T3, 20/09/2022 03:13

Chương trình quốc gia khai thác thủy sản bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 19/9/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1090/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 – 2025, định hướng 2030 (Chương trình).

Nhiều mục tiêu trọng điểm

Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cắt giảm 10% hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi so với năm 2020; xác định sản lượng cho phép khai thác theo loài đối với nghề khai thác cá ngừ đại dương. 100% các tỉnh, thành phố ven biển xác định hạn ngạch tàu cá khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng thuộc phạm vi quản lý; 100% tàu cá hoạt động vùng khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và được cung cấp bản tin dự báo ngư trường phục vụ khai thác thủy sản hiệu quả.

Các địa phương xây dựng được ít nhất 3 mô hình, dự án thí điểm thuộc một trong những dự án, mô hình về: Chợ đầu mối, chợ bán đấu giá hải sản gắn với các cảng cá, trung tâm nghề cá của vùng, khu vực; Mô hình liên kết chuỗi khai thác – thu mua – bảo quản – tiêu thụ hải sản; Mô hình gắn khai thác, dịch vụ nghề cá với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại cảng cá, làng chài, làng nghề truyền thống ven biển.

Thực hiện giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác và nguyên liệu hải sản nhập khẩu; 100% tàu cá được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

Một trong các nhiệm vụ của Chương trình là phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm; Ảnh: Như Đồng

Hoàn thiện và cập nhật, khai thác và quản lý hiệu quả Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) trên toàn quốc; xây dựng và triển khai mô hình quản trị sổ hoạt động khai thác thủy sản ở Việt Nam.

Các nhiệm vụ trọng tâm

Phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm

Cụ thể, tổ chức, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, tiêu thụ sản phẩm thủy sản tham gia tích cực, phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chia sẻ lợi ích với ngư dân trong chuỗi giá trị sản xuất khai thác thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản khai thác. Khuyến khích, vận động thành lập Hội, Hiệp hội, thương lái, nậu vựa tại địa phương.

Xây dựng, phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với từng nghề, từng địa phương. Tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản khai thác tại thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.

Xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề, phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng nghề cá ven biển phù hợp với đặc thù của địa phương góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các vùng miền ven biển, tạo sinh kế thay thế cho các nghề khai thác thủy sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường từng bước tạo việc làm ổn định, nâng cao mức sống của cộng đồng ngư dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái vùng ven biển gắn với xây dựng nông thôn mới.

Xử lý nghiêm đối với các tàu cá vi phạm

Tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản. Cụ thể, tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý tàu cá theo hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản trên biển theo Luật Thủy sản 2017.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các tàu cá “3 không”. Đó là: Không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm. Xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản nhất là đối với các tàu cá vi phạm khai thác IUU; đánh bắt sai vùng, sai tuyến.

Tăng cường hơn nữa công tác giám sát, quản lý đối với hoạt động sửa chữa, đóng mới, cải hoán tàu cá, nhất là các doanh nghiệp sửa chữa, đóng mới cải hoán tàu cá liên vùng.

Tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định về cấm khai thác, tạm ngừng khai thác có thời hạn, vùng cấm khai thác, cấm theo nghề tại một số vùng biển, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản.

Nâng cao hiệu quả các cơ sở hậu cần nghề cá

Xây dựng các trung tâm nghề cá lớn, tích hợp đa giá trị, tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành để đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần, neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đảm bảo vệ sinh ATTP, giảm tổn thất sau thu hoạch. Thúc đẩy tổ chức mô hình chợ đầu mối thủy sản, chợ bán đấu giá sản phẩm hải sản để nâng cao giá trị.

Tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá

Nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó và xử lý tình huống tai nạn, sự cố tàu cá. Định kỳ tổ chức diễn tập các phương án ứng phó sự cố tàu cá trong khu vực cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và phương án tìm kiếm cứu nạn cứu hộ tàu cá trên biển, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, an toàn giúp ngư dân an tâm sản xuất khai thác thủy sản.

Xây dựng kế hoạch để đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng, trình độ cho thuyền trưởng, thuyền viên, máy trưởng, thợ máy. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn ngư dân về chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, hiện đại trong khai thác và bảo quản sản phẩm hải sản, vận hành, sử dụng các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại trên tàu cá.

Về tổ chức thực hiện, Bộ NN&PTNT là cơ quan chủ trì Chương trình, có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá toàn diện việc thực hiện Chương trình. Nghiên cứu, rà soát và cập nhật những nội dung phù hợp tác các quy định có liên quan của các nước để đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, nghiêm túc triển khai thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia là thành viên như: Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Hiệp định các biện pháp quốc gia cá cảng, Hiệp định thực thi các quy định Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa…

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!