Chuỗi cá tra: Xây dựng kịch bản sản xuất trong bối cảnh mới

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Chiều 25/9, tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đã chủ trì Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội với 8 tỉnh nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL. Rất nhiều đề xuất, kiến nghị được bàn luận, nhằm sớm đưa ngành cá tra phục hồi lại trong tình hình hậu COVID.

Liên tiếp khó khăn

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho thấy, dù nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra vẫn được duy trì, nhưng gặp nhiều khó khăn. Đối với giống cá tra, tính đến 15/9/2021, tổng lượng sản xuất được khoảng 2,33 tỷ con giống, đáp ứng 100% nhu cầu nuôi thương phẩm, trong đó tập trung nhiều nhất ở An Giang (1,07 tỷ con giống), Đồng Tháp (0,75 tỷ con giống). Tuy nhiên, giá cá tra giống loại 30 con/kg hiện chỉ ở mức 18.000 – 19.000 đồng/kg, thấp hơn 1.000 – 1.500 đồng/kg so tháng 7, 8/2021. Về diện tích thả nuôi cá tra mới, tính đến 15/9/2021, đạt 3.516 ha, bằng 74,3% so cùng kỳ năm 2020. Diện tích thả nuôi cá tra trong 2 tháng giãn cách xã hội (tháng 7, 8) giảm khoảng 50 – 55% so các tháng trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Sản lượng cá tra thu hoạch ước đạt 932.000 tấn, bằng 81,1% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng thu hoạch trong tháng 7 giảm 20%, tháng 8 giảm 44,9%, đặc biệt nửa tháng đầu tháng 9/2021 giảm đến 77% so cùng kỳ. Giá cá tra thương phẩm loại 1 hiện ở mức 21.000 – 22.000 đồng/kg, thấp hơn 500 đồng/kg so thời điểm trước khi thực hiện giãn cách xã hội.

Đến cuối tháng 7/2021, đã có 120/449 cơ sở chế biến cá tra ngừng sản xuất (chiếm 27,6%), đến đầu tháng 9/2021, có 176/449 cơ sở ngừng sản xuất (chiếm 39,2%), do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện “3 tại chỗ”. Có 52/106 nhà máy chế biến thủy sản cá tra tại 5 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng hoạt động (chiếm tỷ lệ 49%). Ngoài ra, do thiếu công nhân và chia ca để phòng, chống dịch nên tổng công suất chỉ khoảng 30 – 40% so trước khi giãn cách toàn vùng (đầu tháng 7/2021). Đến nay, ngành nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra vẫn gặp nhiều khó khăn khi số công nhân đi làm giảm, tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 1 mới đạt từ 10 – 90% (tùy địa phương, doanh nghiệp), tiêm đủ 2 mũi chỉ khoảng 10%; việc đi lại giữa các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn… 

Đại diện Sở NN&PTNT Hậu Giang thông tin, từ tháng 7 đến nay, nhiều hộ nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh không bán được cá do không có doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua vì tạm ngưng hoạt động do dịch COVID-19. Bên cạnh đó, giá thức ăn viên công nghiệp tăng từ 15 – 20%, trong khi giá bán cá tra thương phẩm lại ở mức thấp. Mặt khác, tuy người nuôi cá tra có đăng ký bán cá trên một số sàn thương mại điện tử nhưng không có người liên hệ thu mua. Tại tỉnh Tiền Giang, từ tháng 8 có trên 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch, chỉ còn 4 doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, với công suất chỉ đạt khoảng 50%.

Còn theo thống kê của VASEP, hiện chỉ có khoảng 14 nhà máy cá tra vẫn đang hoạt động “3 tại chỗ”, tại 6 tỉnh nuôi cá tra trọng điểm với công suất sản xuất 20 – 30%. Bước vào tháng 10/2021, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa lên được kế hoạch mở lại sản xuất. Kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 8/2021 đã giảm 28,5% và tháng 9  giảm tới trên 30% so cùng kỳ năm trước. Với tình hình hiện nay, nhiều doanh nghiệp sẽ mất những đơn hàng cuối năm và không dám nhận những đơn hàng mới.

Rốt ráo giải pháp tháo gỡ

Ông  Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, để hỗ trợ các nhà máy chế biến cá tra sớm hoạt động trở lại với công suất tối đa, cần tháo gỡ các khó khăn về nhân lực và vận chuyển, thu hoạch, cung ứng vật tư giữa các tỉnh. Kiểm soát chặt chẽ giá và chất lượng vật tư đầu vào cho sản xuất. Đồng thời, các địa phương cần xây dựng kế hoạch sản xuất đảm bảo đủ nguyên liệu phục vụ cho chế biến, xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Về lâu dài, cần tiếp tục triển khai dự án cá tra 3 cấp và sản phẩm quốc gia cá da trơn.

Phó Tổng thư ký VASEP Tô Thị Tường Lan chia sẻ, Cơ quan kiểm soát dịch bệnh (CDC) nên có Bộ hướng dẫn “Bảo vệ người lao động; hướng dẫn về việc giảm thiểu và phòng ngừa lây lan COVID tại nơi làm việc” cho chủ doanh nghiệp trong chiến lược chống dịch mới: sống và làm việc chung với dịch bệnh. Bộ hướng dẫn mới này xem như cẩm nang cho phép mỗi doanh nghiệp xây dựng và trình phương án sản xuất cụ thể với Sở y tế và CDC địa phương nhằm đảm bảo an toàn và sản xuất liên tục. Bộ hướng dẫn cũng giúp hướng dẫn thống nhất, nhất quán giữa các địa phương tạo thuận lợi cho việc di chuyển, vận chuyển hàng hóa thông suốt giữa các địa phương.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị, cần điều chỉnh linh hoạt các quy định chống dịch và phương án phục hồi kinh tế. Tạo cơ chế thông thoáng, thống nhất giữa các tỉnh có nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu để viêc đi lại chăm sóc thả giống của người nuôi được tiếp tục thuận lợi; xem xét cho phép công đoàn thu hoạch cá di chuyển giữa các huyện và liên tỉnh. Chính phủ xem xét và ban hành các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như lãi suất giảm lãi suất ngân hàng, giãn nợ, thuế… để doanh nghiệp mạnh dạn tính các bài toán khôi phục kinh tế. 

