(TSVN) – Bức tranh toàn cảnh ngành tôm 2023 đang diễn biến theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực, với những gam màu sáng tối đan xen. Dưới góc nhìn đó, ông Hồ Quốc Lực đã có chia sẻ với phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam về những suy nghĩ, cảm xúc của mình sau một năm 2023 điệp trùng khó khăn.
Khó khăn năm nào cũng có, và ngoài một phần lặp lại, còn “khuyến mãi” thêm cái khó mới. Cho nên, cũng không dễ để cho rằng khó khăn năm nào là “đỉnh”. Để giảm áp lực, chúng tôi động viên nhau, coi khó khăn là “bạn đồng hành”, là tất yếu. Cái còn lại là chúng tôi coi “người bạn đồng hành” này tính nết ra sao để “chiều chuộng” và tìm cơ hội “chia tay”. Riết rồi quen, cảm xúc sau mỗi lần vượt qua khó khăn, thật tình có niềm vui lan tỏa trong suy nghĩ, nhưng ngay sau đó chuẩn bị tâm thế đón chào “bạn đồng hành mới”!
Đã nói tăng trưởng thì đó là thành quả chung của cả chuỗi ngành hàng. Vấn đề là sự đóng góp vào thành công đó của mỗi mắt xích trong chuỗi ra sao. Mắt xích nuôi tôm của ta có thua kém so các nước khác cũng do hoàn cảnh khách quan. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, ngành nuôi trồng đã tạo ra gần triệu tấn tôm là thành quả đáng khích lệ. Cho nên, vấn đề là cố gắng giảm thiểu điểm chưa tốt của ngành nuôi và phát huy hơn nữa các thế mạnh đã và đang có.
Mọi sự vật, hiện tượng đều đang vận động và có hai mặt. Cho nên phải có cái nhìn phát triển và toàn diện để phán đoán bức tranh hoàn cảnh sắp tới, từ đó, có sách lược cho mình. Theo tôi, nên coi khó khăn là “bạn đồng hành” trên cuộc đua ở thương trường, ai biết rèn luyện và biết phân phối sức sẽ vượt lên.
Trong hoàn cảnh không tốt được dự báo trước ở năm 2023, Sao Ta đã có sự chuẩn bị từ sớm, bắt đầu từ nửa cuối năm 2022 khi tiêu thụ toàn ngành giảm đột ngột. Một số giải pháp căn cơ mà Sao Ta đã thực thi là: Chuyển hướng thị trường phát huy lợi thế của mình. Tập trung bán hàng cho đối tác thanh toán nhanh. Tận dụng mọi cơ hội kinh doanh, nhưng ưu tiên cho khách hàng chiến lược đang có. Giao hàng nhanh và quan tâm chia sẻ khó khăn với các khách hàng lớn trên quan điểm cùng nhau giữ vững khách hàng của mình, qua khó khăn sẽ có nền tảng tốt để tăng tốc, phục hồi… Trên hệ thống giải pháp này, Sao Ta hoàn toàn không bị nợ xấu và giữ vững hệ thống khách hàng lâu dài của mình. Quan trọng hơn là có lợi nhuận, trên 300 tỷ đồng. Đây là con số mơ ước trong bối cảnh đầy rủi ro này.
Điều mà tôi tâm đắc nhất là Sao Ta đã giữ vững được đội ngũ trên 5.000 lao động và bảo đảm thu nhập tốt. Đồng thời giữ vững đội ngũ khách hàng tiêu thụ.
Với suy nghĩ thực hiện nghiêm túc quy định, ngay từ khi thành lập (1995) Sao Ta đã tốn rất nhiều công sức để hình thành hệ thống xử lý nước thải, được đánh giá là hữu hiệu nhất trong ngành. Đây là nền tảng để nâng tầm cho suy nghĩ nên thực thi các tiêu chí doanh nghiệp bền vững sau này. Tuy nhiên, cái nhìn của Sao Ta về “bền vững” lại nằm ở nỗ lực xây dựng thương hiệu ngay từ đầu, thể hiện ở việc nâng cao và giữ vững chất lượng ổn định. Đây là thành quả lớn nhất của Sao Ta.
Khoảng chục năm gần đây, khi có sự chuyển đổi về nhận thức, thế giới tập trung cho kinh tế xanh và giảm dần kinh tế nâu, Sao Ta đã bắt nhịp sớm, thể hiện ở việc Sao Ta là doanh nghiệp thủy sản duy nhất 4 năm liền đạt danh hiệu doanh nghiệp bền vững. Đặc biệt hai năm gần đây, Sao Ta lần lượt ở hạng 6 và hạng 4.
