(TSVN) – Ngày 5/2/2021, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 687/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020 – 2030. Đây được coi là cơ sở vững chắc để ngành thủy sản bắt tay hành động. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra cần sự chung tay góp sức của tất cả các bên gồm cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ… Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của những người trong cuộc.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản)
Căn cứ quan trọng để bắt tay hành động
Quản lý tốt nguồn rác thải nhựa trong sản xuất thủy sản góp phần nâng cao hiệu quả, cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững các chuỗi sản xuất trong ngành thủy sản. Để thực hiện các mục tiêu quản lý rác thải nhựa một cách đồng bộ trong ngành thủy sản cần thiết phải có kế hoạch cụ thể với nguồn lực lớn và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương, cộng đồng ngư dân và các bên có liên quan như các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp… Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương trong ngành thủy sản được Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-BNN-TCTS ngày 5/2/2021 là căn cứ quan trọng để ngành thủy sản bắt tay thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ trong giải quyết vấn nạn rác thải nhựa. Để bản Kế hoạch này được ra đời có sự đóng góp công sức không hề nhỏ của đội ngũ các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, cộng đồng ngư dân và các tổ chức quốc tế. Xây dựng đã khó, để Kế hoạch đi vào thực thi còn khó gấp nhiều lần. Tuy nhiên, tôi tin rằng với sự đồng lòng và quyết tâm của các cấp lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương và các bên có liên quan, ngành thủy sản sẽ hoàn thành được các mục tiêu đặt ra, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành và bảo vệ một đại dương xanh đúng nghĩa.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực VINAFIS
Chung tay, góp sức cùng ngành thủy sản
Rác thải nhựa đại dương trở thành “vấn nạn” toàn cầu và là một trong những vấn đề môi trường ưu tiên trong thời gian tới ở các cấp độ. Dự báo đến năm 2025, một tấn rác thải nhựa trên 3 tấn cá và đến năm 2050 - rác thải nhựa nhiều hơn cá (nếu không hành động hiệu quả). Tức là đại dương có thể trở thành một “Bát súp nhựa” khổng lồ. Đặc biệt, Biển Đông và biển Việt Nam được định vị là nơi tập trung khá cao rác thải nhựa không được quản lý tốt. Nhận thức rõ điều đó, Đảng và Chính phủ đã cam kết với quốc tế và huy động cả hệ thống chính trị ở nước ta cùng vào “cuộc chiến” chống lại rác thải nhựa để duy trì một tương lai xanh và bền vững. Thủy sản là ngành đi tiên phong trong cuộc chiến chống lại rác thải nhựa, thể hiện quyết tâm giữ vững vị trí “then chốt” trong kinh tế biển đất nước. Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) thời gian qua luôn bên cạnh những người lao động thủy sản, “chia ngọt sẻ bùi” trong bối cảnh gia tăng thiên tai, nhân tai, đại dịch COVID-19 và vấn nạn rác thải nhựa. Hội đã, đang và sẽ chung tay, góp sức với ngành thủy sản và Bộ NN&PTNT trong công tác tuyên truyền, phòng, chống rác thải nhựa trong thủy sản, bảo vệ sức khỏe của người dân và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc quốc gia của IDH tại Việt Nam
IDH cam kết tiếp tục đồng hành triển khai kế hoạch
Thay mặt Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH), tôi xin chúc mừng ngành thủy sản, một trong những ngành đầu tiên đã xây dựng thành công kế hoạch hành động về giảm rác thải nhựa riêng cho ngành mình cho giai đoạn 2020 - 2030. Để xây dựng kế hoạch hành động này, Tổng cục Thủy sản đã huy động được sự hỗ trợ hiệu quả về tài chính và kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế quan tâm đến vấn đề rác thải nhựa, trong đó có IDH. Đây cũng là một ví dụ điển hình về mô hình hợp tác công tư để giải quyết các vấn đề của ngành mà Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản đang thúc đẩy. Với việc kế hoạch hành động quốc gia này đã được phê duyệt và có hiệu lực, sẽ đưa ra khung định hướng để các bên liên quan có những hoạt động hợp tác cụ thể và thiết thực hơn để góp phần giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản. IDH cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Tổng cục Thủy sản trong việc triển khai thực hiện kế hoạch hành động này, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác với các doanh nghiệp trong việc thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa từ NTTS.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Điều phối viên của WWF - Việt Nam
WWF sớm bắt tay giảm thiểu rác thải nhựa
Là một tổ chức bảo tồn hàng đầu tại Việt Nam, trong hơn 20 năm qua, WWF đã đồng hành cùng ngành thủy sản trong nhiều hoạt động từ cấp Trung ương đến địa phương. Xuất phát từ hoạt động bảo tồn rùa biển và hỗ trợ cộng đồng ngư dân tại các khu bảo tồn biển (BTB), WWF đã sớm bắt đầu các dự án về giảm thiểu rác nhựa ở khu BTB. Dự án đầu tiên “Phú Quốc - Hướng tới hòn đảo không rác thải nhựa” được triển khai tại Phú Quốc, trong 2 năm 2018 - 2020. Khi xây dựng Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” (2020 - 2023, do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường chủ trì), WWF đã xác định một trong 4 hợp phần quan trọng của Dự án là giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản và tại các khu BTB. Trong khuôn khổ 4 năm, Dự án sẽ hỗ trợ Tổng cục Thủy sản các hoạt động từ nghiên cứu, xây dựng kế hoạch hành động, truyền thông, tới thí điểm các mô hình giảm rác nhựa trong khai thác và NTTS, làm cơ sở cho việc ban hành các quy định quản lý lâu dài phù hợp.
