Đầu tư cả trăm triệu đồng cho chuyến ra khơi đầu năm, nhưng ngư dân nhiều địa phương không an lòng bởi vấn đề giá cả, nguồn lao động, luồng lạch, thời tiết… vẫn chưa thực sự thuận lợi.
Thiếu bạn, ghe nằm bờ
Những ngày này, dọc cảng cá Phước Tỉnh (huyện Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu), có đến hàng trăm ghe cào vẫn chưa ra khơi. Ông Trần Văn Hoa, Trưởng Ban Thủy sản-Nông-Lâm-Diêm nghiệp xã Phước Tỉnh cho hay, sau Tết Nguyên đán, lao động nghề biển thật sự khan hiếm. Một phần do bạn biển chủ yếu là lao động ở các tỉnh miền Trung trở vào Nam tìm việc cố tình né đợt tàu xe tăng giá, nên dù đặt lịch mùng 6 tháng giêng ra khơi nhưng nhiều ghe chỉ gọi được 5-7 người, chưa tới một nửa số bạn biển cũ. Phần khác là do năm 2012, nghề đánh bắt hải sản sụt giảm về năng suất cũng như thu nhập nên nhiều bạn biển chuyển nghề khác làm ăn. Do vậy, để đủ con số 20 bạn cho một đôi ghe cào, chủ ghe phải chấp nhận phương án tuyển người mới với mức ứng nóng từ 7-10 triệu đồng/lao động trước khi họ đặt chân xuống ghe. Ông Hoa nói: “Ứng trước mà làm được việc, theo tới cuối chuyến thì cũng phải ráng. Đằng này, với nghề đi biển, do chưa có một cách thức nào để ràng buộc người lao động, nên nhiều bạn biển ứng đủ tiền nhưng trốn luôn không xuống ghe. Hoặc có đi được chục bữa rồi nhảy ghe khác về, hay nhân lúc ghe ghé vào các tỉnh là tìm cách bỏ trốn, chủ không cách nào mà kiếm”.
Đầu năm, do còn gặp nhiều khó khăn, nên nhiều ghe tàu còn phải nằm bờ, ngư dân lo lắng.
Chủ ghe Võ Quang Nhơn (209/9, Bạch Đằng, phường 5, TP.Vũng Tàu) cũng than: “Hồi xưa muốn xuống ghe làm bạn biển, dù có nghề cũng phải qua thời gian tập sự, chỉ xin cơm ăn, chủ cho cá lấy lộc là vui rồi. Còn bây giờ, lao động khan hiếm, nhiều em chưa biết nghề cũng đòi 3-5 triệu đồng ứng trước mới chịu đi. Nhiều chủ ghe ở đây cũng dở khóc dở cười với chuyện bạn ứng tiền rồi… trốn luôn, đến ngày xuất bến thiếu hơn một nửa số bạn thì làm sao dám đi? Ngặt nỗi tiền tổn – mua dầu, đá, gas, gạo, thức ăn, rau tươi… cả trăm triệu đồng rồi, bằng mọi giá phải xuất bến chớ. Vậy là phải nhờ người tìm người mới và tất nhiên là tiền ứng bắt đầu tăng lên, người 5 – 6 triệu đồng, có người đòi 8-9 triệu đồng cũng bấm bụng mà chi”.
Luồng lạch không thông
Chủ ghe Võ Minh (ấp Tân Phước, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền), mô tả: Những năm trước, luồng lạch thuận lợi, ghe cào của xã từ cảng Phước Tỉnh mà đi thẳng ra biển, hết chừng 30 phút. 2-3 năm trở lại đây, do đất bồikhu vực cửa biển, nên ngư dân phải cho ghe đi một đường vòng khá dài ra cầu Cửa Lấp, qua cầu Cỏ May, vòng qua Gò Găng, bọc ra tới Sao Mai – Bến Đình mới ra được biển. Ông Minh làm bài toán: “Đi như vậy kéo dài thêm 6 tiếng đồng hồ. Cặp ghe 500CV/chiếc như nhà tui là tiêu thụ hết gần 1.000 lít dầu, mất đứt 20 triệu đồng. Chưa tính gì khác, chỉ bấy nhiêu thôi đã thấy ra biển năm nay thua thiệt hơn mọi năm”.
Chủ ghe Võ Thuận (ấp Tân Lập, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cũng phân trần: “Đâu phải đi đường vòng mà dễ. Mỗi lần qua cầu là phải xếp dẹp cẩu xuống ghe mới chui qua cầu được. Cũng có ghe ra cửa mắc cạn phải huy động người, ghe ra kéo về, chi phí hết cả tỉ đồng. Mấy vụ này địa phương biết, ngành chức năng biết, báo chí cũng đưa tin suốt, nhưng dự án nạo vét, khai thông cửa biển Phước Tỉnh chưa thấy tỉnh khởi động như đã bàn cách đây mấy năm. Ngư dân tụi tui sốt ruột lắm”.
Bà chủ ghe Nguyễn Thị Ngọc Lệ (279, Trần Phú, phường 5, TP.Vũng Tàu) cho biết thêm: “Ghe Vũng Tàu không vướng phải vụ bãi bồi như Phước Tỉnh, nhưng chúng tôi cũng nằm trong cái guồng giá cả tăng sau Tết. Cứ tính ngư lưới cụ tăng 3-5%, thực phẩm tăng 5-7% thì tiền tổn mỗi cặp ghe tăng gần chục triệu đồng/chuyến. Mà bữa nay, tin từ biển báo về qua điện thoại, thời tiết bất lợi, gió chướng thổi hoài, ghe đang neo, chưa đánh bắt được gì”. Ông Võ Minh cũng cho hay, ghe của ông cũng đang neo đậu ở vùng biển cách Côn Sơn 70 hải lý, thuyền trưởng báo về chưa có mẻ cào nào ra tấm ra miếng hết. “Mới đầu năm mà ghe nằm bờ thì quá rầu, mà ra tới biển rồi lại neo đó thì cũng như không, ngư dân tụi tui lo lắm mà chẳng biết tính cách nào hơn” – giọng ông Minh đầy trăn trở.