Chủ động phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Năm 2024, ngành thú y sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm trong nuôi trồng thủy sản.

Theo báo cáo của Cục Thú y, trong tháng 1 năm 2024, cả nước có gần 64 ha diện tích nuôi thuỷ sản phát sinh dịch bệnh, trong đó chủ yếu là trên tôm nuôi nước lợ (khoảng hơn 42 ha), cá tra (hơn 14 ha). Ngoài ra có khoảng 120 bể, vèo, bè nuôi các loài thuỷ sản khác phát sinh dịch bệnh.

Người dân kiểm tra định kỳ nguồn nước nuôi tôm tại đầm. Ảnh: ST

Để hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả, hạn chế dịch bệnh, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện các Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản; triển khai giám sát chủ động, cảnh báo, điều tra, xử lý ổ dịch. Bên cạnh đó, Cục Thú y sẽ phối hợp cùng các địa phương tập trung nguồn lực, thiết bị, nhân lực xử lý dứt điểm các dịch bệnh trên thủy sản lưu hành đã lâu như bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng,…Cán bộ thú y sẽ hướng dẫn, tuyên truyền tới người nuôi các bước phòng chống dịch bệnh, giám sát dịch bệnh, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, sử dụng kháng sinh có trách nhiệm trong nuôi trồng thủy sản. 

Công tác quản lý vùng nuôi, cơ sở nuôi cũng được ưu tiên. Sắp tới, Cục Thú y sẽ phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành tại các địa phương thực hiện hướng dẫn các doanh nghiệp, người nuôi trồng thủy sản quy trình nuôi an toàn dịch bệnh đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới về vùng an toàn dịch bệnh thủy sản; Đồng thời hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp bảo đảm mục tiêu sản xuất nuôi trồng thủy sản theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, Cục Thú y sẽ thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động thú y tại các địa phương; tăng cường ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vận chuyển, buôn bán thuốc, sử dụng thuốc thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc cấm sử dụng, thuốc chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam và kiểm soát chặt việc sử dụng nguyên liệu kháng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.  

Thùy Khánh 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!