Bà Bùi Thị Thu Hiền, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN)
Tiếp tục hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động
IUCN, Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đồng hành cùng Tổng cục Thủy sản trong việc xây dựng Kế hoạch hành động giảm thiểu ô nhiễm nhựa ngành thủy sản bằng việc tổ chức hội thảo đầu tiên vào tháng 10/2019 dựa trên kết quả giám sát rác thải trên 30 bãi biển của Việt Nam. Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương trong ngành thủy sản đã được phê duyệt vào ngày 5/2/2021 và đó là cơ sở để IUCN cùng các đối tác khác tiếp tục hỗ trợ Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT trong việc thực hiện các hoạt động ưu tiên của Kế hoạch này. Đồng hành với Tổng cục Thủy sản, năm 2021, IUCN cùng với các đối tác tiếp tục thực hiện chương trình giám sát rác thải nhựa bãi biển năm thứ 3 tại 11 khu bảo tồn biển; tập huấn về phương pháp gỡ lưới ma ở các rạn san hô, thảm cỏ biển và xây dựng phương pháp thu thập số liệu về lưới ma cho Việt Nam, phân tích số liệu và khuyến nghị chính sách…
Thu Hồng (Thực hiện)
Mục tiêu, giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất ngành thủy sản, từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương theo tiếp cận từ đầu nguồn tới đại dương, kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế xanh; nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội của cộng đồng nông, ngư dân, các doanh nghiệp về rác thải nhựa, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, từ 10% trở lên tàu khai thác thủy sản và cơ sở nuôi trồng thủy sản thay thế một số vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng vật liệu thân thiện môi trường hoặc nhựa sử dụng nhiều lần; Giảm 30% sử dụng phao xốp trong nuôi biển; Từ 30% trở lên cơ sở chế biến thủy sản quy mô nhỏ thay thế 30% túi nhựa dùng một lần bằng loại vật liệu thân thiện môi trường hoặc sử dụng nhựa nhiều lần. Cùng đó, nâng cao tỷ lệ thu gom, phân loại, tái sử dụng, xử lý rác thải nhựa từ các hoạt động sản xuất thủy sản; đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản... Giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục nâng cao nhận thức của các bên liên quan về việc giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản; Giảm thiểu sử dụng loại vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng nhựa dùng một lần. Trong đó, từ 20% trở lên tàu khai thác thủy sản và cơ sở nuôi trồng thủy sản thay thế một số vật tư, dụng cụ chuyên dùng bằng vật liệu thân thiện môi trường hoặc nhựa sử dụng nhiều lần; giảm 50% sử dụng phao xốp trong nuôi biển; Từ 80% trở lên cơ sở chế biến thủy sản quy mô nhỏ thay thế 30% túi nhựa dùng một lần bằng loại thân thiện môi trường hoặc nhựa sử dụng nhiều lần… Để hoàn thành mục tiêu này, kế hoạch hành động tập trung vào 6 nhiệm vụ, gồm: Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và thay đổi thói quen của cộng đồng ngư dân và các bên có liên quan; Xây dựng và hoàn thiện văn bản quản lý nhà nước về quản lý rác thải nhựa đại dương trong ngành thủy sản; Giảm thiểu rác thải nhựa, thu gom, phân loại từ nguồn, tái sử dụng, tái chế và từng bước thay thế sử dụng vật tư chuyên dùng bằng nhựa trong ngành thủy sản; Nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ liên quan đến quản lý rác thải nhựa đại dương trong ngành thủy sản; Tăng cường hợp tác quốc tế.