(Thủy sản Việt Nam) – Trong Hội nghị Tổng kết Chương trình Phát triển Nuôi trồng thủy sản (NTTS) giai đoạn 2000 – 2010 (Chương trình 224) và kế hoạch phát triển đến năm 2020 tổ chức tại Cát Bà ngày 1/4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã nhấn mạnh: Kết quả đạt được của Chương trình 224 là động lực quan trọng phát triển ngành thủy sản 10 năm tiếp theo. Bên cạnh những thành công đạt được, Chương trình 224 còn không ít khó khăn và hạn chế. Những bài học kinh nghiệm được rút ra là cơ sở qua
Ông Đào Công Thiên – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa: Đầu tư chưa thỏa đáng
Hiện nay, quá trình đô thị hóa, du lịch hóa đất nước, vùng bãi triều, ven biển của tỉnh Khánh Hòa bị thu hẹp dần. Diện tích nuôi trồng thủy sản giảm đáng kể. Trước năm 2000, diện tích nuôi thủy sản của tỉnh là 7.000 ha, nay chỉ còn 3.000 ha. Việc quy hoạch tổng thể nuôi biển theo Chương trình 126, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện nhưng vẫn còn rất hạn chế. Vấn đề chính ở đây là cơ cấu đầu tư chưa thỏa đáng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng như: lồng bè, tàu thuyền, con giống… Bên cạnh đó, việc kiểm soát chất lượng con giống thủy sản, đảm bảo cung cấp con giống tốt cũng cần được quan tâm, nhằm giảm thiệt hại cho ngư dân.
Ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An: Cần phân công rõ nhiệm vụ quản lý
Năm vừa qua, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của Long An đạt 35.000 tấn, tổng giá trị sản xuất đạt 731 tỷ đồng. Để thực hiện hiệu quả NTTS giai đoạn tiếp theo, tỉnh Long An đã đưa ra một số kiến nghị cụ thể như: phân công rõ nhiệm vụ giữa các đơn vị quản lý nuôi thủy sản của các tỉnh, hướng dẫn về tổ chức thanh tra Sở, thanh tra chuyên ngành ở các Chi cục để có sự thống nhất chung trên toàn quốc, hướng dẫn chuyên môn cho các đơn vị quản lý về mảng thủy sản, đặc biệt là quan trắc cảnh báo cho người nuôi tôm… Quản lý chặt chẽ giá, chất lượng thức ăn thủy sản nhằm bình ổn giá giúp ngư dân yên tâm nuôi trồng. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ trình Chính phủ những chính sách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ.
TS. Trần Ngọc Hùng – Khoa Nông Lâm Ngư, Trường Đại học Vinh: Nguồn nhân lực phát triển NTTS còn thiếu và yếu
Phải khẳng định, Chương trình 224 đã rất thành công, tạo nên một cú hích cộng hưởng lớn cho doanh nghiệp, người dân và các thành phẩn khác… Sự phát triển mạnh mẽ giúp ngành thủy sản khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Đây cũng là bài học kinh nghiệm rút ra cho ngành thủy sản. Thiết kế chương trình, quy hoạch cần gắn với kinh tế thị trường, nhìn nhận thách thức cũng như cơ hội để phát triển quy hoạch. Ví dụ như bài học nuôi biển, chúng ta không dựa vào kinh tế thị trường sẽ không có thị trường đầu ra cho sản phẩm… Chuyển đổi kinh tế nuôi trồng chiếm tỷ trọng chủ yếu thay thế khai thác đang diễn ra mạnh mẽ nhưng chưa chuyên nghiệp hóa và chưa đủ. Đặc biệt là nguồn nhân lực. Hiện, chủ yếu là người dân trồng lúa bắt tay sang NTTS, chưa phải là một đội ngũ chuyên nghiệp được đào tạo một cách bài bản về nuôi trồng. Chính vì người nuôi thiếu chuyên nghiệp nên sản phẩm thủy sản thiếu những tiêu chuẩn hóa khi tham gia thị trường thế giới, gặp nhiều trở ngại.
TS. Lê Xân – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS I: Khẩn trương xây dựng cơ chế tài chính
Chương trình 126 không đi vào thực tiễn, bởi chúng ta chỉ có quyết định không có chính sách kèm theo, không có kinh phí cũng như cơ chế tài chính rõ ràng. Vì vậy, sau khi có quyết định ban hành, Bộ NN&PTNT cần bàn bạc với Bộ Tài chính để giải quyết vấn đề, đưa ra những chính sách cụ thể. Quay lại với Chương trình 126, nếu không khẩn trương xây dựng cơ chế sử dụng nguồn kinh phí như thế nào, cho mục tiêu gì, tiêu chuẩn nào, thì nguồn kinh phí sẽ “dậm chân tại chỗ” mà không tới được người NTTS.
Kết quả Chương trình phát triển NTTS giai đoạn 2000 – 2010:
Chương trình đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu từ NTTS là 3,5 tỷ USD (đạt 125% so với kế hoạch), giải quyết được 3,5 triệu việc làm cho người lao động (đạt 175% chỉ tiêu đề ra). Diện tích NTTS cả nước năm 2010 là 1.096.722 ha (đạt 109,68%). Sản lượng NTTS là 2.828.622 tấn (đạt 141,4%). Về cơ bản đã sản xuất giống đủ đáp ứng cho nhu cầu nuôi thương phẩm, đặc biệt là các đối tượng nuôi chủ lực như tôm nước lợ là 45 tỷ con (đạt 128,6% so với kế hoạch), cá tra là 2,36 tỷ con (đạt 337,25%), giống của một số loài thủy sản kinh tế và giống cá nước ngọt truyền thống là 27,5 tỷ con (đạt 229,2% so với kế hoạch). Ngoài ra, cơ sở hạ tầng vùng NTTS, vùng sản xuất giống tập trung từng bước được đầu tư hoàn thiện; hệ thống thủy lợi phục vụ NTTS được cải thiện; hệ thống các trung tâm quốc gia giống thủy sản, trung tâm giống thủy sản cấp I, trung tâm giống thủy sản các tỉnh, các khu vực sản xuất giống thủy sản tập trung được hình thành và đưa vào sử dụng có hiệu quả.
Vũ Mưa
(Ghi)