T2, 06/07/2020 09:48

Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng: Cần một chính sách đầu tư đồng bộ cho ngành thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Trong thành công chung của toàn ngành thủy sản Việt Nam 2010, Hội Nghề cá Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng. Nhưng để nối dài thành quả đó cho năm 2011, còn rất nhiều việc phải làm. TS Nguyễn Việt Thắng (ảnh), Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam đã có những chia sẻ rất chân thành.

Năm 2010 đi qua với những thành công, Hội Nghề cá Việt Nam đã có những đóng góp gì vào thành công đó, thưa ông?

Năm 2010, Hội Nghề cá Việt Nam đã khẳng định được vị thế là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp luôn gắn kết với lực lượng lao động ngành thủy sản, đại diện cho quyền lợi hợp pháp của tất cả hội viên – ngư dân. Trong năm qua, lực lượng lao động nghề cá Việt Nam gặp không ít khó khăn, thời tiết biến động bất thường, giá cả vật tư tăng, nguồn lợi thủy sản suy giảm, hiệu quả sản xuất thấp… ảnh hưởng lớn đến đời sống của ngư dân. Hơn thế nữa, luôn bị tàu thuyền nước ngoài bắt giữ trái phép, tước đoạt tài sản… Trước tình hình đó, Hội đã kịp thời lên tiếng, kiến nghị với các cơ quan chức năng can thiệp, nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của ngư dân… Việc làm đó của Hội được các cơ quan chức năng đánh giá cao. Hơn thế, đó là nguồn động viên lớn đối với bà con ngư dân, giúp họ yên tâm sản xuất và góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Vậy nhiệm vụ thiết thực của Hội đối với nông, ngư dân trong năm qua là gì?

Thông qua tạp chí Thủy sản Việt Nam, đặc san Vietnams Tra&Basa, bản tin Con tôm – cơ quan ngôn luận của Hội chuyển tải tới hội viên, ngư dân những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những tiến bộ khoa học công nghệ trong khai thác, nuôi trồng, chế biến… giúp họ nâng cao nhận thức, chấp hành tốt pháp luật, áp dụng những kỹ thuật, kỹ năng và kinh nghiệm vào sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế…

Hội cũng đã thành lập một số trung tâm dịch vụ khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, tư vấn… mở rộng quan hệ với các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước để tạo uy thế của Hội, thúc đẩy Hội đi nhanh vào hoạt động chuyên nghiệp, tự chủ….

 

Cũng trong năm 2010, Hội đã thành lập thêm một số tỉnh hội, kết nạp thêm nhiều hội viên tập thể, đưa số tỉnh hội lên 32 đơn vị, 70 hội viên tập thể và hàng chục đơn vị trực thuộc Hội với trên 30 vạn hội viên. Một điểm khác biệt là nhiều tỉnh hội đã mở rộng đối tượng thành viên, không những lao động trong ngành sản xuất kinh doanh, dịch vụ, chế biến thủy sản mà cả những tổ chức, cán bộ làm công tác y tế cộng đồng, giáo, cán bộ tín dụng ngân hàng… Những đối tượng gắn bó với tổ chức Hội Nghề cá trong công tác vận động sinh đẻ có kế hoạch, đào tạo dạy chữ, dạy nghề cho con em ngư dân, và những người làm công tác cho vay, tín dụng để ngư dân phát triển sản xuất.

 

 

Kéo lưới trong sương sớm        Ảnh: Đức Lợi

Trong năm qua, ngư dân làm nghề khai thác thủy sản xa bờ gặp khá nhiều rủi ro. Theo ông, Hội đã và sẽ làm gì để giúp ngư dân yên tâm vươn khơi?

Đây là việc làm khó, Hội Nghề cá không thể tự mình giải quyết được, mà phải có một chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, một sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trung ương và các địa phương… Phải bắt đầu từ các chính sách đầu tư đồng bộ cho khai thác thủy sản, xem đây là một chính sách lớn của nhà nước, nhằm thúc đẩy khai thác tiềm năng biển. Khi đã có một chủ trương, một quốc sách thì vấn đề chủ quyền lãnh hải, an ninh biển đảo là vấn đề được đặt lên hàng đầu, bởi nếu an ninh trên biển không tốt, chủ quyền không được xác định và giữ vững, ngư dân khó mà yên tâm sản xuất…

Hội Nghề cá Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp, người đại diện cho hội viên ngư dân sẽ cùng các tỉnh hội, huyện hội và chi hội nghề cá ở địa phương tăng cường tuyên truyền giáo dục hội viên nâng cao trình độ kỹ thuật, sử dụng và quản lý tốt thiết bị, phương tiện, máy móc để khai thác có hiệu quả, tham gia tích cực trong sản xuất và giữ gìn bảo vệ an ninh quốc phòng biển đảo của Tổ quốc.

Trong thời gian tới, Hội sẽ làm gì để phát huy hơn nữa vai trò, nhiệm vụ của mình, thưa ông?

Để có thể làm tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của hội viên, thúc đẩy sản xuất, trước hết Hội phải xây dựng tổ chức mạnh hơn nữa, đủ năng lực kiến thức, kinh nghiệm để tham gia cùng các tổ chức nhà nước xây đề án, đề xuất chủ trương, chính sách sát với tình hình thực tế sản xuất, nguyện vọng của hội viên. Đề xuất với nhà nước, các bộ, ngành có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ tính mạng và tài sản của ngư dân, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ thiệt hại cho ngư dân khi gặp sự cố, do thiên tai, do bị tàu nước ngoài bắt giữ hoặc tham gia việc cứu nạn trên biển… Có chính sách ưu đãi về đào tạo nghề cho con em ngư dân, miễn phí để họ có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp sang các nghề khác có thu nhập ổn định và cao hơn. Dành kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Có chính sách giao đất, quyền sử dụng đất và một số chính sách đặc biệt ưu đãi cho hộ gia đình ngư dân, bộ đội sinh sống lâu dài trên các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, giúp họ yên tâm sinh sống, sản xuất…

Trân trọng cảm ơn ông!

Năm qua, Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ NN&PTNT giao, tổ chức thành công Lễ trao giải thưởng Chất lượng Vàng Thủy sản Việt Nam – giải thưởng lần đầu tiên cho người lao động thủy sản. Phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng và triển khai Đề án khai thác, thu mua và chế biến xuất khẩu cá nóc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với Tổng cục Thủy sản tổ chức thành công Hội thảo về giống thủy sản, tham gia tích cực, hiệu quả trong việc đấu tranh yêu cầu WWF đưa cá tra Việt Nam ra khỏi “danh mục đỏ”, nhằm bảo vệ uy tín của cá tra Việt Nam và quyền lợi của những người nuôi cá Việt Nam…

(TS Nguyễn Việt Thắng)

Ngọc Hà

                (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!