Chứng nhận Halal – Cơ hội thâm nhập thị trường Hồi giáo

Chưa có đánh giá về bài viết

Các nước Hồi giáo là một trong những thị trường còn đang bỏ ngỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam. Để xuất sang thị trường này, doanh nghiệp cần lưu ý chứng nhận Halal.

Halal có thể hiểu là những quy định được phép theo Luật Hồi giáo. Sản phẩm Halal gồm nhóm thực phẩm và phi thực phẩm, thị và gia cầm, các sản phẩm không phải là thịt, mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và y tế.

Trong khi tiếp tục tập trung vào thị trường truyền thống, thị trường các nước Hồi giáo cũng là một trong những thị trường còn đang bỏ ngỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam. Ông Chu Thắng Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) nhấn mạnh tại cuộc hội thảo với chủ đề “Dấu chứng nhận sản phẩm Halal – Cơ hội xuất khẩu và cách tiếp cận của các doanh nghiệp Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 31/5 tại Hà Nội.


Văn phòng Chứng nhận Halal-HCA tham dự World Halal Forum

Dân số Hồi giáo hiện khoảng 1,8 tỷ người trên 112 quốc gia, chiếm 25% dân số thế giới. Với tốc độ tăng trưởng dân số hồi giáo khoảng 2,9%/năm thì số lượng tín đồ Hồi giáo trên thế giới sẽ chiếm khoảng 30% dân số thế giới vào năm 2025. Đây là con số khá ấn tượng đối với ngành công nghiệp Halal thế giới.

Theo con số gần đây nhất được Diễn đàn Halal Thế giới công bố, giá trị trao đổi thương mại toàn cầu tính riêng cho nhóm hàng thực phẩm Halal đạt khoảng 661 tỷ USD và nếu tính của nhóm sản phẩm phi thực phẩm và dịch vụ Halal khác thì con số này đạt từ 1.200 – 2.000 tỷ USD/năm. Đó là chưa kể đến số lượng lớn người tiêu dùng không phải là Hồi giáo khắp thế giới hiện cũng đang ưa chuộng sản phẩm Halal vì sự bảo đảm về tiêu chuẩn “an toàn, vệ sinh và chất lượng” của chúng.

 

Cơ hội cho hàng nông sản Việt Nam

Theo ông Mohammed Omar Trần Xuân Giáp – Giám đốc Văn phòng Chứng nhận Halal tại Việt Nam, hầu hết các nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật và thủy hải sản đều là Halal. Trong khi đó, Việt Nam là nước có thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp, vì vậy, tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hồi giáo là rất lớn. Hàng thủy sản Việt Nam dễ dàng thích hợp với thị trường này.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp cận thị trường Hồi giáo, trước hết cần hợp tác với các nước đông dân Hồi giáo như Malaysia, Indonesia hoặc có chứng nhận Halal được công nhận.

Theo thống kê, thị trường thực phẩm Halal năm 2010 đạt 8,6 tỷ USD. Với tỷ lệ dân số đạo Hồi chiếm khoảng 68% và là nước nhập khẩu lương thực, tiềm năng thị trường Malayssia là rất lớn. Ngoài nhập khẩu để tiêu dùng trong nước, Malaysia còn nhập khẩu để tiếp tục gia tăng trị giá để xuất khẩu.


Nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản ở Malaysia tương đối lớn, khoảng hơn 60 kg/người/năm. Hàng năm, Malaysia nhập khẩu trên 300.000 tấn hải sản các loại.

Hơn nữa, các sản phẩm mang thương hiệu Halal của Malaysia được chấp nhận rộng rãi trên csac thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu và Australia bên cạnh các thị trường Hồi giáo truyền thống khu vực châu Á.

Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam có thể cung cấp nguyên vật liệu, còn khâu chế biến do doanh nghiệp Malaysia thực hiện vì họ có kinh nghiệm trong chế biến thực phẩm Halal. Malaysia cũng cam kết mạnh mẽ chia sẻ kiến thức và kinh nghiệp cũng như tăng cường hợp tác với các nước khác vì mục tiêu phát triển công nghiệp Halal toàn cầu.

