THỨ HAI, ngày 20/1/2025

Chuyên đề Cá rô phi – Bài 3: Cá rô phi: Dễ nuôi, dễ bán, dễ xuất khẩu

Chưa có đánh giá về bài viết

“Các chuyên gia thủy sản đã tìm cách tạo ra cá rô phi toàn đực (còn gọi là rô phi đơn tính). Người nuôi cần thận trọng, phải mua của cơ sở có uy tín, có năng lực, địa chỉ rõ ràng; không thì dễ bị lừa là giống rô phi đơn tính nhưng thực chất lại là rô phi bình thường…” – Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lân Hùng (ảnh) – người có biệt danh “Bạn của nhà nông” chia sẻ với Thủy sản Việt Nam.


Bài 1: Để có thể là cá rô phi

Bài 2: Trăn trở của “Trùm cá rô phi xứ Thanh”

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lân Hùng, cá rô phi (Tilapia) là tên gọi chỉ chung cho các loài cá nước ngọt phổ biến, đây là giống cá thuộc họ Cichlidae gồm nhiều chủng, có nguồn gốc châu Phi.

Cho đến năm 1964, người ta mới biết khoảng 30 loài cá rô phi, hiện nay con số đó khoảng 100 loài, trong đó khoảng 10 loài có giá trị kinh tế. Những loài được nuôi phổ biến là cá rô phi vằn, rô phi xanh, rô phi đỏ và rô phi đen trong đó loài nuôi phổ biến nhất là cá rô phi vằn.

Ngày nay cá rô phi không những được nuôi ở châu Phi mà đã được nuôi ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Trong vài chục năm trở lại đây, cá rô phi thực sự trở thành loài cá nuôi công nghiệp, sản lượng lớn và giá trị kinh tế cao.

Cá rô phi vằn có tên khoa học là Oreochromis niloticus, là loài cá có thịt ngon, giá trị thương phẩm cao, nhanh lớn và dễ nuôi ở các mô hình nuôi khác nhau. Kết quả nghiên cứu những năm gần đây cho thấy nuôi đơn cá rô phi hay nuôi ghép với các loài cá khác, cá sinh trưởng nhanh và rất ít khi bị bệnh. Cá rô phi có khả năng chống chịu tốt với các môi trường sống khác nhau và cho hiệu quả kinh tế cao.

Loài cá rô phi vằn Oreochromis niloticus có đặc biểm thân phủ vảy, ở phần lưng có màu xám nhạt, phần bụng có màu trắng ngà hoặc xanh nhạt. Trên thân có 7 – 9 vạch chạy từ phía lưng xuống bụng. Các vạch đậm dọc theo vây đuôi ở từ phía lưng xuống bụng rất rõ. Cá rô phi vằn là loài có kích cỡ thương phẩm lớn, lớn nhanh và đẻ thưa hơn cá rô phi đen. Ðây là loài được nuôi phổ biên nhất.

Thời gian nuôi cá rô phi ngắn, hiệu quả cao – Ảnh: Máy Cày

Loài cá rô phi đen Oreochromis mossambicus thì thân phủ vảy, vảy ở lưng có màu xám tro đạm hoặc xanh đến hơi nhạt. Phần bụng có màu trắng xám hoặc xám ngà. Trên thân và vây đuôi không có các sọc chạy từ phía lưng xuống bụng như ở cá rô phi vằn. Cá rô phi đen còn gọi là cá rô phi cỏ, rô phi sẻ là loài lớn chậm, kích cỡ thương phẩm nhỏ, đẻ mau nên không được ưa chuộng.

Ngoài ra còn một số giống cá rô phi khác như cá rô phi đỏ (cá diêu hồng) cũng được nuôi khá phổ biến hiện nay, đặc biệt là ở ÐBSCL.

Từ những năm 70 trở lại đây, Việt Nam đã nhập nhiều giống rô phi mới, đặc biệt là giống rô phi đỏ (còn gọi là cá điêu hồng) và rô phi vằn của Đài Loan. Hai loại này nuôi 4 – 5 tháng là đã đạt được 300 – 400 g/con. Gần đây ta lại nhập dòng rô phi GIFT, nuôi 5 – 6 tháng đã đạt trọng lượng 600 – 700 g/con. Trọng lượng tối đa có thể từ 1,2 –  1,4 kg/con, cá càng lớn bán càng dễ, xuất khẩu rất tốt…

Rô phi có thể nuôi trong môi trường nước ngọt, lợ và cả trong vùng có độ mặn tới 32‰ . Nhiều nơi nuôi tôm sú ven biển đã xen một vụ cá rô phi để nó làm thêm nhiệm vụ dọn ao cho tôm. Rô phi chịu được môi trường nước có nồng độ NH3 tới 2,4 mg/lít, nhiệt độ nước lên tới 42 độ C (nhưng nếu nhiệt độ xuống dưới 11 độ C thì rô phi không chịu nổi). Rô phi hoạt động ở tầng đáy và chịu được hàm lượng ôxy thấp tới ngưỡng 0,1 – 0,3 mg/lít. Giới hạn pH đối với chúng 5 – 10.

Rô phi cái và đực có tốc độ lớn khác nhau. Thường thì con đực lớn nhanh hơn con từ 15 – 18%, sau 4 tháng nuôi. Người nuôi chỉ muốn nuôi toàn con đực. Do đó, các chuyên gia thủy sản đã tìm cách tạo ra cá rô phi toàn đực. Hay còn gọi là rô phi đơn tính. Với người nuôi cần thận trọng, phải mua cá của cơ sở có uy tín, có năng lực, địa chỉ rõ ràng. Nếu không thì dễ bị lừa là giống rô phi đơn tính nhưng thực chất lại là giống rô phi bình thường.

Rô phi có thể nuôi đơn hoặc nuôi ghép; nuôi ao, hồ, ruộng. Nếu nuôi ruộng cần có mương xung quanh chiếm khoảng 30% diện tích ruộng và sâu 0,8 – 1,2 m.

Rô phi là loài cá ăn tạp nghiêng về thực vật, thức ăn chủ yếu là tảo và một phần thực vật bậc cao và mùn bã hữu cơ. ở giai đoạn cá con từ cá bột lên cá hương, thức ăn chủ yếu là động vật phù du và một ít thực vật phù du. Từ giai đoạn cá hương đến cá trưởng thành thức ăn chủ yếu là mùn bã hữu cơ và TVPD. Cá rô phi có khả năng tiêu hóa các loài tảo xanh, tảo lục mà một số loài cá khác không có khả năng tiêu hóa. Ngoài ra cá rô phi còn ăn được thức ăn bổ sung như cám gạo, bột ngô, các loại phụ phẩm nông nghiệp khác.

Đặc biệt cá rô phi có thể sử dụng rất có hiệu quả thức ăn tinh như: cám gạo, bột ngô, khô dầu lạc, đỗ tương, bột cá… và các phụ phẩm nông nghiệp khác. Nuôi thâm canh nên cho cá ăn thức ăn có hàm lượng đạm cao.

“Có thể nuôi thuần rô phi hoặc nuôi lẫn với các loài khác đều được…” – chuyên gia Nguyễn Lân Hùng chia sẻ.

Trần Ngọc Thọ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!