(TSVN) – Ngày 25/9/2020, tại Quảng Ninh, Tổng cục Thủy sản phối hợp cùng Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Sở NN&PTNT Quảng Ninh và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (Greenhub) tổ chức hội thảo “Quản lý rác thải nhựa đại dương hướng tới bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sống của các loài thủy hải sản”.
Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất hiện nay. Nó đang gây ra những mối nguy hiểm nghiêm trọng cho các loài sinh vật biển. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ước tính trên thế giới mỗi năm có khoảng 640.000 tấn ngư cụ bị bỏ lại trên biển.
Ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1746/QĐ-TTg về Kế hoạch Hành động quốc gia quản lý rác thải nhựa đại dương. Mục tiêu đến năm 2030, khoảng 75% lượng rác thải nhựa được giảm; 100% lưới đánh cá bị thất lạc hoặc bỏ đi sẽ được thu gom; 100% các vùng ven biển, các điểm du lịch, cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch khác không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần bao gồm túi nilon; 100% các Khu Bảo tồn biển không có rác thải nhựa.
Đại diện các nhóm đơn vị cam kết tự nguyện cùng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa từ hoạt động thủy sản. Ảnh: Văn Ngân
Để hiện thực hóa Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời hướng tới một ngành thủy sản có trách nhiệm và phát triển bền vững, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020 – 2030. Tuy nhiên, rác thải nhựa đại dương là vấn nạn toàn cầu, để giải quyết được thì cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh, một cá nhân, một tổ chức hay thậm chí một ngành nếu hành động riêng lẻ sẽ không thể đạt được kết quả mong đợi. Hội thảo này là một cơ hội, một diễn đàn để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kết quả và kết nối các bên có liên quan, cùng nhau cam kết, đồng hành trong việc hướng tới giảm thiểu rác thải nhựa đại dương hôm nay và tương lai.
Tại hội thảo, đại diện tổ chức IUCN, GreenHub cũng đã chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế về giảm rác thải nhựa trong đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, là kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh, địa phương tiên phong trong việc giảm thiểu rác thải nhựa trong nuôi trồng thủy sản trên biển.
Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm tái chế từ rác thải. Ảnh: Văn Ngân
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, đại diện các bên đã cùng ký cam kết tự nguyện chung tay giảm thiểu rác thải nhựa từ hoạt động thủy sản. Riêng Tổng cục Thủy sản và IUCN ký “Biên bản Ghi nhớ” giai đoạn 2020 – 2025; tập trung vào 5 lĩnh vực hợp tác là: Triển khai thực hiện Kế hoạch Hành động về bảo tồn rùa biển đến năm 2025; Nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các Khu Bảo tồn biển; Hỗ trợ cải thiện khung pháp lý và thiết lập cơ sở khoa học cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi Thủy sản; Quản lý và bảo tồn các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; và Quản lý hệ sinh thái, môi trường sống của các loài thủy sản. Bản ghi nhớ này tiếp nối những kết quả đạt được sau “Biên bản Ghi nhớ” hợp tác giữa hai bên trong giai đoạn 2015 – 2020.