Chủ động ứng phó và thích nghi với phòng vệ thương mại

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sau một số khó khăn, lúng túng trong những vụ phòng vệ thương mại đầu tiên, năng lực ứng phó của các doanh nghiệp thủy sản ngày một tốt hơn; khả năng chủ động phòng ngừa và giảm thiểu tối đa rủi ro liên quan đến phòng vệ thương mại cũng ngày một hiệu quả hơn.

Điều đó được minh chứng qua xuất khẩu thủy sản của Việt Nam luôn có sự tăng trưởng khả quan dù vướng không ít vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) trong suốt hơn 20 năm qua.

Kết quả từ sự chủ động

Ngay sau khi ký kết Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, xuất khẩu thủy sản bắt đầu tăng nhanh, nhưng cũng không lâu sau đó, Việt Nam phải đối mặt với vụ phòng vệ thương mại đầu tiên là vụ điều tra chống bán phá giá với cá tra, cá basa và sau đó là với con tôm nước lợ. Nếu như ở lần điều tra ban đầu, mức thuế mà doanh nghiệp áp lên tới gần 30%, thì sau nhiều rà soát chỉ còn 1 – 3% và hiện tại có một số doanh nghiệp đã có mức thuế 0%. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp cũng dần thích nghi và có sự chủ động hơn trong các biện pháp phòng ngừa. Theo đánh giá của Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trong các nhóm ngành xuất khẩu, thủy sản là một trong những nhóm ngành có năng lực ứng phó cao với phòng vệ thương mại.

Minh chứng thêm cho năng lực ứng phó PVTM của ngành thủy sản, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết mặc dù các mặt hàng thủy sản chủ lực như tôm và cá tra đến nay vẫn tiếp tục bị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp PVTM như: Chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẫn tránh thuế… nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có thuế suất 0% và duy trì được lượng xuất khẩu ổn định sang thị trường Hoa Kỳ. “Kết quả này là nhờ có sự kiên trì và chủ động của các doanh nghiệp, sự tích cực của Hiệp hội và sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước”, ông Hòe chia sẻ.

Cũng theo VASEP, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới 170 quốc gia song hiện mới chỉ bị Hoa Kỳ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Đơn cử như vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh tại thị trường Hoa Kỳ, nhờ có sự chủ động và phối hợp tốt, nên trong phán quyết của DOC vào ngày 22/10 mới đây, mức thuế chung cho các doanh nghiệp Việt Nam chỉ là 2,84%, thấp nhất so với 3 nước còn lại là: Ecuador, Ấn Độ và Indonesia. Hay như vụ kiện chống lẩn tránh thuế đối với Công ty Minh Phú trước đây, sau nỗ lực chủ động phối hợp cung cấp hồ sơ, dữ liệu, Minh Phú đã chứng minh được rằng doanh nghiệp mình không vi phạm các quy định này và đã được phía DOC chấp nhận.

Sẽ còn phức tạp và khắt khe hơn

Mặc dù doanh nghiệp đã có sự chủ động hơn trong ứng phó với các vụ việc PVTM, nhưng theo VASEP, năng lực ứng phó của các doanh vẫn còn hạn chế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp này yếu về vốn, về quản trị, hệ thống sổ sách kế toán theo dõi… cũng như có một sự chủ quan nhất định.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thuỷ sản Việt Nam về vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm nước ấm vừa qua, Chủ tịch HĐQT một công ty chế biến thủy sản ở ĐBSCL thừa nhận rằng, đã có sự chủ quan nhất định của một số doanh nghiệp trong việc lưu trữ hồ sơ sổ sách một cách đầy đủ, nên khi vụ việc xảy ra thì lúng túng, khó khăn trong việc tìm cách giải quyết. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chủ động nỗ lực áp dụng các chứng chỉ như OHSAS về xây dựng về hệ thống quản lý an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp, chứng nhận FSC bảo vệ rừng, SMETA về trách nhiệm xã hội… nhằm tuân thủ các quy định của thị trường.

Cũng theo vị Chủ tịch trên, điểm chung mà các vụ kiện PVTM nhắm tới chủ yếu là vùng nguyên liệu, sản xuất bán hàng của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần quan tâm cũng như phải chuẩn bị ngay từ đầu hồ sơ, dữ liệu về các vấn đề này để có cách ứng phó phù hợp, hiệu quả. Xu hướng điều tra cũng khắt khe hơn với việc yêu cầu cao hơn đối với Chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra như thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung nhiều thông tin, khó xin gia hạn, thay đổi tiền lệ trong việc xác định xuất xứ… Phạm vi điều tra cũng ngày càng mở rộng bao gồm cả các nội dung mới như điều tra, xem xét phạm vi sản phẩm, điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM, điều tra định giá thấp tiền tệ trong khuôn khổ điều tra chống trợ cấp… Cùng với đó, mức thuế PVTM có thể bị đẩy lên do vấn đề kinh tế thị trường.

Cần chủ động và đoàn kết

Để chủ động ứng phó với PVTM, doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin, kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại, đồng thời, cân nhắc việc chủ động tham gia, cung cấp thông tin đầy đủ, đúng thời hạn theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Khi đã xác định được nguy cơ, doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị trước về hệ thống quản trị doanh nghiệp, rà soát, kiểm tra lại hệ thống kế toán, sổ sách, chứng từ… bảo đảm đầy đủ, chính xác, khoa học, có thể truy xuất và xác minh. Bên cạnh đó, thông qua đánh giá nguy cơ, doanh nghiệp nên xác định lại chiến lược kinh doanh, đa dạng hóa thị trường, đồng thời, phối hợp, chia sẻ thông tin để cùng ứng phó…

Sao Ta là một trong những doanh nghiệp có sự chủ động rất tốt trong việc lưu trữ hồ sơ, sổ sách, chứng từ từ vùng nuôi cho đến chế biến xuất khẩu

Các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật các thông tin về các vụ điều tra PVTM thông qua các cơ quan thương mại của Việt Nam tại các nước là đối tác xuất khẩu. Tiếp đó là thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) là đầu mối nắm tất cả các vụ kiện. Theo ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, các biện pháp PVTM sẽ ngày càng nhiều hơn, mức độ phức tạp, khắt khe ngày một lớn hơn, nên việc lưu trữ hồ sơ, sổ sách một cách khoa học và dài hạn là vấn đề hết sức quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể đáp ứng một cách nhanh chóng, chính xác và minh bạch những gì phía nguyên đơn yêu cầu, nhằm giảm thiểu thấp nhất rủi ro phát sinh trong quá trình điều tra.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần tăng cường đổi mới, đa dạng hóa, tiến bộ hóa chất lượng mẫu mã ngành hàng xuất khẩu; chuẩn bị nguồn nhân lực của doanh nghiệp có hiểu biết liên quan tới PVTM và hệ thống quản trị liên quan như theo dõi nguyên liệu đầu vào, các chi phí thực tế… để chủ động ứng phó các tình huống có thể xảy ra trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo bà Tô Thị Tường Lan – Phó Tổng Thư ký VASEP, để ứng phó với vụ việc PVTM, doanh nghiệp cần chuẩn bị dữ liệu đầy đủ, hồ sơ rõ ràng, lưu giữ qua nhiều năm; tích cực phối hợp với cơ quan chức năng… đặc biệt là nên sử dụng chung một đơn vị tư vấn pháp lý nhằm tạo sự thống nhất. Hiện, ngày càng nhiều nguyên đơn tham gia vào các vụ kiện khiến sự việc phức tạp hơn, do đó, các doanh nghiệp cần đoàn kết để vượt qua thách thức và phát triển bền vững.

Xuân Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!