Chủ động phòng dịch bệnh trên đàn thủy sản nuôi trong mùa nước nổi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp hiện có hàng trăm hộ nông dân tận dụng diện tích mặt nước ao hầm, lồng bè, ruộng để nuôi thủy sản, với trên 806 ha và 1.019 lồng, bè, vèo, bồn (tăng hơn cùng kỳ năm trước 83 ha, 4 lồng, bè).

Trong đó, có trên 401 ha thả nuôi cá tra, hơn 345 ha nuôi tôm, 10 ha nuôi cá lóc, 42 ha nuôi cá sặc rằn, cá trê, cá rô đồng, cá rô phi, cá hường, các loại và 1.019 cái lồng, bè, vèo hồ xi măng, bể lót bạt nuôi lươn, ếch, cá, rắn… 

Tính đến đầu tháng 8/2024, nông dân trong huyện đã thu hoạch được 30.906 tấn cá tra thương phẩm, hơn 628 tấn tôm và hơn 150 tấn cá, lươn, ếch các loại. Nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp đến tận nơi thu mua cá lóc với giá dao động từ 37.000 – 40.000 đồng/kg, giá cá tra thương phẩm từ 27.000 – 27.500 đồng/kg, tôm giá dao động 83.000 đồng/kg, lươn từ 75.000 – 85.000 đồng/kg, cá điêu hồng 27.000 đồng/kg… Đa số người nuôi cá lóc và lươn ở huyện Tam Nông cho biết: Với giá bán hiện nay, trung bình 1 tấn cá lóc hay 1 tấn lươn thương phẩm, người nuôi sẽ có lãi từ 1 – 2,5 triệu đồng… 

Tuy nhiên hiện nay, nước từ thượng nguồn đang đổ về kết hợp mưa nhiều, chất lượng nước không đảm bảo, mang theo nhiều mầm bệnh, gây tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh tấn công trên đàn thủy sản nuôi. Thạc sĩ Lâm Trọng Nghĩa – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tam Nông cho biết: Qua kiểm tra đánh giá, phân tích cho thấy đa số các chỉ tiêu quan trắc tại các kênh rạch gần đây trên địa bàn Huyện vượt so với giới hạn quy chuẩn, chất lượng nguồn nước chưa được đảm bảo… 

Nông dân cần lưu ý, khi lấy nước vào ao, hầm… cần lắng, xử lý nước và diệt khuẩn trước khi cấp vào ao, hầm nuôi. Định kỳ bổ sung men tiêu hóa, vitamin, khoáng chất… nhất là vitamin C và Beta glucan vào khẩu phần ăn hằng ngày để tăng sức đề kháng. Đối với những khu vực nuôi lồng, bè tập trung cần tăng cường thường xuyên kiểm tra, vệ sinh lồng, bè, bố trí lồng, bè có khoảng cách phù hợp để tạo dòng chảy thông thoáng nhằm hạn chế cá chết do thiếu oxy cục bộ. Sử dụng vôi, muối treo đầu bè hoặc khu vực cho ăn để khử trùng và phòng bệnh cho cá. Chú ý các điểm có sự xuất hiện của vi khuẩn, virus gây bệnh bằng các biện pháp phòng ngừa bệnh tổng hợp… 

Các vùng nuôi và cơ sở nuôi cá tra thương phẩm xuất khẩu cần thực hiện các quy định về vùng nuôi đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính Phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường…

Trọng Trung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!