Ngoài ra, Indonesia với hơn 80% dân số là người Hồi giáo cũng là thị trường có nhu cầu thực phẩm Halal rất lớn. Nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là người hồi giáo về thực phẩm Halal có chất lượng cao và an toàn đang ngày một gia tăng. Người tiêu dùng mong muốn được bảo đảm về tính hợp pháp của các sản phẩm, như Giấy chứng nhận cho sản phẩm được hội đồng Ulama của Indonesia (MUI) cấp.

 

Halal – giấy thông hành vào thị trường Hồi giáo

Ông Mohammed Omar Trần Xuân Giáp cho biết: Halal được xem là giấy thông hành của sản phẩm cho người tiêu dùng Hồi giáo. Người Hồi giáo đi mua hàng thường khó xác định sản phẩm nào là Halal. Chính vì vậy, sử dụng logo chứng nhận Halal sẽ tạo niềm tin và đảm bảo cho người tiêu dùng Hồi giáo.

Để được chứng nhận Halal, các doanh nghiệp có thể nộp đơn xin cấp chứng thư Halal và cam kết không vi phạm các hướng dẫn gửi đến Văn phòng Chứng nhận Halal tại Việt Nam. Kèm theo hồ sơ gồm có danh mục sản phẩm xin chứng nhận Halal, bản sao công bố tiêu chuẩn chất lượng do ngành y tế – dự phòng cấp, quy trình và sơ đồ sản xuất các sản phẩm chứng nhận. Trường hợp không có bản công bố thì doanh nghiệp lập bản danh mục thành phần, quy trình sản xuất của những sản phẩm xin cấp chứng nhận Halal.

Theo ông Mohammed Omar Trần Xuân Giáp, yêu cầu cơ bản khi chứng nhận Halal là nguyên liệu sản xuất sản phẩm phải là Halal. Không sử dụng cồn dưới mọi hình thức để cho trực tiếp vào sản phẩm (trừ thuốc trữa bệnh).

Đặc biệt, đối với cộng đồng Hồi giáo, lợn là động vật cấm nghiêm ngặt nhất. Vì vậy, không được sử dụng thịt lợn hoặc bất kỳ sản phẩm nào chế biến từ thịt lợn, mỡ lợn. Đồng thời cấm nghiêm ngặt không sử dụng máu và các sản phẩm từ máu.

Halal cũng không được cấp cho những sản phẩm không phải là thịt nhưng có hương vị lợn. Các loại gia vị có nguồn gốc từ động vật như Gellatine, dầu mỡ gà, vịt, bò… phải có chứng nhận nguồn gốc Halal (Các động vật này phải được giết mổ theo nghi lễ đạo Hồi (zabihah)). Trong quá trình chuẩn bị, chế biến, vận chuyển và bảo quản các sản phẩm Halal phải giữ không được tiếp xúc với các sản phẩm không phải Halal. Dây chuyền sản xuất phải được tẩy uế làm sạch. Các điều kiện về nhà xưởng và vệ sinh an toàn phải đảm bảo…

Văn phòng Chứng nhận Halal tại Việt Nam sẽ tiến hành kiểm tra thực tế tại nơi sản xuất để xem xét, xác định sản phẩm được sản xuất chế biến trong những điều kiện phù hợp với các yêu cầu của Halal. Trong đó bao gồm cả khâu kiểm tra sản phẩm mẫu. Căn cứ vào báo cáo khảo sát thực tế mà Văn phòng sẽ xem xét cấp Halal và cho phép sử dụng logo Halal cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Chứng nhận này có giá trị trong vòng 1 năm.

Mohammed Omar Trần Xuân Giáp lưu ý các doanh nghiệp, sau khi được cấp chứng nhận Halal, định kỳ 6 tháng được giám sát lại hoặc có thể đột xuất Ban đại diện sẽ thực hiện kiểm tra doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp vi phạm những tiêu chuẩn Halal có thể bị thu hồi chứng nhận Halal bất cứ lúc nào. Khi hết hạn Halal, doanh nghiệp có nhu cầu phải tiếp tục xin cấp hiệu lực mới. Yêu cầu tiếp tục này phải thực hiện ít nhất 1 tháng trước khi hết hạn.

Nhân Trí

Theo Tiếng Nói VN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!