(TSVN) – Theo Báo cáo Công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản 9 tháng đầu năm 2024 của Cục Thú y, diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh đã giảm đáng kể, chỉ còn 3.593 ha, giảm 34,97% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đầu ra ổn định và bền vững, ngành tôm cần phải chủ động hơn nữa trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Thống kê của Cục Thú y cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2024, tình hình bệnh trên tôm nuôi có xu hướng giảm cả về phạm vi (giảm 9,91%) và diện tích tôm mắc bệnh (giảm 34,97%) so cùng kỳ năm trước. Các bệnh phổ biến như đốm trắng (1.034 ha), hoại tử gan tụy cấp tính (1.009 ha), đỏ thân (643 ha) và phân trắng (565 ha),…
Dịch bệnh xảy ra chủ yếu tại các tỉnh trọng điểm nuôi tôm như Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang và rải rác tại một số địa phương khác. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú bị bệnh là 1.568 ha; TTCT là 2.025 ha. Phương thức nuôi thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh bị dịch bệnh chiếm 2.615 ha, giảm 23,03% so cùng kỳ năm trước, trong khi nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến ghi nhận diện tích mắc bệnh là 904,60 ha, giảm 54,19%.
Đối với tôm hùm, theo báo cáo của các địa phương, không ghi nhận trường hợp tôm hùm bị mắc bệnh sữa và các bệnh phổ biến khác. Tuy nhiên có 2.120 lồng nuôi tại Khánh Hòa có tôm bị chết nhưng không rõ nguyên nhân và có 1.549 lồng nuôi tại tỉnh Phú Yên bị thiệt hại do môi trường.
Theo ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, mặc dù dịch bệnh trên tôm có chiều hướng giảm nhưng diện tích thiệt hại do biến đổi khí hậu có chiều hướng tăng mạnh 20% so năm trước.
Người dân cần áp dụng tổng hợp các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để giảm thiểu thiệt hại. Ảnh: ST
Cùng đó, một số mầm bệnh nguy hiểm như AHPND (bệnh hoại tử gan tụy cấp tính), WSD (bệnh đốm trắng), IHHNV (bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô) và EHP (bệnh vi bào tử trùng) vẫn lưu hành ở nhiều vùng nuôi, gây ra các đợt dịch bệnh nghiêm trọng, làm thiệt hại nặng nề cho người nuôi. Ngoài ra, mặc dù hiện nay Việt Nam chưa xuất hiện bệnh DIV1 nhưng nguy cơ bệnh TPD đã xuất hiện và gây chết ấu trùng tôm tại một số địa phương là cao, đặc biệt là các địa phương có hiện tượng ấu trùng tôm bị chết nhiều ngay sau khi thả nuôi với các dấu hiệu nghi ngờ bệnh TPD.
Một thách thức lớn đối với ngành nuôi tôm hiện nay nữa là sự tồn tại của mầm bệnh trong hệ sinh vật tự nhiên và tại các cơ sở nuôi, tạo nguy cơ dịch bệnh bùng phát cao trong thời gian tới. Nếu các cơ sở nuôi không cải thiện biện pháp an toàn sinh học và giám sát dịch bệnh chủ động, nguy cơ dịch bệnh lây lan sẽ rất lớn.
Bên cạnh đó, do khó khăn về vaccine, việc phòng bệnh chủ động của người nuôi cũng còn chủ quan. Khi dịch bệnh xảy ra, người nuôi thường tự xử lý dịch bệnh thay vì phải thông báo theo quy định cho cơ quan chuyên môn để được hỗ trợ.
Diễn biến môi trường, thời tiết bất lợi cộng với dịch bệnh khiến ngành tôm thiệt hại lớn. Do đó, ngành nông nghiệp và các địa phương cần chủ động lên phương án phòng, chống hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế, đảm bảo chất lượng, nguồn cung tôm cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Tại Hội nghị “Phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2024 và kế hoạch năm 2025”, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết đơn vị đang phối hợp với Cục Thủy sản để tăng cường chỉ đạo và giám sát công tác phòng bệnh sớm, từ xa tại các địa phương. Con giống phải được lấy từ những cơ sở không có dịch bệnh và đã được kiểm dịch nghiêm ngặt. Nếu không, nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ rất cao.
“Thêm vào đó, các loại thức ăn cho tôm và giống thủy sản cũng có thể là nguồn phát sinh mầm bệnh. Vì vậy, việc kiểm dịch trong quá trình vận chuyển là rất cần thiết để đảm bảo rằng các nguồn giống không mang theo dịch bệnh”, ông Long chia sẻ thêm.
Cục Thú y sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức giám sát dịch bệnh trên các đối tượng nuôi bằng ngân sách Bộ NN&PTNT đã được phê duyệt, với tổng kinh phí 10 tỷ đồng cho năm 2025. Giám sát sẽ bao gồm tôm giống nhập khẩu, tôm nuôi nước lợ, cá tra, cá rô phi, cá nước lạnh, ngao/nghêu và cá nuôi biển.
Tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh, hiện tượng thủy sản chết nhiều và chết bất thường để hướng dẫn, đề xuất các giải pháp tổng hợp trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Các địa phương cần cung cấp, hỗ trợ cho người nuôi về quy trình kỹ thuật, thời điểm thả giống, cũng như cảnh báo các yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thủy sản. Bên cạnh đó, các tỉnh biên giới cần tăng cường kiểm soát hoạt động nhập lậu thủy sản, đặc biệt là tôm giống, nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh từ bên ngoài và tránh lây lan thành dịch.
Cục Thú y cũng khuyến cáo người dân nuôi tôm với mật độ thấp, cách vụ để giảm tải cho môi trường nuôi và áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch bệnh.
Về lâu dài, các cơ sở ương dưỡng, sản xuất giống cần tổ chức xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; khuyến khích các cơ sở nuôi thương phẩm xây dựng chuỗi sản xuất, bảo đảm an toàn dịch bệnh để đẩy mạnh xuất khẩu.
Oanh Thảo