Chung tay cứu “đại gia thủy sản” Phương Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 13/6/2013, Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam (Công ty Phương Nam) đã công bố giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch & Đầu tư Sóc Trăng cấp ngày 7/6/2013 (ảnh)…


Cơ cấu mới

Theo đó, người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Minh Trí, đại diện Công ty CP Dịch vụ Đất Việt – Hà Nội (Công ty Đất Việt) làm chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Phương Nam, góp vốn bằng 62,43% tổng vốn điều lệ 295 tỷ đồng. Ông Trần Văn Trí (chồng bà Phạm Thị Diệu Hiền, Công ty CP Thủy sản Bình An – Bianfishco) góp 34,57%; còn lại 3% thuộc về cổ đông cũ Huỳnh Phúc Quế.

Trước khi điều hành Công ty Phương Nam, ông Nguyễn Minh Trí là Phó Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại CP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), một chủ nợ lớn của đại gia thủy sản Phương Nam, với hơn 328 tỷ đồng.

Để tái cơ cấu doanh nghiệp, Công ty Đất Việt mua lại nợ của LienVietPostBank. Ông Nguyễn Minh Trí được miễn nhiệm Phó Tổng giám đốc LienVietPostBank, sang ký hợp đồng làm việc với Công ty Đất Việt và được Công ty Đất Việt cử làm đại diện vốn góp vào Công ty Phương Nam theo đề án tái cơ cấu.

Như vậy, thực tế Công ty Phương Nam chỉ còn nợ LienVietPostBank khoảng 228 tỷ đồng, sau khi trừ phần nợ bán cho Công ty Đất Việt.

Vốn điều lệ của Công ty 295 tỷ đồng. Bốn cổ đông gồm: LienVietPostBank góp vốn 62,43% thông qua bán nợ cho Công ty Đất Việt, Ngân hàng An Bình góp vốn 34,57% thông qua bán nợ cho ông Trần Văn Trí tham gia trực tiếp và cổ đông cũ Huỳnh Phúc Quế góp vốn 3%.

Ông Trần Văn Trí cho biết: HĐQT mới điều hành Công ty từ ngày 13/6/2013. Mục tiêu sản xuất – kinh doanh năm 2013 là đạt kim ngạch 25 triệu USD; năm 2014 đạt 50 triệu USD; sau 2015 đạt 70 – 80 triệu USD/năm. Lợi nhuận sẽ được trích một phần để trả dần các món nợ mà Công ty đã mất khả năng thanh toán và được ngân hàng khoanh lại.

Theo ông Nguyễn Minh Trí, trước mắt, Công ty thành lập ban kiểm tra lại các khoản nợ và đấu giá hàng tồn kho (khoảng 60 tỷ đồng) để chi trả cho những món nợ cần phải trả ngay. LienVietPostBank sẽ là nhà tài trợ chính giúp Công ty hoạt động trở lại, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.

Công ty TNHH Phương Nam được thành lập tháng 1/1998, vốn điều lệ 70 tỷ đồng; tháng 2/2010 chuyển đổi thành Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam, vốn điều lệ 295 tỷ đồng; ngành nghề chính là nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu. Thời hoàng kim, Công ty xuất khẩu tôm đạt kim ngạch gần 90 triệu USD/năm, thứ hai cả nước, giải quyết việc làm cho trên 3.000 người, nhất là người dân tộc Khmer. Lượng công nhân lúc cao điểm 3.200 người (năm 2009), nay còn 650 người.

Cuối năm 2011, Công ty Phương Nam rơi vào khủng hoảng khi ông chủ Lâm Ngọc Khuân bỏ đi Mỹ, để lại món nợ gần 1.600 tỷ đồng (ở 7 ngân hàng). Chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng NN&PTNT (gần 500 tỷ đồng); tiếp đến là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (340 tỷ đồng), LienVietPostBank (328 tỷ đồng), Sài Gòn Thương Tín (150 tỷ đồng); Vietcombank (147 tỷ đồng); An Bình (80 tỷ), Công Thương (8 tỷ đồng). Ngoài ra, Công ty còn nợ 37 người bán nguyên liệu, hoá chất, bao bì hơn 40 tỷ đồng. Ông Nguyễn Minh Trí cho biết, sẽ thanh lý hoặc chuyển những tài sản không tham gia sản xuất cho các ngân hàng chủ nợ để giảm công nợ.

 

Hy vọng mới

Theo thông báo tại buổi họp báo sáng 13/6, trong 3 năm tới, Công ty Phương Nam được ngân hàng miễn lãi với khoản nợ 1.600 tỷ đồng, để có cơ hội hoạt động trở lại, không bị phá sản.

Ông Trần Văn Trí được HĐQT cử làm tổ trưởng thanh lý tài sản không ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy để giảm dần nợ cho Công ty Phương Nam. Theo ông Trần Văn Trí, Công ty Phương Nam có nợ ngân hàng và có thế chấp tài sản tại ngân hàng; vì vậy, ngân hàng nếu muốn thu bán tài sản thế chấp để hồi vốn, cần có cơ quan định giá độc lập, để bảo đảm lợi ích cả hai bên.

Theo Chủ tịch HĐQT Nguyễn Minh Trí, sau khi thanh lý xong tài sản bên ngoài nhà máy và xử lý hàng tồn kho (khoảng 60 tỷ đồng), Công ty chỉ còn nợ khoảng 1.300 tỷ đồng và có thể mất cân đối 500 tỷ.

Để Công ty Phương Nam hoạt động hiệu quả, ngoài việc tuyển thêm 1.000 lao động, Công ty được các ngân hàng tạm ngưng tính lãi 3 năm (của toàn bộ số tiền 1.600 tỷ đồng đang nợ các ngân hàng) và khoanh, giãn nợ từ 3 đến 5 năm, tùy điều kiện mỗi ngân hàng. Đối với LienVietPostBank, nơi đây cam kết cho Công ty Phương Nam vay thêm vốn mới để mua nguyên liệu, sản xuất hàng cung cấp cho các hợp đồng vừa ký kết với đối tác truyền thống ở nước ngoài.

Các ngân hàng cũng đồng loạt hạ lãi vay còn 10%. Nợ cũ sẽ thanh toán dần, khi Công ty làm ăn có lãi.

Trả lời báo chí về việc “thanh lý” nợ là bất động sản trước đây Công ty Phương Nam thế chấp, bà Trịnh Thị Mỹ Phượng, Phó Tổng giám đốc, cho biết: Biệt thự của ông Lâm Ngọc Khuân (nguyên Chủ tịch HĐQT) được Vietcombank định giá 38 tỷ đồng để cho vay, hiện nay Vietcombank định giá 42 tỷ đồng để thu hồi nợ.

Trước mắt, Vietcombank đã cho Công ty CP Xây dựng Sóc Trăng thuê biệt thự của ông Khuân để mở nhà hàng, khách sạn.

Theo ông Nguyễn Minh Trí, tới đây Công ty sẽ liên hệ các ngân hàng chủ nợ, xem lại việc cấn trừ tài sản để thu hồi nợ, nhằm đảm bảo lợi ích cả hai bên.

>> Việc các ngân hàng chung tay “giải cứu” Công ty Phương Nam được dư luận đánh giá cao, bởi đây là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thuộc loại lớn nhất nước. Công ty này hồi sinh còn là tín hiệu tốt cho cả những nhà cung cấp và người lao động địa phương.

Cao Xuân Lương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!