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn đề xuất, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi, kiến nghị các tỉnh nuôi và chế biến cá tra ra tuyên bố chung công nhận công đoàn đã và đang thực hiện 3 tại chỗ, cấp “thẻ xanh công đoàn thu hoạch cá liên tỉnh”. Công đoàn này được công nhận kết quả lịch sử kiểm soát COVID-19, không phải cách ly khi vào thu hoạch cá ở ngoài tỉnh. Đồng thời, đề xuất liên tỉnh cho phép người lao động sản xuất, chế biến, nuôi, thu hoạch cá tra có thể đến nhà máy chế biến ngoài tỉnh, ao nuôi ở các địa bàn thực hiện Chỉ thị 15 trên cơ sở thực hiện đúng quy định kiểm soát dịch bệnh của đơn vị, tiến đến công nhận “thẻ xanh công nhân” liên tỉnh. Cùng đó, đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian phê duyệt thủ tục di chuyển của công đoàn thu hoạch ngoài tỉnh không quá ba ngày… giãn cách xã hội và các quy định nghiêm ngặt hạn chế đi lại đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng từ nuôi cá thịt đến nhà máy, do không có công đoàn thu hoạch vì lao động không thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác; sang năm 2022 có thể sẽ thiếu giống cá tra dẫn đến thiếu nguyên liệu cục bộ.

Về phía các địa phương, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, phương án sản xuất “3 tại chỗ” chỉ là tạm thời trong thời điểm dịch căng thẳng, không phải là giải pháp căn cơ, lâu dài bởi hiệu quả không cao. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị các phương án sản xuất thích ứng với từng tình huống; chia nhiều dây chuyền, ca, kíp sản xuất để hạn chế thiệt hại khi có ca nhiễm. Đối với các doanh nghiệp thủy sản lớn, cần xây dựng nhiều nhà máy ở nhiều tỉnh khác nhau để linh hoạt tăng, giảm công suất theo tình hình dịch bệnh. Trong công tác phòng, chống dịch, An Giang tiến hành khoanh vùng nhỏ nhất nhằm hạn chế ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dân. Về lâu dài, có thể nghiên cứu cấp “thẻ xanh” cho công nhân ở vùng xanh, vùng vàng có kiểm soát được đi lại nơi sản xuất; đối với công nhân vùng cam, nếu được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và kiểm soát dịch bệnh, cũng được tham gia vào dây chuyền sản xuất… Ông Thư cũng đề nghị, các tỉnh ĐBSCL cần có tiếng nói chung trong quy định đi lại, kiểm soát phương tiện, con người; cùng đưa ra công thức chung trong kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là hoạt động có tính chất liên vùng như chuỗi sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Đối với Bộ Tài chính, cần có chính sách hỗ trợ về thuế; Ngân hàng Nhà nước có chính sách về vốn, lãi suất, khoanh nhợ, giãn nợ nhằm giúp các doanh nghiệp thủy sản phục hồi sản xuất. 

Tại tỉnh Đồng Tháp, hiện tỉnh cũng quyết liệt thực hiện các phương án hỗ trợ, khôi phục hoạt động, sản xuất kinh doanh bám sát với bối cảnh kiểm soát dịch trên nguyên tắc mở dần từng bước lộ trình bình thường mới đối với các vùng và phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong đề nghị, ngành y tế có hướng dẫn xử lý khi có tình huống, thống nhất quy định, quy trình, cách làm hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp; cũng như có cơ chế thực hiện liên tỉnh. Thời điểm này, cần tính toán sao cho an toàn trong quá trình sản xuất của mình và an toàn trong câu chuyện phòng, chống dịch của từng địa phương. Tinh thần là phải duy trì được các doanh nghiệp hiện nay, tạo thêm điều kiện để các doanh nghiệp khác quay trở lại hoạt động.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị, Bộ Y tế cần sớm đưa ra kịch bản hướng dẫn cho các doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới. Cùng đó, đây cũng là dịp 13 tỉnh ĐBSCL thử nghiệm liên kết vùng theo Nghị quyết 120, mở rộng phát triển không gian kinh tế vùng. Đối với chuỗi ngành hàng cá tra cần phải liên kết thành một thực thể kinh tế. Các tỉnh ĐBSCL cần xây dựng lại chiến lược phát triển cho con cá tra dài hơi. Thủ tướng cũng đang rất trăn trở về vấn đề này, kể cả việc ách tắc trong chuỗi sản xuất. Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các địa phương đã thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID -19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để thực hiện vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Do vậy, đề nghị các địa phương, doanh nghiệp cần tạo ra một khí thế mới sau đại dịch. Cùng đó, “an toàn” và “linh hoạt” là hai yếu tố mang tính sống còn hiện nay; bên cạnh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch hiệu quả, cần linh hoạt các phương thức, quy trình thực hiện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Diệu An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!