Tôi viết bài là lúc nghiền ngẫm và tổng hợp các suy nghĩ. Khi hoàn chỉnh cho mình và đội ngũ, cũng nên chia sẻ với mọi người. Bởi có câu lãnh đạo chỉ bảo “Muốn đi xa phải đi cùng nhau”, thì chút năng lượng cho nhau là chuyện nên làm. Rõ ràng nếu ai cũng suy nghĩ “đi cùng nhau”, chia sẻ ít nhiều với nhau thì chắc chắn góp phần làm tăng sức mạnh chung lẫn từng doanh nghiệp.
Sẵn đây, tôi nói câu chuyện “đi cùng nhau…”. Giai đoạn 1998 – 2003 Sao Ta đang ăn nên làm ra, và là điểm tham quan, học tập cho các doanh nghiệp bạn trên cả nước (thiết bị, máy móc, quy trình chế biến…). Chuyện này nổi tiếng đến nỗi khách hàng còn gửi người từ nhà máy nước ngoài tới học hỏi. Đây là ngoài ý muốn nhưng do mối quan hệ nên mới xảy ra. Bởi lúc đó, suy nghĩ của tôi là bằng mọi cách nâng tầm chế biến tôm Việt, vì giai đoạn 1995 – 2000 việc chế biến của ngành tôm Việt đang ở mức rất thấp. Tuy nhiên, cộng sự tôi không tán thành vì e bị cạnh tranh ngay sau đó. Tôi động viên nội bộ là đừng ngại lộ bí quyết mà nên coi đó là áp lực để mình vươn lên tầm cao hơn. Quả thực, qua 5 năm, chúng tôi đã vươn tầm cao hơn và niềm vui lan tỏa là đã góp phần khiêm tốn cho áp lực và động lực vươn lên của toàn ngành. Tôi vẫn còn nhớ lúc đó lãnh đạo Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN&PTNT) nhiều lần khen ngợi việc làm của Sao Ta và luôn quan tâm, động viên chúng tôi. Và điều không ngờ, hành động này của Sao Ta được đánh giá rất cao để có những khen thưởng to lớn sau này.
Thật tình mà nói, hai từ “bản lĩnh” có vẻ to tát. Tôi ở trong ngành tròn 40 năm đúng (từ 1983). Thời gian đó quá dài, quá đủ để tôi tích lũy kiến thức, kinh nghiệm cho mình. Cho nên, bản lĩnh là sự tích hợp và phối hợp nhiều yếu tố, ngoài yếu tố trên còn thêm yếu tố nhạy bén, linh hoạt và dũng cảm.
Chắc chắn phải có sự chuẩn bị từ xa rồi, trên nền tảng tận dụng mọi cơ hội khách quan, thế mạnh chủ quan của mình. Nhưng trước tiên chúng tôi tập trung mọi nguồn lực lo Tết người lao động chu đáo theo khả năng tối đa. Ngay bây giờ chúng tôi luôn quan tâm liên lạc các khách hàng lớn, tìm hiểu tình hình tiêu thụ và xu thế người tiêu dùng, nhận định việc tiêu thụ trong Noel và chào năm mới. Bởi kết quả này tác động lớn tới kế hoạch quý đầu tiên năm sau. Chúng tôi cũng quan tâm tình hình các xung đột để đánh giá lạm phát, suy thoái ở thị trường lớn diễn biến ra sao mà có sách lược phối hợp các khách hàng lớn của mình. Đồng thời, tu bổ nhà xưởng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm thiểu rủi ro, giữ tốt uy tín sản phẩm.
Hơn nữa, trên cơ sở nhận định khó khăn quá lớn đang xảy ra, người dân sẽ giảm thiểu nuôi lúc mùa nghịch, tôm thương phẩm quý I/2024 sẽ khan hiếm, giá có xu hướng tăng, nên Sao Ta đã có kế hoạch thả nuôi mùa nghịch nhằm tranh thủ “giá”. Điều này không phải là Sao Ta đang quá liều lĩnh mà vì nhận định do tác động từ El Nino, thời tiết cuối năm sẽ không chuyển lạnh gây rủi ro cho nuôi tôm như mọi năm và Sao Ta có quy trình nuôi vi sinh khá tự tin. Giải pháp này thành công, năm 2024 Sao Ta lạc quan đạt những cột mốc thành quả mới!
Điểm này chứng minh nhà điều hành cần có các yếu tố nhạy bén, quyết đoán và dũng cảm… bởi chi phí đầu tư vụ nuôi mấy trăm tỷ đồng, nên khi thành bại tác động chung cả năm chứ không phải chuyện nhỏ.
>> Năm 2023, doanh số tiêu thụ của Sao Ta đạt 200,6 triệu USD, giảm 11,3% so với năm 2022. Sản lượng tôm thành phẩm tiêu thụ đạt 17.407 tấn, giảm 3,7% so với năm 2022. Thị trường Nhật Bản vừa giúp Sao Ta tận dụng tối đa lợi thế nhà máy với dây chuyền hiện đại, chuyên cung cấp các sản phẩm tôm chế biến sâu, vừa tránh cạnh tranh trực tiếp về giá với tôm nguyên liệu giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ
Xuân Trường (thực hiện)