Khởi nghiệp từ nghề nuôi cá giống nhưng khi phong trào này không còn ngon ăn, chú Đinh Thanh Sơn (khóm Tân Bình, Phường An Hòa, TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) quyết định chuyển hướng sang nghề nuôi cá kiểng.
Chú Sơn bên ao cá kiểng của gia đình
Chú Sơn chia sẻ: “Trong một lần tham gia chương trình thử nghiệm những giống vật nuôi mới do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức, tôi nhận thấy nghề nuôi cá kiểng khá phổ biến tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và cho lợi nhuận khá cao, tôi quyết định tìm hiểu và chọn mô hình này”.
Với nguồn con giống ban đầu do Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ, năm 2010 chú Sơn đầu tư xây dựng 1 ao nuôi 1.000 m2 để ương và nuôi cá kiểng. Thời gian này chú vừa làm, vừa đi đến các trại cá giống trong vùng để học tập kinh nghiệm, tích lũy kiến thức. Sau thời gian thử nghiệm thấy khả quan, chú mở rộng diện tích lên 4.000 m2, đồng thời chú còn cho nuôi gia công tại các diện tích ao nuôi khác.
Chú sơn tâm sự: “Nuôi cá kiểng không khó nhưng quan trọng là cần thời gian dài và diện tích ao nuôi thông thoáng, bởi cá kiểng không thể nuôi như cá thịt mà phải nuôi thưa, thời gian cũng phải mất từ 2 – 3 năm tuổi cá mới đẹp, vừa ý.
Đến nay, đàn cá kiểng của chú Sơn có khoảng 20 ngàn con, chủ yếu là cá chép Nhật, được xuất bán đi khắp các tỉnh, thành trong khu vực, nhiều nhất là TP.Cần Thơ. “Hiện tôi đang chuẩn bị hợp đồng cung cấp 9 ngàn con chép kiểng cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long. Người bạn ở Sài Gòn cũng đang yêu cầu cung ứng cá kiểng thường xuyên để cung cấp cho thị trường. Tôi đang xem xét và khảo sát, nếu được tôi sẽ mở rộng thêm quy mô tại trại và tăng hộ nuôi gia công để tạo đầu ra ổn định” – chú Sơn chia sẻ.
Thành công từ mô hình ương cá kiểng, ngoài góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, chú Sơn còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật giúp một số anh em, bạn bè có thêm kinh nghiệm nuôi cá kiểng nhằm cung cấp ra thị trường giống cá khỏe, đẹp, phục vụ nhu cầu người dân.