(TSVN) – Do nhu cầu thị trường ngày càng tăng cùng với những hạn chế về nước và đất, các trang trại tôm chuyển sang nuôi thâm canh, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Ngành nuôi tôm đối mặt với nhiều loại bệnh từ vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng, với triệu chứng phức tạp, chẩn đoán khó khăn và chi phí điều trị cao.
Cũng không có phương pháp điều trị hiệu quả nào chống lại một số bệnh xảy ra trên tôm đáng chú ý nhất như Virus đốm trắng và EHP, dẫn đến thu hoạch không ổn định và gây thiệt hại tài chính đáng kể. Trước những thách thức này, ngày càng có nhiều mối quan tâm đến các chiến lược phòng ngừa nhằm tăng cường cơ chế phòng vệ tự nhiên của tôm, cải thiện khả năng đối phó với các tình huống có thể dẫn đến bệnh tật.
Thức ăn không chỉ đáp ứng về mặt dinh dưỡng – giải pháp chức năng hay chỉ là hình thức tiếp thị?
Mặc dù các chất phụ gia chức năng dùng trong thức ăn không phải là mới nhưng việc sử dụng chúng trong thức ăn thủy sản vẫn đang là chủ đề tranh luận. Một số nghi vấn liên quan đến hiệu quả về mặt chi phí của các chất phụ gia này, người ta lập luận rằng nếu không có các quy trình chuẩn hóa thì không thể dự đoán đầy đủ được kết quả, khiến việc sử dụng phụ gia trở thành một khoản đầu tư rủi ro. Một số ý kiến khác tin rằng dinh dưỡng tối ưu và công thức thức ăn phù hợp sẽ cung cấp cho tôm những chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì sức khỏe tốt và chống lại mầm bệnh một cách tự nhiên. Mặc dù cả hai quan điểm đều có lý nhưng thực tế thường cho thấy rằng mặc dù đầu tư vào thức ăn chất lượng cao, tôm giống sạch bệnh, khử trùng nước và các biện pháp an toàn sinh học khác, mầm bệnh vẫn tiếp tục tìm cách xâm nhập vào hệ thống nuôi tôm thông qua nhiều cách khác nhau.
Sự nhạy cảm này của tôm phát sinh từ sự phức tạp của các đặc điểm sinh lý vốn có và điều kiện nuôi. Ví dụ, khi mầm bệnh xâm nhập vào trang trại, chúng có thể lây lan nhanh chóng do điều kiện thuận lợi từ nhiệt độ nhiệt đới cần thiết cho nuôi tôm và lượng nước dồi dào, một môi trường quan trọng để truyền mầm bệnh và nhân lên. Ngoài ra, tôm sống ở đáy ao, nơi chúng tiếp xúc thường xuyên với chất nền và các vi sinh vật có khả năng gây bệnh. Chúng cũng trải qua quá trình lột xác thường xuyên, khiến chúng dễ bị nhiễm trùng và ký sinh trùng hơn trong giai đoạn quan trọng này trong khi dạ dày của chúng không có hàng rào axit giúp bảo vệ chống lại sự xâm nhập của mầm bệnh giống như ở động vật có vú và một số loài cá. Sau khi bị nhiễm bệnh, khả năng miễn dịch thích ứng của tôm cũng hạn chế hơn và hiện không có vắc xin thương mại nào để bảo vệ chống lại các bệnh nhiễm trùng trong tương lai.
Đồng thời, ngành tôm cũng dần chuyển dịch theo hướng thâm canh hơn. Mật độ cao hơn và sự thay đổi thường xuyên của chất lượng nước gặp phải trong các hệ thống như vậy, chưa nói đến biến đổi khí hậu, có thể là nguyên nhân quan trọng gây ra căng thẳng và làm suy giảm khả năng miễn dịch, làm tăng thêm tính nhạy cảm của tôm. Điều này đã được Jiang và cộng sự (2005) chứng minh rằng nồng độ oxy dưới mức tối ưu có thể dẫn đến giảm đáng kể lượng tế bào máu – tế bào miễn dịch chính của tôm. Tương tự, Wang và Cheng (2005) phát hiện ra rằng sự thay đổi độ mặn đột ngột cũng có thể làm tổn hại đến khả năng phòng vệ miễn dịch của tôm trong vòng vài giờ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhiễm V. alginolyticus (Hình 1).
Hình 1: Tác động của độ mặn đến tổng số lượng tế bào máu của TTCT (theo Wang và Cheng, 2005).
Tình trạng này đã đẩy nhanh việc người nuôi sử dụng các chất phụ gia chức năng, họ thường xuyên trộn các chất phụ gia khác nhau để cải thiện sự khỏe mạnh cho tôm theo cách thủ công vào thức ăn thương mại trong vụ nuôi của họ. Mặc dù việc trộn tại trại này đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm thiểu bùng phát dịch bệnh nhưng việc trộn trực tiếp các chất phụ gia này tại nhà máy sản xuất thức ăn có thể mang lại một số lợi ích. Trộn tại nhà máy sản xuất thức ăn đảm bảo liều lượng chính xác và đồng nhất, cải thiện lượng tiêu thụ đáng tin cậy, đơn giản hóa việc quản lý, nâng cao hiệu quả về chi phí và hạn chế sự xâm nhập của các chất phụ gia giả hoặc chất lượng kém vào trang trại.
Mặc dù đôi khi được coi là một rào cản, việc sử dụng các chất phụ gia tại ao tôm cũng có thể là cơ hội để các nhà sản xuất thức ăn chuyển đổi người nuôi thành người sử dụng phụ gia chức năng và vượt qua những khó khăn đối với việc tăng chi phí trong công thức thức ăn. Nó thậm chí còn trở thành một khả năng lớn hơn vì trong thập kỷ qua, người nuôi đã nâng cao sự chuyên nghiệp đối với các hoạt động quản lý của họ một cách đáng kể. Sự thay đổi này đã cho phép phát triển các khái niệm thức ăn chức năng tiên tiến tập trung cho chức năng sức khỏe của vật nuôi và có thể đo lường được, miễn là có sự hiểu biết sâu sắc về cơ chế sinh lý liên quan đến các chức năng mong muốn.
Công ty TNHH KTCN Khoa Học Xanh
Địa chỉ: Lô LF26, đường số 2, KCN Xuyên Á, Mỹ Hạnh Bắc, Đức Hòa, Long An
Hotline: 091616.8200 – Website: khoahocxanh.com
Lược dịch từ Phileo by Lesaffre