Những năm qua, Hội Nghề cá Việt Nam cùng các cấp Hội đã có nhiều hoạt động phối hợp với các cơ quan, đơn vị góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên và thực hiện các nhiệm vụ của ngành thủy sản… Hội thực sự trở thành cánh tay nối dài của ngành, điểm tựa vững chắc cho hội viên, nông – ngư dân.
Hội Nghề cá là điểm tựa vững chắc cho hội viên, nông – ngư dân
Hoạt động sôi nổi
Về công tác tổ chức, Hội Nghề cá Việt Nam đã công nhận và bổ sung 2 ủy viên Ban Chấp hành và 1 Phó Trưởng ban Hợp tác quốc tế; kết nạp thêm 2 đơn vị hội viên tập thể (Công ty CP SX TM VMC Việt Nam và Công ty TNHH Việt Thắng Lợi), nâng số hội viên tập thể của Hội lên con số 80. Cùng đó, nhiều Tỉnh hội cũng thường xuyên kiện toàn tổ chức và phát triển hội viên cơ sở, tích cực tham gia hoạt động, góp phần nâng cao vị thế của Hội.
Hội đã lên tiếng kịp thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, ngư dân, phản đối các hành vi của nước ngoài xâm phạm quyền lợi của ngư dân và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, như: Phản đối Trung Quốc đơn phương ban hành Quy chế nghỉ đánh bắt cá trên Biển Đông trong đó có vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam; phản đối Trung Quốc cản trở, đâm húc gây chìm tàu của ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam… Đồng thời, kiến nghị cơ quan chức năng Việt Nam, các địa phương tăng cường biện pháp hỗ trợ ngư dân khai thác trên biển.
Hội cũng tham gia tích cực tuyên truyền thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, phản ánh những khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện, kiến nghị cơ quan chức năng kịp thời giải quyết; chỉ đạo hướng dẫn các Tỉnh hội phối hợp triển khai tháo gỡ “thẻ vàng” của EC. Đồng thời, kêu gọi hội viên, ngư dân và các doanh nghiệp thực hiện cam kết “Nói không với đánh bắt IUU”. Kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan về Luật Tiêu chuẩn – Quy chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, Hội tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia hạn chế ô nhiễm rác thải nhựa, nilon do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi; tuyên truyền về biển theo kế hoạch của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Về phát triển sản xuất, thông qua các hội nghị, hội thảo về thủy sản, Hội đã trực tiếp phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kiến nghị cơ quan chức năng kịp thời giải quyết. Nhiều Tỉnh hội đã chủ động tranh thủ sự hỗ trợ của Khuyến nông, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Chi cục Thủy sản các địa phương triển khai các đề tài, dự án, mô hình kỹ thuật, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ thủy sản có kết quả.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đó, hoạt động của Hội Nghề cá tại Trung ương và các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều Tỉnh hội hoạt động còn lung túng, thiếu hiệu quả; chưa thu hút được đông đảo các tổ chức, cá nhân tham gia; chưa xây dựng được tổ chức hội cơ sở; Ban Chấp hành liên tục biến động. Sự phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chuyên ngành còn hạn chế. Công tác bảo vệ quyền lợi của hội viên, bà con ngư, nông dân và hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn khó khăn, hạn chế…
Đổi mới
Trong những tháng cuối năm, hoạt động Hội tiếp tục tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như: Củng cố và phát triển hệ thống tổ chức; Tiếp tục bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên và ngư dân, nông dân; Tham gia thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch ngành thủy sản năm 2019; Tham gia các chương trình, dự án, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và mở rộng hợp tác quốc tế… Tập trung chuẩn bị tốt cho Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm lần thứ 3 năm 2020 tại Cần Thơ; Phối hợp Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức hoạt động tặng cờ cho ngư dân, làm tốt công tác bình chọn khen thưởng các gương điển hình trong lao động sản xuất nhằm động viên, cổ vũ hội viên ngư dân tích cực lao động sản xuất, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu của ngành.
Để hoạt động của các Tỉnh hội có hiệu quả, đề nghị các cấp Hội địa phương chủ động, tích cực tham gia các hoạt động của ngành, tham gia tư vấn, phản biện sửa đổi chính sách, thể chế và phối hợp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về tái cơ cấu ngành thủy sản và xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển sản xuất ngành thủy sản, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân, nông dân. Cùng đó, kiến nghị Chính phủ và Bộ NN&PTNT sửa đổi, bổ sung một số chính sách phù hợp với đặc thù nghề cá, tăng cường nguồn vốn đầu tư cho phát triển thủy sản, nhất là đầu tư cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá (như cảng cá, khu neo đậu tàu cá); hạ tầng nuôi (như hệ thống điện, thủy lợi); tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu đầu tư trong lĩnh vực sản xuất theo chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu, ngăn chặn hành động gây ô nhiễm môi trường…
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết, trong thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Luật Thủy sản, góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của EC; hướng dẫn ngư dân chấp hành việc khai thác theo quy định, động viên ngư dân bám biển sản xuất, bảo vệ chủ quyền; lấy ý kiến của hội viên, ngư dân tại địa phương về tháo gỡ vướng mắc trong khai thác xa bờ nhất là quy định về hạn ngạch của Bộ NN&PTNT. Với tôm và cá tra, cập nhật tình hình sản xuất tại địa phương về vốn cho sản xuất, giá thành hay vấn đề nuôi tôm thẻ trong vùng nước ngọt tại Đồng Tháp… để có những kiến nghị cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất.
>> Hội Nghề cá Việt Nam hiện có 32 Tỉnh hội với hàng trăm nghìn hội viên, trong đó, 80 hội viên tập thể; 92 ủy viên Ban Chấp hành, trong đó 27 ủy viên Ban Thường vụ. Hội và các cấp Hội sẽ tiếp tục bám sát các chủ trương, chính sách của Nhà nước, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, các địa phương thực hiện phương hướng kế hoạch phát triển của ngành thủy sản. |
Hải Lý