa được giám sát dịch bệnh theo quy định. Phải xử lý nghiêm theo quy định, các trường hợp vi phạm trong vận chuyển, buôn bán động vật thủy sản. 

Ngoài ra, chú trọng khuyến khích xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật thủy sản và hướng dẫn và cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh thủy sản theo quy định. 

Tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản. Rà soát, bổ sung, cập nhật các quy trình xét nghiệm bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên động vật thủy sản. Đào tạo, tập huấn chuyên môn về dịch tễ, kỹ thuật xét nghiệm, bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn của Việt Nam và yêu cầu thực tế phát sinh. 

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin. Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ một số bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên động vật thủy sản và đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản. 

Những người nuôi 

Việc đầu tiên là cải tạo ao hồ nuôi đúng yêu cầu kỹ thuật. Thả nuôi đúng theo khung lịch mùa vụ của Sở NN&PTNT tại địa phương. Chọn giống thủy sản có nguồn gốc rõ ràng (ở các trại giống uy tín, được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền). Có ao lắng để xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi; diệt khuẩn nguồn nước trước khi đưa vào nuôi. 

Đảm bảo mật độ nuôi phù hợp theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành NTTS. Sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc, hóa chất thuộc Danh mục được phép sử dụng hoặc lưu hành tại Việt Nam. Đối với thức ăn tự chế, thức ăn tươi sống, phải đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Tăng cường sức đề kháng cho thủy sản nuôi. 

Quản lý tốt môi trường và áp dụng các biện pháp kỹ thuật về phòng bệnh, theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản và NTTS trong quá trình sản xuất. Thường xuyên kiểm tra thủy sản nuôi về màu sắc, sinh vật bám, các dấu hiệu bệnh lý, bất thường. 

Đối với vùng đang có bệnh: Chủ cơ sở nuôi khi phát hiện thủy sản nghi nhiễm bệnh hoặc chết bất thường, phải kịp thời báo cho nhân viên thú y, UBND xã, phường, thị trấn, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thị xã, thành phố, để các cơ quan này cử cán bộ kỹ thuật đến hiện trường kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng, trị bệnh. Không được giấu dịch. 

Tuyệt đối không được tháo nước ra ngoài môi trường, khi chưa được xử lý đúng kỹ thuật. Thông báo cho các hộ nuôi xung quanh biết, để có biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Không đi qua các vùng nuôi thủy sản khác. Chưa thả nuôi lại hay nuôi mới, khi các ao nuôi xung quanh vẫn đang có dịch xảy ra. 

Thực hiện khử trùng nước trong bể, ao, vùng nuôi; khử trùng công cụ, dụng cụ, lồng nuôi, lưới; xử lý nền đáy, diệt giáp xác và các vật chủ trung gian truyền bệnh bằng hóa chất, sau khi thu hoạch hoặc tiêu hủy thủy sản, đảm bảo không còn mầm bệnh, dư lượng hóa chất và đảm bảo vệ sinh môi trường. 

Thanh Hiếu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!